Là một trong số ít quốc gia được đánh giá là nóng nhất trên Trái Đất, nhiệt độ vào mùa hè ở Qatar hiếm khi xuống dưới 32 độ C. Một đợt nắng nóng vào tháng 7/2010 từng đưa nhiệt độ tại quốc gia này lên ngưỡng kỷ lục 50,4 độ C.
Qatar thường xuyên phải chịu đựng các đợt nắng nóng do bản chất lãnh thổ là một bán đảo thuộc vịnh Ba Tư. Vùng vịnh này mang theo hơi ấm, nên nhiệt độ trung bình của nước ở đây lên tới 32,5 độ C. Cộng thêm việc có ít mây và mưa vào mùa hè, nhiệt độ biển đã khiến độ ẩm trong không khí tăng lên, tạo ra cảm giác cực kỳ khó chịu cho con người sống tại đây.
Với việc nhiệt độ tại Qatar đang ngày một tăng nhanh do biến đổi khí hậu, chính phủ nước này vừa lắp đặt các hệ thống điều hòa khổng lồ ở những khu vực ngoài trời như chợ, dọc hai bên vỉa hè, hay các trung tâm mua sắm ngoài trời để người dân sống sót qua cái nắng mùa hè. Điều hòa tại đây hoạt động cũng không khác so với điều hòa trong nhà: phả hơi lạnh ra vỉa hè thông qua hệ thống làm mát bằng hơi nước, theo Washington Post.
"Nếu không bật điều hòa, bạn sẽ không thể chịu đựng được. Bạn không thể hoạt động một cách hiệu quả", Yousef al-Horr, người sáng lập tổ chức Phát triển và nghiên cứu Vùng Vịnh trả lời phóng viên Washington Post.
Theo một thống kê, 60% tổng lượng điện năng tiêu thụ của Qatar được sử dụng riêng cho việc làm mát. Mức này cao gấp 3 lần Mỹ, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia đông dân nhất thế giới chỉ sử dụng 10% điện năng cho việc sử dụng điều hòa nhiệt độ.
Tuy nhiên, Independent cho rằng ý tưởng về đưa điều hòa ra ngoài trời là "vòng luẩn quẩn" khi điện năng cung cấp năng lượng cho hệ thống này là xuất phát từ nhiên liệu hóa thạch. Điều này làm dấy lên quan ngại rằng lượng carbon thải ra môi trường sẽ khiến tình trạng nóng lên toàn cầu thêm tệ hơn.
Trước đó, nhiệt độ cao tại vương quốc sa mạc Qatar và nắng nóng là mối quan ngại lớn khi nơi đây sẽ đăng cai Vòng Chung kết Giải Vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2022. Mặc dù đã lựa chọn thời điểm tổ chức World Cup 2022 vào mùa Đông (thay vì mùa hè như các kỳ World Cup trước), nhiệt độ tại Qatar vẫn quá cao với một số cổ động viên nước ngoài.
Để giải quyết, Qatar thậm chí đã lên kế hoạch lắp điều hòa nhiệt độ trong sân vận động. Đây là một ý tưởng từng được coi là điên rồ vì tính bất khả thi, khi thông thường cách hiệu quả nhất để sử dụng điều hòa không khí là lắp đặt trong phòng kín để đảm bảo rằng hơi lạnh không thoát ra bên ngoài. Phương án sử dụng điều hòa nhiệt độ từng suýt bị đổ vỡ khi một số đơn vị kỹ thuật đánh giá phương án này quá đắt đỏ và không mang tính ổn định cao cho môi trường vì nó được sử dụng cho diện tích quá rộng.
Tuy nhiên, nhờ sự chịu chơi của Qatar, một hệ thống điều hòa đặc biệt đã được lắp đặt trong sân. Những kĩ sư điện lạnh tại nước này đã lựa chọn phương án lắp đặt các lỗ thông hơi nhỏ thổi ra khí lạnh ngang tầm mắt cá ở ngay bên dưới mỗi chiếc ghế trong sân vận động - một trong 8 sân vận động sẽ diễn ra các trận đấu trong vòng chung kết World Cup 2022 tại Qatar.
Người đã thiết kế ra hệ thống làm mát này, ông Saud Ghani - giáo sư kỹ thuật chuyên về điều hòa tại Đại học Qatar lý giải, việc lắp đặt điều hòa dưới chân nhằm mục đích chỉ cần làm mát cổ động viên, thay vì làm mát cả phần phía trên của sân vận động.
Trong khi đó, tại sân vận động quốc tế KhalifA, một hệ thống điều hòa khổng lồ cũng đã được lắp đặt. Khoảng 500 vòi phun phản lực được lắp đặt xung quanh sân vận động, ngay phía trên đường pitch sẽ thổi ra không khí lạnh , giữ nhiệt độ ở khoảng 23 độ C cho người hâm mộ.
Theo chính phủ Qatar, nước lạnh sẽ được dẫn đến sân vận động từ một trung tâm làm mát cách đó khoảng một km. Hệ thống làm mát bằng hơi nướcsẽ thổi khí lạnh vào trong sân. Kết quả, khu vực bên trong sân vận động vẫn có không khí mát mẻ dễ chịu, mặc cho nhiệt độ bên ngoài sân vận động đang là 46,7 độ C.