Vào năm 1845, nhà văn Mỹ Henry David Thoreau đã đi tới hồ Walden, tự xây cho bản thân một ngôi nhà gỗ nhỏ và sống tại đây một mình trong suốt khoảng thời gian 2 năm 2 tháng lẻ 2 ngày để rồi cuối cùng ngộ ra một đạo lý:
"Nếu như một người có thể thỏa mãn với những thứ cơ bản của cuộc sống thì ắt có thể hưởng thụ nhân sinh một cách càng ung dung, càng thoải mái hơn".
Nhà thơ Tô Thức cả đời lận đận vì con đường quan lộ bấp bênh, sau khi rời chốn quan trường, ông thường cùng bằng hữu đi du ngoạn, thưởng thức những món rau củ bình dị. Thế nhưng Tô Thức có lần ăn xong liền không khỏi cất tiếng cảm thán: "Nhân gian có hương vị chính là thanh hoan (thanh đạm và vui vẻ)".
Ở thời đại thay đổi chóng mặt như xã hội của chúng ta ngày nay, mỗi người đều ôm trong mình rất nhiều mong muốn, nguyện vọng, đều khát khao mỗi ngày sẽ đạt được nhiều hơn, vươn lên cao hơn.
Tuy nhiên ít ai thực sự hiểu được rằng, chỉ khi bỏ lại, ganh đua để trở về với những điều bình dị nhất mới chính là cuộc sống hạnh phúc.
Muốn có được cuộc sống vừa bình dị lại vừa ý nghĩa như vậy, chúng ta nên định kỳ "sa thải" những thứ không cần thiết dưới đây để có thể thực sự nhận ra đâu mới là điều đáng để mình quan tâm.
Buông bỏ những mối quan hệ xã giao vô dụng
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Có ai đó đã từng nói, đến một độ tuổi nhất định, bất cứ ai trong số chúng ta đều sẽ dần vứt bỏ 4 thứ:
Thứ nhất là những bữa tiệc rượu không ý nghĩa.
Thứ hai là những người mà mình không yêu thương.
Thứ ba là những người xem thường người thân của mình.
Thứ tư là những thứ tình bạn giả tạo, qua loa.
Chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ nhận thấy dường như xung quanh chúng ta lúc nào cũng có một kiểu người thích xây dựng "mạng lưới quan hệ". Họ chẳng những thường xuyên khoe khoang mình có nhiều bạn tới mức nào mà còn liên tục tiêu tốn thời gian, tinh lực và tiền bạc của mình cho vô số cuộc hẹn.
Khi nhìn vào tài khoản mạng xã hội của người đó, bạn sẽ thấy hôm nay họ đăng ảnh tụ tập cùng nhóm này, ngày mai lại có hình đi hát với nhóm khác, hôm sau lại say sưa túy lúy với một hội bạn chẳng biết thân hay sơ. Gần như bất kể một bữa tiệc xã giao nào cũng có xuất hiện bóng dáng của kiểu người ấy.
Thế nhưng không mấy ai trong số họ thực sự hiểu rằng, xây dựng mạng lưới quan hệ không phải là thường xuyên tụ tập một cách tùy tiện, mà những mối quan hệ có thể trông cậy khi cần thiết cũng không phải chỉ cần qua vài ba bữa rượu là có thể dựng nên.
Sẽ có một số thời điểm, bạn phát hiện ra rằng nhiều mối quan hệ mà ta đầu tư thời gian, kinh tế cùng tình cảm để cất công duy trì, hết thảy đều là những mối xã giao vô dụng.
Có đôi khi, người mà bạn tốn hết tâm tư để lấy lòng thực chất chỉ coi ta là kẻ "có giá trị lợi dụng". Quay đầu nhìn lại, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện họ căn bản không coi trọng ta một chút nào.
Thay vì cả nể và nhận lời tham gia những bữa tiệc xã giao, Lương Triều Vỹ lại chọn cách tận dụng thời gian và trí lực cho những sở thích cá nhân riêng của mình. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).
Cũng giống như nhà văn Trung Quốc Lý Thượng Long từng nói: "Nếu như bạn không mạnh mẽ, mọi thứ xã giao kia thật ra chẳng hề có ích lợi gì. Chỉ có những trao đổi đồng giá mới có thể nhận lại sự trợ giúp hợp lý".
