Vệ sinh đúng cách để phòng bệnh tiến triển
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tỷ lệ người dân mắc các bệnh về tầng môn, trực tràng khá cao.
Tại Trung tâm mỗi ngày có tới 20-30 bệnh nhân đến khám các bệnh lý liên quan đến tầng sinh môn, trực tràng, trong đó 10 bệnh nhân có bệnh lý hậu môn trực tràng, 5-7 ca mắc bệnh trĩ.
Phòng bệnh lý hậu môn, trực tràng PGS Hùng lưu ý người dân cần phải thay đổi thói quen ăn uống, lối sống của chính mình. Trong ăn uống phải nhiều rau xanh và uống nước hạn chế thức ăn có gia vị, uống rượu bia và chất kích thích. Thay đổi thói quen sống, tăng cường vận động
"Tôi cũng khuyên người dân đại tiện xong nên rửa sạch vì lau giấy không thể sạch được có thể gây ra viêm nhiễm đối với bệnh trĩ và các bệnh khác. Khi có triệu chứng của bệnh cần phải đi khám sớm để tránh biến chứng nặng nề", PGS Hùng nói thêm..
Bệnh lý hậu môn được cho là bệnh "vùng kín" vì vậy không ít người dân vẫn còn e ngại khi phải đến bệnh viện khám. Nhiều người đã lên mạng tra bác sĩ Google để áp dụng theo, một số khác thì lại tìm đến các thầy lang đắp thuốc… Không ít người đã chịu biến chứng tàn phế suốt đời.
PGS Hùng cho hay, Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – Tầng sinh môn vẫn thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân gặp biến chứng do điều trị sai. Đã có bệnh nhân phải mất hậu môn và phải dùng tới túi hậu môn nhân tạo.
PGS Hùng đang khám cho bệnh nhân.
Trường hợp bệnh nhân Nguyễn Xuân K (42 tuổi, tại Vĩnh Phúc) tới bệnh viện Việt Đức khám trong tình trạng biến chứng của bệnh trĩ hỏng hậu môn. Bác sĩ chỉ có thể can thiệp mở hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân.
Bệnh nhân K cho biết, đã mắc bệnh trĩ đã 10 năm nay nhưng vẫn âm thầm tự chịu đựng và đắp thuốc nam. Tình trạng bệnh ngày càng tiến triển anh K đã đi khám tại một bệnh viện tư gần nhà và được chỉ định can thiệp phẫu thuật.
Sau ca phẫu thuật anh K không khỏi bệnh mà tình trạng bệnh xấu đi. Anh tới Bệnh viện Việt Đức khám thì biến chứng đã nặng không thể cứu chữa được.
PGS Hùng cho biết, gần như ngày nào PGS Hùng cũng phải tiếp nhận những trường hợp gặp biến chứng do bệnh trĩ. Bệnh nhân nhẹ có thể can thiệp điều trị được, bệnh nhân nặng có thể tàn phế (dùng hậu môn nhân tạo).
Theo bác sĩ Hùng thậm chí có những bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm từ ung thư thành trĩ. Có bệnh nhân ung thư trực tràng nhưng cứ đi điều trị trĩ 3 năm liên tục mất đi cơ hội điều trị ung thư sớm. Có trường hợp bị chẩn đoán nhầm trĩ với các tổn thương lành tính khác như u máu…
30-40% người Việt trưởng thành có triệu chứng trĩ
PGS Hùng cho hay, 30-40% người trưởng thành có triệu chứng. Bệnh trĩ là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng nhưng chưa được quan tâm. Không có nguyên nhân chính xác gây ra bệnh trĩ. Tuy nhiên, sẽ có những tác động khiến cho bệnh trĩ thuận lợi phát triển như:
- Những tác động làm cho vùng hậu môn rặn nhiều, đại tiện nhiều lần (trung bình đại tiện 1-2 lần/ngày)
- Người mang thai, xơ gan cản trở đường máu trở về búi trĩ sa ra ngoài
- Ăn nhiều gia vị, uống rượu, cà phê, nước chè.
- Người làm việc ở trạng thái tĩnh hoặc công việc phải đứng nhiều sẽ khiến cho các triệu chứng bệnh trĩ xuất hiện sớm hơn. Phòng bệnh trĩ 1-2 giờ làm việc cần phải đứng lên đi lại, vận động, thể dục nhẹ nhàng.
Biểu hiện đặc trưng của bệnh trĩ: Đại tiện ra máu tươi; Đại tiện có khối bất thường bị sa ra ngoài; Đau hậu môn
"Bệnh trĩ là bệnh lành tính, tuy nhiên điều trị không đúng sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Bệnh trĩ không thể phát hiện thành ung thư, nhưng cần phải chẩn đoán phân biệt để tránh bỏ xót bệnh ung thư", PGS. Hùng nói.