Thông điệp "sống còn" từ kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu

Trịnh Quang Chinh |

Khi các kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) công bố vào đêm 26/5, thì cũng là lúc nỗi lo ngại rằng xu hướng dân túy sẽ trở thành một thế lực mạnh mẽ trong Liên minh châu Âu (EU) trở nên lắng dịu.

Từ 23-26/5, người dân 28 quốc gia thành viên EU đã tham gia bỏ phiếu bầu EP với tỷ lệ cử tri đi bầu chạm mốc 51%, mức kỷ lục trong 20 năm qua. Lần cuối cùng cuộc bầu cử này thu hút trên 50% cử tri là năm 1994 (56,6%).

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, phe dân túy giành được khoảng 25% trong tổng số 751 ghế, tăng so với 20% trong cuộc bầu cử cách đây 5 năm, nhưng không đủ để tạo nên chiến thắng vang dội như nhiều người từng phỏng đoán.

Thêm sóng gió cho Brexit

Trước hết, với người Anh và kể cả với người dân EU, kết quả nói trên được cho sẽ “nhấn chìm” hy vọng của Vương quốc Anh rằng Liên minh châu Âu sẽ "hạ giọng" trong vấn đề Brexit.

Bởi lẽ, các ứng cử viên thay thế Thủ tướng Anh Theresa May đang kỳ vọng EU tái đàm phán về thỏa thuận rút khỏi Liên minh của Vương quốc Anh, đồng thời đưa ra những nhượng bộ về thỏa thuận liên quan đến biên giới Ireland. Các chính trị gia bảo thủ ở “xứ sở sương mù” luôn mong đợi một "làn gió mới" trong cán cân quyền lực ở châu Âu sẽ khiến những toan tính của họ có thêm hậu thuẫn để trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, dù phiếu bầu dành cho các đảng trung hữu và trung tả truyền thống sụt giảm, lượng phiếu này lại được chuyển cho các nhóm thân EU khác như các đảng tự do và đảng Xanh.

Cụ thể, các đảng thân EU dự kiến giành được 2/3 số ghế tại EP. Trong khi đó, các đảng của lãnh đạo dân túy như ông Matteo Salvini (ở Italy) và bà Marine Le Pen (ở Pháp), các nhóm dân túy cánh hữu đạt kết quả khá vững chắc nhưng vẫn sẽ chỉ chiếm khoảng 1/4 Nghị viện mới.

Tại Italy, các kết quả sớm cho thấy đảng Liên đoàn của Phó Thủ tướng Matteo Salvini giành 28% số phiếu, tăng so với tỷ lệ 17% trong cuộc bầu cử quốc gia năm ngoái và 6% trong cuộc bầu cử EU 2014. Bà Marine Le Pen của Pháp cũng đã giành được 23,5% số phiếu.

Điều này đồng nghĩa với việc các đảng truyền thống của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, nhà đàm phán Brexit Michel Barnier và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vẫn sẽ giữ vững và có tiếng nói quyết định trong việc bổ nhiệm những người kế nhiệm, có tầm ảnh hưởng chi phối đến việc hoạch định đường hướng phát triển của khối trong thời gian tới.

Các nhà lãnh đạo ở Brussels đã nhiều lần khẳng định sẽ không sửa đổi thỏa thuận Brexit cũng như nhấn mạnh không có gì trong kết quả bầu cử EP cho thấy sự thống nhất của EU bị rạn nứt.

Cử tri tăng, vấn đề không giảm

Nhiều chuyên gia cho rằng, đến thời điểm hiện tại, các kết quả kiểm phiếu sớm không cho thấy sự thay đổi lớn nào ở EU.

“Châu Âu sẽ tiếp tục hỗn loạn. Với những kết quả kiểm phiếu sớm và các dự báo, bầu cử EU sẽ tạo ra một Nghị viện còn chia rẽ hơn với sự ảnh hưởng tăng nhẹ của các đảng cánh hữu hoài nghi châu Âu”, CNBC dẫn lời ông Holger Schmieding - chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Berenberg (Đức).CNN bình luận, kết quả bầu cử đặt ra thách thức cho việc xây dựng sự đồng thuận không chỉ giữa 28 nước thành viên EU, mà cả trong nội bộ những nước này. Việc các nhà lãnh đạo diễn giải những kết quả này sẽ lập tức tác động đến những quyết định quan trọng trong tương lai.

"Sẽ không có biến động lớn trong chính trường nội bộ các nước, dù một số đảng cầm quyền, đặc biệt là ở Đức, Pháp hay Hà Lan, sẽ phải điều chỉnh một vài chính sách", Báo Politico nhận định.

Lâu nay, EU vẫn bị chỉ trích là quá áp đặt các nước thành viên, làm tổn hại chủ quyền quốc gia cũng như không quan tâm đến các bức xúc trực tiếp của nhiều tầng lớp người dân châu Âu, đặc biệt là giới lao động và nhóm dân bản địa lo lắng khi chính trị, an ninh, văn hóa châu Âu bị ảnh hưởng.

Chắc chắn sau cuộc bầu cử, các lo ngại này sẽ lại được nêu lên và Nghị viện châu Âu cũng như Hội đồng và Ủy ban châu Âu phải xem xét một cách nghiêm túc. Vì vậy, có thể nói, bầu cử EP 2019 là bước ngoặt quan trọng, đóng vai trò mật thiết với tương lai của khối trong thời điểm các quốc gia thành viên đang bị chia rẽ mạnh bởi chủ nghĩa dân tộc, dân túy.

Nghị viện châu Âu là cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU), gồm 751 thành viên do cử tri bầu 5 năm một lần. Nghị viện gồm 8 nhóm dựa trên các mối liên kết chính trị và ý thức hệ sẽ đại diện cho lợi ích của công dân các nước thành viên. Một trong những vai trò lập pháp chính của Nghị viện châu Âu là xem xét và thông qua các luật do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất. Nghị viện cũng chịu trách nhiệm bầu chủ tịch EC và phê duyệt ngân sách EU.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại