Thời trang Việt thất thế trên sân nhà

Như Bình |

Khi các thương hiệu thời trang trong nước còn tìm cách trụ lại thị trường, vật vã tìm thị hiếu người dùng thì sự đổ bộ của những thương hiệu thời trang quốc tế vào VN gần đây nhanh chóng được chào đón nồng nhiệt.

Những thương hiệu thời trang mà từ trước đến nay người Việt chỉ có thể mua hàng xách tay giờ đã chính thức có mặt tại VN, đang khuấy động thị trường thời trang Việt vốn rất béo bở, ước tính hơn 3 tỉ USD/năm.

Xếp hàng mua quần áo

Trưa ngày giữa tuần, cửa hàng thời trang Zara tại Vincom Center đông đúc khách với nhiều thành phần: khách văn phòng tranh thủ nghỉ trưa đi sắm, khách du lịch quốc tế và có không ít là khách từ Hà Nội bay vào mua hàng.

Người chọn, người thử, người thanh toán, ở khu vực nào của cửa hàng khách cũng phải nhẫn nại chờ xếp hàng đến lượt mình. Chị Trang, một khách từ Hà Nội vào, cho biết ngoài mua cho bản thân, chị còn mua giùm bạn bè, phải chụp hình lựa mẫu, size... khá nhọc công.

Sau hơn một tháng, tưởng chừng cơn sốt Zara lúc mở cửa sẽ nguội bớt nhưng nhìn lượng khách ra vào cửa hàng này dễ thấy nhà kinh doanh đã chọn đúng thời điểm để vào VN.

Trước Zara, những thương hiệu thời trang ở phân khúc trung cấp và bình dân như Mango, GAP, Topshop... cũng hiện diện tại VN và duy trì tốc độ mở cửa hàng một cách chừng mực.

Rất nhiều thương hiệu mà trước đây các tín đồ thời trang Việt chỉ có thể mua qua các đợt đi công tác ở nước ngoài thì 
nay đã có mặt ở VN.

Trái với các cửa hàng lớn đều khách nườm nượp, các cửa hàng thời trang trong nước chật vật hơn.

Cửa hàng thời trang H. trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) liên tục đẩy chương trình khuyến mãi giảm giá nhưng khách chỉ vào những ngày đầu, sau đó vắng hẳn. Nhân viên cửa hàng cho biết khách vào chỉ mua lai rai một vài món, không còn mua nhiều như trước đây.

Chị Nhung - người chuyên kinh doanh hàng xách tay hoặc nhận "mua giùm" hàng cho những khách VN yêu thích thương hiệu thời trang - cho biết tiêu dùng thời trang đang có sự phân hóa khá rõ.

Những người trẻ, có thu nhập, am hiểu xu hướng thời trang thường chọn những thương hiệu quốc tế, họ thường nhờ mua hộ từ các trang web nước ngoài hoặc mua trong những chuyến công tác.

Chẳng hạn với Zara, hàng sẽ mua từ trang web cửa hàng ở Tây Ban Nha, H&M sẽ mua ở Đức, hay GAP thì đánh hàng từ Mỹ...

Nếu tính các chi phí thuế, tiền ship, công..., giá mỗi món hàng từ 500.000 đồng đến dưới 2 triệu đồng, không quá cao mà kiểu dáng thời trang bắt kịp xu thế.

Trong khi đó, người tiêu dùng bình dân lại chọn một số thương hiệu trong nước, khả năng chi trả của đối tượng khách 
này lại hạn chế.

Theo giới bán hàng "xách tay", kể từ khi các thương hiệu quốc tế đổ bộ vào VN, tình hình kinh doanh của họ vẫn ổn định, không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo chị Nhung, lý do là mẫu mã của các hãng thời trang này vô cùng đa dạng trong khi hàng về VN khá chọn lọc, nhiều mẫu khách chỉ có thể mua trên website.

Trên thực tế, việc kinh doanh trực tuyến đã thúc đẩy các khách hàng đến những cửa hàng của Zara, qua đó hỗ trợ doanh thu lẫn nhau, điều mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh thời trang Việt 
hiện chưa làm được.

Nhiều thương hiệu mới sắp vào

Ông Sean T. Ngo, giám đốc Công ty VF Franchise Consulting, cho biết hầu hết các thương hiệu thời trang quốc tế đều vào VN theo con đường nhượng quyền.

Khác với nhượng quyền thương mại lĩnh vực thực phẩm hay thức uống, nhượng quyền trong lĩnh vực dịch vụ, mà ở đây là thời trang, khắt khe hơn nhiều.