Và sự thực là có không ít người không thích xã giao lại thực sự là người mà ta có thể trông cậy khi cần thiết. Ngôi sao nổi tiếng Lương Triều Vỹ chính là một ví dụ tiêu biểu cho kiểu người này.
Dù đã lăn lộn nhiều năm trong giới showbiz, thế nhưng tài tử họ Lương lại rất ít có những scandal tiêu cực. Ông là mẫu người không vì cả nể duy trì những mối quan hệ giao thiệp xã giao, đồng thời luôn duy trì khoảng cách nhất định đối với những người xung quanh mình.
Nhiều năm về trước, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, cố nghệ Trương Quốc Vinh đã từng nhắc tới thói quen này của Lương Triều Vỹ:
"Cậu Vĩ là một người rất kỳ lạ. Tôi, Vương Phi và một nhóm bạn bè thường xuyên tới nhà cậu ấy tụ tập đánh bài, mọi người đều chơi rất vui vẻ, chỉ có Vĩ là không hề tham gia mà thường ngồi bên cạnh uống trà một mình".
Trong trí nhớ của Trương Quốc Vinh, mỗi khi kết thúc việc chơi bài, mọi người thường rủ nhau ra ngoài uống rượu, ca hát. Thế nhưng Lương Triều Vỹ luôn từ chối họ bằng một câu nói đơn giản:
"Các cậu cứ chơi đi, tôi về nhà".
Tuy nhiên ít ai thực sự hiểu được rằng, kiểu người không thích xã giao như Lương Triều Vỹ lại là một người sở hữu thế giới nội tâm vô cùng phong phú.
Ông thường dành quỹ thời gian riêng của mình cho nhiều sở thích như đọc sách, ngắm cảnh, học vẽ tranh, thiền định…
Đã từng có lần, Lương Triều Vỹ một mình ra công viên thành phố giữa trời đông giá rét chỉ để mua vé vào cửa và ngắm cảnh tuyết rơi một mình.
Cũng từng có khoảng thời gian ông cất công mời một họa sĩ có tiếng ở Anh quốc tới dạy mình hội họa để tự tay vẽ ra những cảm ngộ của bản thân về cuộc sống.
Thậm chí có lúc, Lương Triều Vỹ đăng ký một lớp thiền kéo dài liên tục trong 4 ngày 3 đêm để tìm cách thấu hiểu chính nội tâm và con người của mình.
Cũng giống như câu nói của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Dương Giáng: "Thế giới là của mình ta, không liên quan tới những người khác", mà Lương Triều Vỹ quả thực đã đem chân lý đơn giản này áp dụng một cách hiệu quả vào cuộc sống của mình.
Thế nhưng ngay cả khi lựa chọn đứng ngoài nhiều cuộc xã giao, tài tử họ Lương ấy vẫn được xem là người bạn tin cậy của rất nhiều ngôi sao, nghệ sĩ.
Có lẽ, chính thái độ không cả nể trong việc xây dựng các mối quan hệ xã hội cùng với ý thức dành thời gian cho bản thân và những người yêu thương mới thực sự là chìa khóa tạo nên một Lương Triều Vỹ thành công và được mến mộ như ngày hôm nay.
Buông bỏ những ham muốn thái quá và những thứ thừa thãi trong cuộc sống
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Suy cho cùng, phàm là người có ham muốn quá cao, dục vọng quá nhiều, dù có phấn đấu tới đâu cũng chẳng mấy khi có được sự vui vẻ, sung sướng.
Trong cuốn "Mạnh Tử" từng có một câu thành ngữ: "Tâm vi vật dịch", ý nói nội tâm của con người dễ bị những ham muốn bên ngoài khống chế. Đây cũng là lý do khiến những người có quá nhiều ham muốn và dục vọng thì trong lòng luôn tràn ngập cảm giác tham lam, sợ hãi.
Không mấy ai trong số những người đầy tham vọng ấy thấu hiểu được chân lý giản đơn: "Một người biết buông xuống càng nhiều thì càng giàu có".
Thay vì chạy theo vô vàn những ham muốn vật chất và dục vọng tầm thường, chúng ta nên tự tạo cho mình một "không gian" sạch sẽ cả trên phương diện vật chất và tinh thần.
