Cháy rừng ở Fort Nelson (tỉnh British Columbia, Canada).
Khói từ những đám cháy rừng ở Canada còn bay qua cả Mỹ khiến Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ (NWS) đã phải cảnh báo về chất lượng không khí đối với cư dân miền nam bang Michigan và bang Wisconsin; miền bắc bang Ohio và một số vùng của các bang Pennsylvania, New Jersey và New York.
Thông tin từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) ngày 12/6 cho biết, cháy rừng tại Canada đã phủ khói bụi bao trùm các vùng đông bắc Mỹ, khiến hơn 100 triệu người tại Mỹ đang sống trong vùng có chất lượng không khí ở mức báo động. Bầu trời New York đổi màu vàng, được ghi nhận là nơi có không khí ô nhiễm nhất trong số các đô thị lớn trên thế giới. Thống đốc bang New York Kathy Hochul miêu tả đây là một cuộc khủng hoảng môi trường khẩn cấp.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cam kết sẽ có một đợt hỗ trợ cấp liên bang cho các khu vực rừng bị cháy khi mà hầu hết các đám cháy đều vượt khỏi tầm kiểm soát, khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Đại diện chính quyền vùng Halifax, nơi có nhiều đám cháy nhất cho biết, cư dân sẽ không được phép quay trở lại cho đến khi có thông báo mới. Thị trưởng thành phố Halifax Mike Savage cam kết, đối với những khu vực của Hammonds Plains, Upper Tantallon và Pockwock, khu vực ngoại ô là nơi sinh sống của công nhân thành phố sẽ được nhận trợ cấp sớm nhất. Phó Giám đốc Cứu hỏa và Khẩn cấp Khu vực Halifax Dave Meldrum cho biết, nguyên nhân của những vụ cháy rừng vẫn đang được điều tra, tuy nhiên rất có thể nó đến từ việc nhiều tháng qua khu vực này không mưa, trong khi nhiệt độ không khí lên cao bất thường.
“Những đám cháy được tiếp sức bởi gió mạnh và củi khô đã khiến cháy mạnh, ngọn lửa khó dập tắt. Đây là đợt cháy rừng lớn nhất trong vòng 30 năm qua tại khu vực này” - ông Dave Meldrum cho biết.
Trong khi đó, ngày 12/6, Hãng AFP đưa tin Canada lại bùng phát thêm nhiều đám cháy rừng mới. Cơ quan môi trường Canada thống kê đang có 416 đám cháy trên cả nước, trong đó có 203 đám cháy ngoài vòng kiểm soát. Gần 46.102 km2 tổng diện tích đã bị cháy kể từ đầu năm, vượt xa mức trung bình trước đó, trong bối cảnh Canada trở nên ấm lên nhanh hơn những nơi khác trên thế giới. Bộ trưởng An ninh công cộng Quebec, ông Francois Bonnardel, cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quebec phải đối phó với quá nhiều đám cháy, phải sơ tán quá nhiều người. “Chúng ta sắp có cuộc chiến có thể kéo dài suốt mùa hè" - ông Bonnardel dự báo.
Cùng thời điểm với những vụ cháy rừng ở Canada thì bão cát và gió lớn đã tấn công thủ đô Cairo của Ai Cập. Bão cát kèm theo gió mạnh đã làm bật gốc cây trên các đường phố lớn, nhiều nhà bị tốc mái, các phương tiện giao thông buộc phải hạn chế hoạt động. Theo Al-Ahram, bão cát cũng gây thiệt hại trên diện rộng ở sa mạc phía tây bờ Địa Trung Hải, Greater Cairo, Đồng bằng sông Nile và các thành phố dọc theo kênh đào Suez, kéo dài đến tận khu vực Thượng Ai Cập.
Ngược lại, một trận lũ lớn đã gây ngập đến tầng 2 tòa chung cư ở Thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Nước lũ dâng cao nhấn chìm 1 con đường, sau đó tràn vào tòa chung cư khi nước làm vỡ kính cửa sổ, tuôn ra xối xả từ ban công. Đây là trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay tại Ankara.
Còn tại Nhật Bản, quốc gia này đã phải hứng chịu đợt mưa lớn kỷ lục trong vòng 100 năm qua. Tổng lượng mưa mà Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đo được cuối tuần qua tại tỉnh Aichi và phía tây của tỉnh Shizuoka là khoảng 400-500 mm, mức kỷ lục trong vòng 100 năm. Tại tỉnh Ibaraki, tỉnh Saitama và thủ đô Tokyo cũng xảy ra mưa lớn kéo dài với tần suất xuất hiện khoảng 30 năm mới có một lần. Riêng lượng mưa đo được tại tỉnh Shizuoka đã cao gấp 1,5 lần lượng mưa trung bình trong tháng 6, vốn là tháng cao điểm về mưa lũ ở Nhật Bản.
Theo Viện Nghiên cứu khoa học Trái đất và phòng chống thảm họa thiên tai Nhật Bản, đợt mưa lớn này là do diễn biến cực đoan của thời tiết.
Giáo sư Motoyuki Ushiyama (Đại học Shizuoka) cho rằng thiên tai tại Nhật Bản ngày càng có xu hướng “dày đặc” thêm, khó có thể dự báo trước, đặc biệt là mưa lớn liên lục tập trung vào một khu vực nhất định gây ra lũ lụt nghiêm trọng.
Theo tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), giới hạn an toàn về sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu là 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, ở thời điểm này mức tăng nhiệt độ đã là 1,2 độ C. Nhóm nghiên cứu của WMO cho rằng, ở mức tăng 1,5 độ C hơn 200 triệu người sẽ phải tiếp xúc với nhiệt độ trung bình hàng năm cao chưa từng có và hơn 500 triệu người có thể phải đối mặt với nguy hiểm từ mực nước biển dâng. Trái đất cần được các hệ sinh thái nguyên sinh bao phủ khoảng 50 - 60%, tuy nhiên hoạt động của con người cũng như ngày càng xuất hiện nhiều đám cháy rừng đã khiến tỷ lệ giảm đến mức báo động.
Việc xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan hơn 10 ngày qua (từ 31/5 đến 12/6) tại nhiều khu vực trên Trái đất càng cho thấy khí hậu đã ở mức bất lợi cho loài người.
Trái đất đã vượt qua giới hạn an toàn đối với con người do nhiệt độ tăng, hệ thống nước bị gián đoạn và môi trường sống tự nhiên bị phá hủy. Theo TS Johan Rockstrom - Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam, rất đáng lo ngại khi hầu hết ranh giới đã bị vượt qua. Các hoạt động của con người đã khiến 7 trên 8 ranh giới trong hệ thống Trái đất vượt quá giới hạn an toàn, đe dọa sức khỏe hành tinh và con người; trong đó có khí hậu, đa dạng sinh học, nước, hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng đất và tác động của phân bón và thuốc trừ sâu.
"Trái đất đã bắt đầu tổn thương, gây ra các sự kiện cực đoan và tác động đột ngột, không những gây ra sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt mà còn làm mất an ninh lương thực, ảnh hưởng đến chất lượng nước và tác động đến điều kiện sinh kế của những nhóm dân cư dễ bị tổn thương trên thế giới" - ông Rockstrom nói.