Ngoài nền tảng kinh nghiệm trong lĩnh vực nhượng quyền, "lý lịch" người nhận nhượng quyền cũng rất quan trọng, trong đó cần phải chứng minh lịch sử làm ăn chưa bao giờ thua lỗ, và phải trình bày thuyết phục kế hoạch phát triển kinh doanh trong các năm tới với con đường doanh số, cửa hàng đi lên.

Do đó, sự phát triển mở rộng các chuỗi cửa hàng thời trang này trong thời gian tới là tất yếu, cạnh tranh thời trang 
Việt mạnh mẽ hơn.

Giới kinh doanh thời trang cho biết hiện thương hiệu thời trang bình dân của Thụy Điển là H&M cũng đã hoàn tất các thủ tục để có thể mở cửa hàng đầu tiên ở VN vào năm 2017.

Trong khi đó, một thương hiệu thời trang đình đám của Nhật Bản là Uniqlo cũng đang trong những ngày tìm kiếm đối tác nhượng quyền để vào thị trường VN trong thời gian sớm nhất.

Cạnh tranh với các cỗ máy bán hàng như Zara, H&M hay Uniqlo chưa bao giờ là đơn giản với các doanh nghiệp khác, và càng thách thức hơn cho thương hiệu thời trang Việt.

Giám đốc một thương hiệu thời trang trong nước cho biết các thương hiệu Zara, Uniqlo, H&M, Forever 21... đều có chung một mô hình là phủ kín từ thời trang nam, nữ, dành cho tuổi teen và cả trẻ em... được tập trung trong một mặt bằng bán lẻ lớn vài ngàn mét vuông. Đó là bài toán khó cho nhà kinh doanh nội địa

. "Thậm chí trong cuộc đua tranh mẫu mã, thời trang Việt cũng lép vế. Trung bình mỗi năm các hãng này tung ra từ 5.000 - 10.000 mẫu sản phẩm nên khách hàng của họ rất đa dạng. Hàng Việt chỉ có thể cạnh tranh bằng cách mở rộng ra khu vực ngoại thành, dạt về tỉnh xa" - ông này cho biết.

Tuy nhiên, vị giám đốc này cũng nhận định khi vào thị trường VN, các thương hiệu quốc tế cũng sẽ gặp một số khó khăn về kiểu dáng, thị hiếu, gu thẩm mỹ hay phải đối mặt với tình trạng hàng "xách tay", từng là nguồn thu chính của nhiều shop VN hiện nay.

Ông Tatsu Yano - giám đốc Công ty Takashimya Singapore, phụ trách thị trường VN - cho biết nhu cầu tiêu dùng nhóm hàng cao cấp của người VN còn rất lớn.

Với đặc trưng cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, kinh tế giữ được đà phát triển tốt, thị trường VN tiếp tục là điểm đến của nhiều thương hiệu cao cấp.

Bên cạnh đó, Chính phủ VN đang có những chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn VN.

Dù đưa hơn 200 nhãn hàng vào VN, đại diện nhà bán lẻ Nhật Bản vẫn thừa nhận trong giai đoạn tìm hiểu thị trường cũng như thị hiếu tiêu dùng VN chỉ giới thiệu những thương hiệu, nhãn hàng trung cấp có tên tuổi trên thế giới, với mức giá hợp lý vào VN.

Sau một thời gian, tùy vào sức mua của thị trường sẽ nâng cấp, giới thiệu thêm nhiều nhãn hiệu cao cấp hơn.

Cần tìm cách nâng cao giá trị 
hàng dệt may VN

Ông Shin Jang Hee, chủ tịch Công ty dệt may Xera, cho biết lĩnh vực dệt may VN rất hấp dẫn các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Sau một thời gian đầu tư vào VN, doanh nghiệp Hàn Quốc bắt đầu gặp khó khăn do chính sách tăng lương cơ bản và một số vấn đề về thủ tục hành chính.

Nhà đầu tư luôn xác định ở VN là lâu dài, do đó gần đây họ không còn tận dụng yếu tố nhân công giá rẻ nữa mà tập trung vào áp dụng kỹ thuật cao, nâng cao chuỗi giá trị hàng dệt may ở VN.

Các nhà đầu tư đang tìm kiếm những học viện, nhà thiết kế thời trang... để tăng thêm giá trị gia tăng cho hàng dệt may VN, nhưng hiện chưa thấy chính sách hỗ trợ phát triển ngành này từ phía VN.

"Đã đến lúc VN cần phát triển các học viện nghiên cứu về dệt may, nguồn lực ngành thời trang như nhà thiết kế, công nhân may lành nghề, kỹ thuật cao, có như vậy mới phát triển được ngành dệt may cao cấp VN" - ông Shin Jang Hee nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại