Tháng này, cơ quan cạnh tranh Australia công bố dự thảo buộc Facebook và Google chia sẻ doanh thu từ tin tức với nhà xuất bản. Phiên bản hoàn thiện sẽ sớm xuất hiện. Đây là bộ quy tắc chưa từng có trên thế giới.
Facebook và Google đều thống trị thị trường quảng cáo tực tuyến và chịu sức ép lớn về pháp lý, chính trị tại Mỹ, châu Âu, nay là Australia. Nhà đầu tư cũng đứng ngồi không yên. Nếu nhà chức trách nước khác làm theo Australia, họ sẽ loại bỏ 2 trong số những mô hình kinh doanh thành công nhất thế kỷ 21, phần lớn nhờ vào nội dung miễn phí. Hợp lại, giá trị thị trường của hai hãng vào khoảng 1,7 nghìn tỷ USD.
Theo Dan Ives, nhà phân tích của hãng chứng khoán Wedbush, nó có thể mở ra “chiếc hộp Pandora” xoay quanh việc kiếm tiền và chia sẻ dữ liệu.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Rod Sims - Chủ tịch Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC) – cho biết một số nước đang cân nhắc động thái tương tự. Với người đàn ông 69 tuổi, điều này không đơn giản là buộc doanh nghiệp phải chơi công bằng mà còn vì “báo chí quan trọng”. Theo ông, quyền lực thứ tư là một phần cơ bản để xã hội hoạt động.
Các tổ chức truyền thông truyền thống từ lâu phàn nàn nội dung của họ bị nền tảng số khai thác mà không được bồi thường. Tuy nhiên, nó chỉ là một phần. Trong khi các nền tảng và nhà xuất bản cạnh tranh vì những cú bấm chuột, họ cũng là đồng minh của nhau. Tin tức, hay thậm chí là đường link, góp phần làm nên sức hấp dẫn của Google và Facebook, tăng sự gắn kết của người dùng. Ngược lại, lượng truy cập website tin tức cũng tăng lên.
Ông Sims cho rằng giá trị ròng trong mối quan hệ này đổ vào các nền tảng công nghệ. Nhưng Facebook gọi đây là sai lầm. Trong báo cáo 58 trang gửi lên ACCC, Facebook gọi tin tức là nội dung có khả năng thay thế cao. “Tin tức không mang lại giá trị thương mại về lâu dài cho việc kinh doanh của chúng tôi”, mạng xã hội khẳng định. Trong khi đó, các hãng tin còn thu về 2,3 tỷ click từ bảng tin Facebook trong thời gian từ tháng 1 tới tháng 5/2020.
Theo Mel Silva, Giám đốc Quản lý Google tại Australia, giá trị kinh tế trực tiếp và gián tiếp từ tin tức đối với Google Search là “rất nhỏ”, còn Google Search đóng góp tới 3,44 tỷ lượt xem website tin tức Australia trong năm 2018.
Không rõ quy định của Australia sẽ khiến các gã khổng lồ công nghệ thiệt hại bao nhiêu. Đó là vì gần như không thể định lượng giá trị của tin tức. Bản thân ông Sims cũng cảnh báo đây là điều “đặc biệt khó” song luôn có cách để định giá thứ gì đó. Vài tháng gần đây, điều này đã được chứng minh.
Tháng 4, cơ quan chống độc quyền Pháp yêu cầu Google trả tiền cho nhà xuất bản khi hiển thị trích dẫn tin tức. Tháng 6, Google cho biết sẽ trả tiền cho tin tức xuất hiện trong dịch vụ chuẩn bị ra mắt tại Đức, Australia và Brazil.
Có lẽ quan trọng nhất, cuối năm 2019, Facebook giới thiệu mục tin tức riêng và trả tiền cho các hãng tin. Khoảng 200 nhà xuất bản tham gia Facebook News, một số nhận được từ 1 tới 3 triệu USD/năm.
Bộ quy định bắt buộc của ACCC còn đi xa hơn: dự thảo nhắc tới khả năng tẩy chay Facebook và Google tập thể nếu không có thù lao thỏa đáng. Facebook và Google đều nói sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan truyền thông, ACCC và chính phủ Australia. Song Facebook khẳng định cách tiếp cận pháp lý gây hại cho hai hãng công nghệ và làm lợi cho báo chí không thể duy trì hệ sinh thái tin tức khỏe mạnh.