Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) cho biết: “Nhiều yếu tố có khả năng gây đông máu quá mức, dẫn đến lưu lượng máu bị hạn chế hoặc bị tắc nghẽn. Cục máu đông có thể gây đau tim, đột quỵ, tổn thương các cơ quan trong cơ thể hoặc thậm chí tử vong”.
Theo tổ chức này, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông không mong muốn và làm cho các tiểu cầu kết dính với nhau nhiều hơn. Hút thuốc cũng làm hỏng lớp lót của mạch máu, dẫn đến hình thành các cục máu đông.
Trung tâm y tế Mayo Clinic cho biết hạn chế ngồi yên trong thời gian dài, vận động nhiều hơn cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Các yếu tố rủi ro khác có thể là do tình trạng ít vận động nếu bạn đang nằm viện hoặc mới xuất viện, đặc biệt là nếu bạn không thể di chuyển nhiều sau khi phẫu thuật. Nếu bạn có nguy cơ cao bị đông máu sau khi nhập viện, hãy làm theo lời khuyên của chuyên gia y tế để ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
Ngoài ra, nguy cơ hình thành cục máu đông cũng cao hơn trong các trường hợp sau:
- Bạn bị thừa cân hoặc béo phì
- Sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố kết hợp, chẳng hạn như thuốc viên kết hợp
- Bạn đang mang thai hoặc mới sinh con
- Bạn đang gặp tình trạng viêm nhiễm như bệnh Crohn hoặc viêm khớp dạng thấp
- Người trên 60 tuổi, mặc dù tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi
- Uống nhiều rượu dẫn đến mất nước – tình trạng này khiến mạch máu thu hẹp và máu đặc lại, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Bên cạnh đó, phẫu thuật hoặc các thủ thuật được thực hiện trên mạch máu cũng có thể làm tổn thương thành mạch, dẫn đến hình thành cục máu đông./.