Là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức, Thomas Billhardt được biết tới với những bức ảnh chân thực và giàu cảm xúc nhưng vẫn đậm chất thời sự tại Việt Nam giai đoạn chiến tranh. Nhân kỷ niệm 40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 2019), Trí thức trẻ đã có cuộc trao đổi với ông và được ông chia sẻ về hành trình tác nghiệp tại Lạng Sơn, một trong những nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất vào năm 1979.
Trong khoảng thời gian từ năm 1967 tới năm 1975, tôi đã tới Việt Nam 7 lần với tư cách là một phóng viên chiến trường. Tôi là một trong những nhiếp ảnh gia đầu tiên tới thành phố Đà Nẵng sau giải phóng vào tháng 5/1975 và từ Hà Nội đi Sài Gòn trong tháng 9 năm đó.
Năm 1979, khi hay tin về cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đoàn thanh thiếu niên tự do Đức (FDJ) ở CHDC Đức (Đông Đức cũ), đã lập tức cử tôi sang Việt Nam. Tôi là phóng viên duy nhất của CHDC Đức đưa tin về cuộc chiến này ở khu vực Lạng Sơn.
Tôi ngủ nghỉ trong những ngôi nhà đổ nát cùng với những người lính và cũng nhận được thức ăn từ họ. Họ rất quan tâm lo lắng để không có chuyện gì xảy ra với tôi. Lúc nào cũng nghe thấy tiếng súng nổ rền vang. Thật tiếc, tôi đã không được phép ra tiền tuyến.
Tôi đã tự tìm cách thuyết phục người phiên dịch và nhân viên an ninh về phong cách nhiếp ảnh mang tính nhân văn của mình. Những bức ảnh của tôi là để lên án chiến tranh và kêu gọi thế giới thể hiện tình đoàn kết hữu nghị với các nạn nhân của cuộc chiến.
Các bức ảnh của tôi thể hiện sự kính trọng và tình yêu của tôi dành cho những con người Việt Nam chiến đấu vì nền độc lập. Tôi không muốn chụp những bức ảnh độc lạ về những con người ở một miền đất xa xôi, mà muốn mang mọi dân tộc, chủng tộc đến gần nhau hơn. Chúng ta là những người anh em, chị em có chung những cảm xúc. Cuộc sống, cái chết, tình yêu và nỗi đau luôn song hành dù là ở châu Á, châu Âu, Mỹ hay châu Phi.
Tôi luôn chụp ảnh màu. Vì chỉ có nguồn phim của CHDC Đức mà nguồn phim đó lại không được tốt lắm, nên để cho ra những tấm ảnh với chất lượng có thể chấp nhận được, tôi chỉ có thể sử dụng phim cuộn. Thế nên, tôi chọn ảnh khổ vuông. Dĩ nhiên là ảnh khổ nhỏ (135mm) tốt hơn cho ảnh thời sự nhưng nếu sử dụng khổ nhỏ, tôi chắc chắn sẽ không có kết quả ưng ý.
Tình hữu nghị là mục tiêu đầu tiên của tôi khi tìm cách thuyết phục dư luận quốc tế rằng chiến thắng trước sự xâm lược của Mỹ là điều cần thiết với Việt Nam. Dĩ nhiên, tôi cũng biết rõ là thêm một cuộc chiến tranh với một đất nước lớn hơn rất nhiều (Trung Quốc - PV) có thể là đòn chí tử với Việt Nam. Mỹ đã rất vui mừng về chuyện đó.
Trong giai đoạn này, người dân đang ăn mừng chiến thắng chống Mỹ ở Hà Nội. Người dân Việt Nam xứng đáng được vui mừng vì điều đó. Bức ảnh những quân nhân với gương mặt cười ở Hà Nội và bức ảnh người lính cài hoa trên nòng súng khi hành quân ở Lạng Sơn là hai trong số những bức ảnh tôi thích nhất về Việt Nam năm 1979.