Thời sách được dát vàng, chạm bạc

Thi San (Tổng hợp) |

Từ năm 750 - 900 sau Công nguyên, khu vực Tây Âu bùng nổ sản xuất sách phát sáng.

Hàng loạt các văn bản được các nghệ nhân kỳ cựu nhất tỉ mẩn dát vàng, chạm bạc, đính đá quý… trở thành những cuốn sách giá trị nhất theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Sách phát sáng

Thế kỷ VIII - X, Tây Âu đang trong Vương triều Carolingian và dưới sự cai trị của các quốc vương chiến binh người Frank. Ngay khi bước lên ngai vàng, quốc vương đầu tiên - Charlemagne Đại đế (742 - 814) đã xác định, việc phải làm trước hết là khôi phục và chấn hưng văn hóa, giáo dục.

Ông khởi động chương trình hồi sinh tiếng Latinh, sau đó biến hệ thống chữ viết này thành ngôn ngữ chung áp dụng trên toàn cõi đế chế đa sắc tộc của mình.

Cuộc cải tiến và chuẩn hóa chữ viết của Charlemagne Đại đế được người đời sau gọi là Cải cách Carolingian. Đầu tiên, các nhà tri thức được giao nhiệm vụ thực hiện Cải cách Carolingian tiến hành chuẩn hóa ký tự, khoảng cách giữa các ký tự. Sau đó, họ soạn lại các văn bản và bắt đầu công việc kỳ công nhất là tạo ra các cuốn sách phát sáng.

Đối tượng được chuyển đổi thành sách phát sáng rất đa dạng, bao gồm từ văn bản tôn giáo đến khoa học. Thời gian này, phần lớn người dân không biết chữ nên các văn bản luôn có kèm theo hình vẽ minh họa. Vì thế, nhóm Cải cách Carolingian không chỉ cải cách chữ viết, mà còn cải thiện luôn nghệ thuật minh họa.

Một trong các bản thảo phát sáng sớm nhất là Godescalc Evangelistary (781-783), vẽ hình Chúa Kito đăng quang. Đích thân Charlemagne Đại đế đã ủy thác việc làm nó cho Tòa án Aachen, trung tâm trí tuệ và nghệ thuật của Vương triều Carolingian.

Để đáp ứng yêu cầu phát sáng, các nghệ nhân đã sử dụng kỹ thuật vẽ mà ngày nay chúng ta gọi là 3D. Với các đường cong và bóng mờ, họ vừa thành công lột tả sắc thái cảm xúc của nhân vật Chúa Kito vừa làm nổi bật các ký tự. Cộng với việc dát vàng lên các chữ cái, Godescalc Evangelistary thật sự biến thành bản thảo phát quang.

Thành công của Godescalc Evangelistary thiết lập tiêu chuẩn làm văn bản phát quang cho các văn bản khác. Sau nó, hàng loạt các văn bản, cuốn sách phát sáng đã chào đời, thậm chí bùng nổ thời đại sản xuất sách phát sáng.

Sự kết hợp giữa tri thức và nghệ thuật

Thời sách được dát vàng, chạm bạc - Ảnh 2.

Charlemagne Đại đế, người mở đường cho sách phát sáng. Ảnh: Wikipedia.org.

Quy trình làm sách phát sáng gồm nhiều bước và bước nào cũng kỳ công. Bìa sách phát sáng thường bằng da dê hoặc da cừu, được khâu thủ công và có bìa còn được trang trí tỉ mỉ bằng ngà voi, đá quý…

Một trong các bìa sách quý nhất là Codex Aureus hay còn gọi là Sách Vàng. Nó được đúc bằng vàng nguyên chất, chạm nổi ký tự và hình minh họa, xung quanh đính đầy đá quý.

Toàn bộ các bản thảo bên trong sách phát sáng đều được nghệ nhân tỉ mỉ viết từng chữ bằng tay, sau đó dát vàng, bạc (2 kim loại tự phát sáng) hoặc tô sơn màu sáng hay vẽ 3D để nổi bật. So với tô sơn hay vẽ 3D, dát vàng, bạc tốn nhiều công sức và cần sự khéo léo hơn.

Vàng, bạc để dát phải được nghiền vụn thành bột hoặc rèn mỏng hơn cả giấy. Cách phổ biến nhất để dát vàng, bạc là kết hợp với keo, nhưng nghệ nhân vẫn phải cẩn trọng từng li từng tí để không làm dính ra ngoài ký tự, viền ký tự hoặc ấn quá tay, gây nhòe.

Đối với các trang vẽ minh họa, việc làm phát sáng lại càng cầu kỳ hơn, nghệ nhân phải đóng luôn vai trò họa sĩ vẽ tranh 3D. Bảng màu của thời Trung cổ không được phong phú như ngày nay, chỉ có 6 gam màu chủ đạo là đỏ, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, trắng, đen và hầu hết các màu sắc đều được lấy từ tự nhiên như chiết xuất côn trùng, thực vật, đất… Có lúc, các họa sĩ còn phải dùng cả nước tiểu, ráy tai để chế tạo bột màu.

Kích thước của sách phát sáng cũng rất phong phú, tùy vào mục đích sử dụng. Nó bao gồm từ những bản thảo khổng lồ, được dùng để trưng bày trong các sự kiện, lễ nghi cho đến văn bản tí hon, lọt thỏm trong lòng bàn tay.

Các hậu duệ của Charlemagne Đại đế đều nhiệt tình ủng hộ sách phát sáng. Họ hạ giá thành của vàng đến 10 lần để hỗ trợ sản xuất, khiến nghề này nhanh chóng phát triển mạnh. Khi nhu cầu về sách phát sáng tăng mạnh, một số nghệ nhân làm sách phát sáng lành nghề còn mở được xưởng riêng. Các khách hàng, nhà sưu tập… muốn mua, đặt sách phát sáng kích thước, giá trị ở mức nào cũng được đáp ứng.

Càng về sau, các thể loại văn bản được làm thành sách phát sáng càng thế tục hơn, có cả sách về động - thực vật lẫn chiêm tinh, thiên văn, văn học… Một số người kể chuyện còn cầm trong tay sách phát sáng, đi tứ phương kể chuyện dạo kiếm miếng ăn.

Chí ít, sách phát sáng cũng được tiếp tục sản xuất cho đến nửa đầu thế kỷ XVI, khi in ấn xuất hiện. Trải qua thời gian, nghệ thuật chế tạo và trang trí sách phát sáng ngày càng tinh vi, hình thành nhiều trường phái. Sách phát sáng cũng bước ra khỏi phạm vi Tây Âu, mở rộng ra toàn châu lục.

Vì quá giá trị, sách phát sáng nhanh chóng trở thành nạn nhân của tệ nạn trộm cắp. Suốt nhiều thế kỷ, những bìa sách và con chữ được dát vàng, bạc bị xé toạc khỏi các cuốn sách và biến mất. Ngoài ra, sách phát sáng cũng không bền do dễ bị vỡ, mục.

Hiện tại, thế giới chỉ còn giữ được một lượng nhỏ các sách phát sáng từ thời Vương triều Carolingian. Chúng đều phải được bảo quản trong phòng có nhiệt độ, ánh sáng phù hợp, ổn định nên, mỗi lần trưng bày, các bảo tàng chỉ đưa ra ngoài một lát rồi lại đem vào cất đi ngay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại