Đó là thời kỳ hoàng kim của tâm lý học thói quen cho đến giữa thế kỷ 20. Nhưng sau đó, đặc biệt là giai đoạn 1980-2000, các nhà tâm lý học có chút xao nhãng về chủ đề thói quen, thay vào đó họ tập trung miêu tả con người theo hướng tư duy, dựa trên mục tiêu và mục đích.
Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây với nhiều thay đổi đang diễn ra – trong đó công nghệ đóng vai trò then chốt, thì mối quan tâm đến thói quen trong tâm lý học đã quay trở lại. Công nghệ cộng hưởng từ chức năng (fMRI) cho phép các nhà khoa học thần kinh tiếp cận được với việc đánh giá hoạt động của não bộ, nghiên cứu năng lực toàn thể của trí não, mở ra thời kỳ phục hưng của tâm lý học thói quen.
Nhà tâm lý học hành vi hàng đầu thế giới Wendy Wood mới đây đã cho ra mắt cuốn sách Thói Quen Tốt, Thói Quen Xấu mở cánh cửa khoa học để tìm hiểu về sức mạnh của thói quen trong cuộc sống và làm thế nào để vận dụng cơ chế hoạt động của thói quen nhằm giúp chúng ta đạt được những mục tiêu mong muốn.
Nhìn có vẻ mong manh yếu ớt nhưng thói quen chứa đựng sức mạnh lớn lao
Sự vô hình của thói quen che dấu sức mạnh vô cùng to lớn tác động đến hành vi của chúng ta.
Người ta nhận thấy một đặc điểm chung của những người thành công là họ có những thói quen tốt. Nhờ có những thói quen tốt đã được hình thành bền chặt trong cơ chế hành vi của mình nên họ không cần phải đấu tranh với những điều ít quan trọng, những cám dỗ hay khát khao đi ngược lại với những mục tiêu mà họ đặt ra.
Người ta đặt câu hỏi liệu có phải những người đạt được thành công là do tính tự chủ cao hơn người khác – một đặc điểm chung mà người ta tìm thấy ở nhóm người này. Giáo sư Wood đã tìm được câu trả lời: họ hình thành thói quen để tự động hoá các hành vi của mình. Thói quen giúp họ dễ dàng đạt mục tiêu.
Giáo sư Wood dẫn chứng đến cựu tổng thống Barack Obama và nhà sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zackerberg. Nếu quan sát bạn sẽ thấy cựu tổng thống Mỹ Obama trong suốt thời gian đương nhiệm của mình và CEO của Facebook hầu như chỉ mặc cùng một kiểu quần áo hàng ngày, trang phục điển hình của Obama là bộ vest xanh hoặc xám, còn Zuckerherg thì thường xuyên mặc chiếc áo phông màu xám.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của tạp chí Vanity Fair, tổng thống Obama đã nói về thói quen này của mình: "Tôi cố gắng giảm bớt các quyết định. Tôi không muốn phải quyết định về những gì mình ăn hay mặc, vì tôi còn quá nhiều thứ khác cần quyết định." Zuckerberg cũng có quan điểm tương tự như vậy: "Tôi thực sự muốn dọn dẹp cuộc đời mình sao cho tôi phải đưa ra càng ít quyết định càng tốt, chỉ để lại những quyết định về cách phục vụ tốt nhất cho cộng đồng người dùng Facebook." Đây là hai con người thấu hiểu tính hai mặt của năng lực tâm trí con người, họ biết cách lợi dụng hành động theo thói quen – bỏ qua các quyết định về trang phục mỗi ngày để giải phóng tâm trí và dành sự tập trung cho những việc quan trọng hơn.
Nghệ thuật tinh tế của việc vận dụng thói quen để đạt được các mục tiêu
Khoa học chứng minh có đến 43% số thời gian chúng ta thực hiện các hoạt động theo thói quen mà không cần đến suy nghĩ nhận thức. Nếu tinh ý bạn sẽ thấy, các nhà tiếp thị bậc thầy đã khai thác một số thế lực dễ thấy trong bối cảnh hàng ngày của chúng ta để đạt được mục tiêu kinh doanh của họ.
Một cách thức kinh điển được thiết kế để thúc đẩy hành vi mua hàng của chúng ta, đó là kiểu câu hỏi chốt hạ mà tất cả những người bán hàng vẫn thường sử dụng: "Bạn có muốn dùng kèm với khoai tây chiên không?" Câu hỏi đơn giản này trước khi chốt đơn hàng thức ăn nhanh có tác dụng khuyến khích ta dùng thêm món khoai tây chiên, và hẳn bạn đã nhiều lần gật đầu đồng ý dù không hề có ý định đó từ ban đầu. Hay thế lực thúc đẩy ta xem tập tiếp theo của bộ phim dài tập trên Netflix khi tập phim tiếp theo tự động chiếu trên màn hình mà bạn không cần phải nhúc nhích một sợi cơ tay. Phần mềm dịch vụ gọi xe như Uber hay Grab cũng được thiết kế theo cách này.
Khi bạn mở ứng dụng, chức năng định vị của điện thoại đã biết bạn đang đứng ở đâu, bạn chỉ cần chạm vào một nút quen thuộc, vài phút sau chiếc xe có mặt và bạn chỉ cần bước lên xe, đến nơi rồi bước ra khỏi xe mà thậm chí không cần để ý đến giá tiền và thanh toán. Trải nghiệm này thật mượt mà và loại bỏ các thế lực ma sát ngăn cản khách hàng sử dụng dịch vụ. Các nhãn hàng hẳn đã hiểu cơ chế hoạt động theo thói quen trong bộ não của khách hàng và họ đã tinh tế lợi dụng điều đó để thúc đẩy khách hàng tích cực mua hàng hoá và sử dụng dịch vụ.
Còn chúng ta, khi hiểu rõ về con người thói quen của mình, bạn sẽ nhận ra để đạt được các thành tựu cá nhân, chẳng hạn như rèn luyện kỹ năng mới để thăng tiến trong công việc, tập thể dục để giảm cân, hay chi tiêu có kế hoạch để đạt được các mục tiêu tài chính … thì quyết tâm và động cơ là chưa đủ, bạn cần phải có thói quen bền vững.
Để khiến một hành vi trở thành một thói quen bền vững và hoạt động theo cơ chế tự động hoá thì chúng ta cần có bối cảnh, sự lặp lại, tính nhất quán, và phần thưởng. Khoa học về tâm lý học hành vi và thói quen sẽ giúp chúng ta nắm bắt và vận dụng cho chính mình. Thật may mắn cho chúng ta là con người có thói quen và nhờ có thế mà chúng ta có thể nương vào thói quen để đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Thói quen tốt, chắc chắn không phải là vầng hào quang sẵn có chỉ dành riêng cho những nhân vật kiệt xuất và thói quen xấu cũng không phải là cái hố bất khả xâm phạm, bạn hoàn toàn thay đổi được nó một khi bạn hiểu cơ chế hoạt động của thói quen.
Cuốn sách này do dịch giả Trần Thị Ngân Tuyến dịch
Sách đã có bản tiếng Việt được bán tại Tiki https://bit.ly/3qGUxyF; hệ thống nhà sách Phương Nam, Fahasa và các nhà sách khác trên toàn quốc.