Trên thực tế, xung quanh chúng ta luôn có một bộ phận không nhỏ những thứ từ sớm đã không còn cần thiết, thậm chí đã trở thành đồ thừa thãi. Thế nhưng bản thân ta từ trước tới nay chưa từng nghĩ cách buông bỏ hay xử lý những thứ làm vướng bận cuộc đời của mình như vậy.
Chỉ khi bỏ hết những "phế thải" cả về vật chất và tinh thần, ta mới nhận ra điều gì là thực sự cần thiết đối với mình, mọi ham muốn và tham lam cũng nhờ vậy mà dần được hóa giải.
Gạn lọc những tin tức không thực sự hữu ích và không đáng tin cậy
Hình minh họa: Nguồn Internet.
Trong thời đại phát triển chóng mặt ngày nay, rất nhiều người trong số chúng ta đang dần biến mình trở thành những thành viên của "tộc cúi đầu" khi tối ngày chăm chăm vào điện thoại. Đây cũng một trong những yếu tố khiến nhiều luồng thông tin có thể thỏa thích "chi phối" người dùng.
Nếu việc tiếp nhận tin tức một cách thụ động này dần trở thành một thói quen, chúng ta dần dần sẽ chẳng còn khao khát đọc trọn vẹn một quyển sách ý nghĩa, không còn nghĩ tới việc lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ, không còn khó chịu trước những mẩu quảng cáo chen ngang một cách vô duyên.
Thay vào đó, chúng ta lúc nào cũng sẽ không tự chủ mà nhìn vào màn hình điện thoại, sẽ vì đủ mọi chuyện phơi bày trên mạng xã hội mà phẫn nộ hay phấn khích, sẽ vô tư nói ra đủ mọi ngôn ngữ chẳng giống bất cứ quy chuẩn nào chỉ vì chúng được truyền lưu trong thế giới ảo.
Cứ như vậy, mỗi người trong số chúng ta từ một cá thể cao cấp với năng lực tư duy và tự chủ đứng đầu trong giới tự nhiên sẽ biến thành kiểu sinh vật dễ dàng bị người khác "mớm" tin và dắt mũi.
Việc tiếp xúc với quá nhiều luồng thông tin trên mạng xã hội mà không có sự gạn lọc chẳng những làm mụ mị suy nghĩ của ta, chi phối cảm xúc của ta, làm lệch lạc nhân sinh quan của ta mà còn biến ta trở thành những "nô lệ" chỉ biết "tiếp chỉ" chứ không có sự tự chủ.
Nếu không muốn tư duy bị thoái hóa như vậy, thứ mà bất cứ ai cũng cần trong thời đại ngày nay là một khoảng trống để thích ứng, là văn hóa tiếp nhận thông tin có chọn lọc.
Để những điều này không trở thành một mớ lý thuyết suông, hơn bao giờ hết, mỗi người trong số chúng ta nên đặt ra cho mình những giới hạn bằng cách chọn lọc nguồn tin tiếp cận, đọc lại thông tin nhiều lần, xây dựng tư duy phản biện, đi sâu vào vấn đề, và quan trọng nhất là bỏ đi những tin tức thiếu tin cậy, thiếu nhân văn.
Bước vào kỉ nguyên 4.0 cũng là thời đại mà tin tức được sản xuất ồ ạt, truyền tải nhanh chóng. Chỉ khi ta biết chọn lọc, biết phân tích, biết tư duy thì mới không trở thành những người bị "dắt mũi".
Nhìn theo một góc độ rộng hơn, việc chọn lọc thông tin để tiếp cận cũng là một cách để ta duy trì cái tôi của bản thân. Bởi thế giới quá mức rộn ràng, huyên náo ngoài kia rất có thể sẽ khiến chúng ta lạc mất chính mình lúc nào không hay…
Nếu bạn là người đang muốn thay đổi nhưng lại không biết phải bắt đầu từ đâu, hoặc giả bạn đang trên con đường tìm kiếm cái tôi hoàn hảo và tốt đẹp nhất của chính mình, thì hãy bắt đầu từ việc bỏ đi ba thứ thừa thãi trên đây.
Chỉ khi biết hưởng thụ và trân trọng những điều giản dị thuộc về mình, bạn mới có thể hiểu đến tường tận mọi chân lý tốt trong kiếp nhân sinh ngắn ngủi của chúng ta…
*Dịch từ báo nước ngoài