Trên trang Twitter cá nhân, ông Pompeo đã đăng hình ảnh một đồng hồ đếm ngược nhằm cho thấy “thời gian còn lại trước khi các lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran hết hạn và lệnh cấm xuất cảnh đối với tướng quân đội Iran Qasim Soleimani kết thúc”, và kêu gọi “các nước đồng minh và đối tác” gia tăng sức ép đối với Iran trước khi các lệnh trên không còn hiệu lực.
Tuyên bố trên của ông Pompeo ngay lập tức đã nhận được nhiều phản hồi trái chiều, và có nhiều người nói rằng nếu Mỹ không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran thì “sẽ chẳng có vấn đề gì xảy ra”. Cũng có người cho rằng Mỹ đang lo ngại việc Iran có thể tự trang bị vũ khí cho mình và đẩy lui được những bước đi gây hấn của Mỹ, và hiểm họa mà Washington đưa ra khi nói về Tehran là không có thật.
Ông Pompeo và chính phủ Mỹ đã kêu gọi các nước trên thế giới tham gia “tuần tra” Eo biển Hormuz gần Iran trong nhiều tháng qua, sau khi cáo buộc Tehran đứng đằng sau những vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu ở Vịnh Ba Tư và vào tháng trước nước này đã bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Anh.
Mỹ coi những sự kiện trên là bằng chứng cho thấy các tuyến đường biển quốc tế cần phải được “bảo vệ” khỏi những “cuộc tấn công vô cớ” được cho là của Iran.
Trong khi phía Iran cáo buộc tàu Anh đã vi phạm luật biển và trước đó London cũng bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ở Eo biển Gibraltar, hành động của Tehran đã bị Washington coi là hành vi gây hấn của một thế lực chuyên gây bất ổn trong khu vực. Lầu Năm Góc đã triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay, phi đội máy bay ném bom, hệ thống tên lửa và hàng ngàn binh lính tới Vùng Vịnh.
Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm 2018 và áp đặt lại những hình thức cấm vận ngặt nghèo đối với Iran mặc dù nước này đã tuân thủ nội dung thỏa thuận. Các nước khác ký kết vào thỏa thuận này đã không làm theo Mỹ nhưng tỏ ra do dự trong việc đứng về phía Iran, khiến Tehran đẩy mạnh hoạt động làm giàu uranium.