Theo thống kê của Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam, nước ta có tới 26% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, 70% dân số nước ta có nguy cơ mắc bệnh dạ dày. Có nhiều nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người mắc bệnh dạ dày. Một trong số đó là những thói quen ăn uống tưởng chừng như vô hại mà nhiều người vẫn đang làm hàng ngày. Và nếu bạn có một trong bốn thói quen ăn uống dưới đây, bạn nên thay đổi càng sớm càng tốt để bảo vệ dạ dày của bản thân.
Ảnh minh họa.
Ăn quá nhanh
Thói quen ăn nhanh, nuốt vội, tranh thủ ăn khi đang làm việc hoặc vừa xem điện thoại, máy tính vừa ăn cơm… có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến dạ dày.
Ăn quá nhanh khiến cho thức ăn chưa được nhai kỹ và nghiền nát, đồng thời việc hấp thụ một lượng lớn thức ăn vào người trong một thời gian ngắn sẽ khiến thức ăn tích tụ ở trong dạ dày, từ đó gây áp lực lên thành dạ dày, khiến thành dạ dày phải co bóp liên tục để tiêu hóa một lượng lớn thức ăn, làm giảm chức năng của dạ dày.
Ngoài ra, việc ăn quá nhanh cũng có hại cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể, lâu dần có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, thậm chí là ung thư dạ dày.
Một nghiên cứu ở Hàn Quốc trên hơn 10.000 bệnh nhân đã thực hiện kiểm tra sức khoẻ và nội soi đường tiêu hóa. Các bác sĩ phát hiện ra những bệnh nhân có thói quen ăn nhanh xuất hiện triệu chứng của bệnh viêm dạ dày.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, ăn quá nhanh cũng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng ở đường tiêu hoá như đau bụng, khó tiêu, ợ hơi, nóng ruột,...
Do đó, nếu bạn đang có thói quen ăn quá nhanh, hãy tập thói quen ăn chậm nhai kỹ và dành ít nhất từ 20 - 30 phút cho mỗi bữa ăn để thúc đẩy quá trình tiêu hóa và giúp cơ thể hấp thụ thức ăn dễ dàng hơn.
Ảnh minh họa: Thói quen ăn nhanh, nuốt vội, tranh thủ ăn khi đang làm việc hoặc vừa xem điện thoại, máy tính vừa ăn cơm… có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến dạ dày.
Ăn quá nhiều
Khi ăn, dạ dày của chúng ta sẽ mở rộng để chứa thức ăn. Khi dạ dày được lấp đầy, chúng sẽ gửi tín hiệu đến não bộ và thông báo rằng bạn đã no. Ăn quá nhiều có thể khiến dạ dày căng quá mức bình thường. Điều này có thể khiến dạ dày phải chịu áp lực, gây khó chịu, buồn nôn thậm chí là gây đau dạ dày hoặc trào ngược axit dạ dày.
Chuyên gia dinh dưỡng Lauren Harris-Pincus cho biết: “Trong khoảng thời gian ngắn, nếu ăn quá nhiều và quá no thì có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa đồng thời làm tăng nguy cơ trào ngược axit dạ dày”. Tình trạng trào ngược axit dạ dày có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi bữa ăn gần sát với giờ đi ngủ vì lúc này bạn phải nằm xuống.
Lời khuyên mà các chuyên gia dành cho bạn là chỉ nên ăn no khoảng 70%. Ngoài ra, việc thay đổi thứ tự ăn uống như uống canh, ăn rau trước, sau đó ăn các món thịt và món giàu chất đạm cũng là một trong những cách tốt giúp kiểm soát lượng thức ăn.
Ảnh minh họa: Ăn quá nhiều hoặc quá no có thể làm tăng nguy cơ trào ngược axit dạ dày.
Ăn quá mặn
Ăn quá nhiều muối không chỉ ảnh hưởng đến huyết áp mà còn gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày. Chế độ ăn nhiều muối trong thời gian dài còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến niêm mạc dạ dày, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm dạ dày, loét dạ dày hay thậm chí là ung thư dạ dày.
Ngoài ra, muối cũng tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (vi khuẩn H.P) gây viêm loét dạ dày tá tràng, viêm loét dạ dày kéo dài và không được chữa trị có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những người thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe dạ dày các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên giảm lượng muối tiêu thụ trong chế độ ăn hàng ngày. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chúng ta chỉ nên sử dụng dưới 5 gam muối/ngày. Đồng thời chúng ta cũng nên kiểm soát lượng muối chứa trong các thực phẩm khác như thịt hun khói, xúc xích và các loại đồ ăn được chế biến sẵn khác.
Ảnh minh họa: Quá nhiều muối có thể gây ảnh hưởng xấu tới niêm mạc dạ dày.
Ăn chung mâm, dùng chung đũa
Như đã đề cập đến ở trên, vi khuẩn H.P là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề ở dạ dày làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày. Vi khuẩn H.P có thể sinh sống, phát triển ở trong niêm mạc dạ dày và có khả năng lây nhiễm cao khi tiếp xúc trực tiếp qua đường miệng với những thành viên trong gia đình.
Tuy vậy, người Việt Nam thường có thói quen ăn uống ngồi chung mâm, các đĩa thức ăn được bày sẵn trên bàn, ai ăn món gì thì sẽ tự dùng đũa của mình để gắp. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các thành viên trong gia đình nếu trong nhà có một người đã bị nhiễm khuẩn H.P.
Các thói quen trên có thể gây hại đến dạ dày, vì vậy, nếu bạn đang mắc phải một trong bốn thói quen trên thì hãy thay đổi ngay để bảo vệ sức khỏe của dạ dày và đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh.