Được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập, cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế ổnđịnh và dân số trẻ, Việt Nam được cho là một thị trường khá nhiều tiềm năng đối với thời trang nước ngoài.
Trong những năm gần đây, hàng loạt những thương hiệu thời trang từ cao cấp đến trung cấp đã liên tục đổ bộ vào Việt Nam như: Giovanni, Max Mara, Chanel, Mango… và mới nhất là 2 nhãn hàng lớn trong phân khúc thời trang bình dân Zara, H&M.
Ngoại lấn nội
Từng là một "ông lớn" trong ngành Dệt may Việt Nam, đứng đầu những doanh nghiệp có khối lượng xuất khẩu hàng may mặc lớn, tuy nhiên vài năm trở lại đây, Công ty cổ phần Việt Tiến lại đang dần bị "soán ngôi" bởi sự đổ bộ của một loạt thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng thế giới, mới nhất là Zara và H&M.
Việt Tiến tuy đã có những đầu tư đáng kể cho thị trường nội địa như phát triển và nâng cấp hệ thống, cửa hàng chuyên doanh, đầu tư thiết kế sản phẩm, tham gia trình diễn thời trang trong và ngoài nước nhưng vẫn đang phải đứng trước nguy cơ bị thua ngay trên "sân nhà".
Công ty May 10 cũng vậy, do qúa chú trọng tới thị trường xuất khẩu mà bỏ quên thị trường trong nước để cho hàng hoá nước ngoài chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Hiện, sự trở lại của May 10 với thị trường trong nước diễn ra vào một thời điểm không chỉ bao gồm hàng may mặc Trung Quốc mà còn có sự gia nhập của những thương hiệu thời trang lớn trên thế giới khiến cho cuộc cạnh tranh của ngành dệt may trong nước ngày càng trở nên khốc liệt.
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện có hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần, từ hàng bình dân đến cao cấp. Như vậy, vẫn còn 40% thị phần cho may mặc trong nước nhưng rất khó để giành lại thế chủ động tại thị trường trong nước.
Hơn nữa còn một điều đáng nói ở đây chính là doanh nghiệp Việt chưa thực sự tập trung vào việc làm thương hiệu.
Dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, các nước nhập khẩu dệt may lớn trên thế giới có cơ hội đưa sản xuất dệt may trở lại nước mình thay vì đặt gia công xuất khẩu ở các nước có giá nhân công rẻ.
Điều này lại càng tạo ra áp lực để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải quan tâm từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đảm bảo sự cân đối giữa thị trường xuất khẩu và trong nước.
Thương hiệu ngoại "trăm hoa đua nở"
Việc Zara có mặt tại Việt Nam cùng bản hợp đồng ký 20 năm với VinGroup chứng tỏ sự xuất hiện đó không chỉ là một cuộc dạo chơi.
Mặc dù được đánh giá trên thế giới là thương hiệu thời trang bình dân nhưng khi về đến Việt Nam thì phân khúc khách hàng Zara đánh vào lại là tầng lớp trung lưu trở lên, nhưng không vì lý do đó mà sức mua của người tiêu dùng bị giảm đi.
Với quy mô mỗi cửa hàng đều có diện tích hơn 2.000 m2 cùng chất lượng dịch vụ tốt, Zara đã xác định Việt Nam nằm trong số 5 thị trường trọng điểm mà thương hiêu thời trang Tây Ban Nha này muốn tấn công mạnh trong thời gian tới.
Phải nhấn mạnh hơn, trong ngành bán lẻ thời trang tại nhiều quốc gia, Zara đang được gọi là "kẻ tàn sát" khi bắt đầu tham gia xu thế giảm chi phí, hạ giá thành để tăng áp lực cạnh tranh.
Để đón sóng hội nhập ngay trên sân nhà, không còn cách nào khác là ngành thời trang phải chấp nhận cạnh tranh, thu hút người lao động với sản phẩm chất lượng quốc tế.
Bên cạnh đó, cần phải mạnh dạn đi tìm thị trường mới, nhất là các nướcASEAN, vì so sánh về cả vóc dáng, sở thích tiêu dùng giống nhau. Tấn công vào thị trường ASEAN+1, ASEAN+2 chính là chiến lược bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam.