Trong thời buổi công nghệ hiện đại, điện thoại hay các thiết bị di động thông minh được xem là những vật dụng thiết yếu với mỗi người. Đi kèm với các thiết bị điện tử này sẽ thường có bộ sạc. Trung bình mỗi ngày, các thiết bị sẽ cần sạc 1 lần. Sau đó, khi không có nhu cầu sạc thiết bị, thay vì rút bộ sạc ra ổ điện, nhiều người dùng thường chủ quan, vẫn để bộ sạc cắm tại ổ điện. Lý do được đưa ra đó là để việc sạc thiết bị được tiện lợi hơn, tránh việc thất lạc bộ sạc.
Tuy nhiên trên thực tế, việc làm này là vô cùng không nên. Nhiều sự cố chập điện hay cháy nổ nghiêm trọng đã xảy ra cũng bởi chính thói quen tưởng như vô hại này. Video sau đây là một ví dụ. Trong video có thể thấy, đầu sạc bị nóng lên, tiếp xúc với chiếc sofa và khiến bề mặt sofa bị cháy. Đầu sạc cũng nhanh chóng chuyển sang màu đen. Nếu người dùng không phát hiệp kịp thời để rút bộ sạc ra, rất có thể sẽ xảy ra sự cố cháy nghiêm trọng, lan rộng trong không gian nhà ở.
Một trường hợp khác tương tự cũng từng xảy ra ở Việt Nam vào khoảng giữa năm 2022. Theo chia sẻ của khổ chủ trên trang cá nhân, bộ sạc ngay cả khi không cắm điện thoại đã phát nổ, dẫn tới cháy và cháy lan sang khu vực rèm cửa, bộ sofa và lan ra toàn bộ ngôi nhà. "Bao nhiêu công sức ngày tháng làm việc của 2 vợ chồng chỉ trong vòng 20 phút bị thiêu rụi hoàn toàn. Một bài học rất đắt giá với gia đình mình", cô gái nói thêm.
Khung cảnh ngôi nhà sau khi xảy ra sự cố nổ bộ sạc điện thoại cắm trong ổ điện (Ảnh FBNV)
Vì sao không nên cắm sạc điện thoại liên tục?
Như đã nói ở trên, nhiều người dùng cắm sạc điện thoại nói riêng hay các thiết bị điện tử nói chung trong ổ cắm bởi sự tiện lợi. Tuy nhiên, việc liên tục cắm điện sẽ khiến các bộ sạc luôn trong trạng thái ở nhiệt độ cao. Từ đó, dẫn đến bộ sạc sớm bị ăn mòn, nhanh hỏng, từ đó tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra chập điện, cháy nổ.
Bên cạnh đó, việc cắm sạc điện thoại liên tục trong ổ cắm cũng khiến gia đình lãng phí một phần điện năng. CellphoneS, một đơn vị chuyên cung cấp, phân phối các loại điện thoại nói riêng hay các thiết bị điện tử nói chung đã thực hiện 1 thử nghiệm đo lường điện năng khi cắm bộ sạc tại ổ điện, dù không sạc thiết bị.
Thử nghiệm sử dụng đồng hồ đo điện chuyên dụng, được ghim vào ổ điện và các bộ sạc. Từ đó, đồng hồ sẽ tính chính xác mức tiêu hao năng lượng của các bộ sạc. Kết quả cho thấy, các bộ sạc này vẫn tiêu tốn một lượng điện năng nhất định, dù cho rất nhỏ.
Tuy nhiên nếu cứ để cắm liên tục trong thời gian dài, người dùng cũng sẽ phải chi trả một khoản phát sinh cho việc cắm bộ sạc ở ổ điện này. Với những bộ sạc cũ, lượng điện lãng phí sẽ có thể nhiều hơn.
Lưu ý an toàn khác khi dùng sạc điện thoại
1. Chọn mua bộ sạc chất lượng chính hãng
Việc đầu tiên và được đánh giá là quan trọng nhất chính là người dùng cần chọn mua được bộ sạc chính hãng, chất lượng. Không nên ham rể mà mua các bộ sạc không rõ nguồn gốc xuất xứ bởi các cấu tạo về mặt an toàn của chúng có thể không được đảm bảo.
Khi sử dụng sạc cũng cần liên tục kiểm tra về chất lượng bộ sạc, xem bộ sạc có bị đứt, hở hay hỏng ở vị trí nào hay không. Nếu thấy dấu hiệu hư hỏng nghiêm trọng, cần sửa chữa hoặc thay mới kịp thời.
2. Hạn chế vừa sạc vừa dùng thiết bị
Nhiều sự cố, tai nạn đáng tiếc đã xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng cả về người và của do thói quen vừa sạc, vừa dùng thiết bị. Các chuyên gia giải thích rằng việc này sẽ khiến điện áp thiết bị tăng cao, gây nóng máy và dễ cháy nổ. Bởi vậy tốt hơn hết người dùng nên hạn chế tối đa việc làm này, trừ trường hợp thực sự cần thiết.
3. Không cắm sạc ở nơi ẩm ướt, dễ chập điện
Tuyệt đối không nên cắm sạc ở những vị trí ẩm ướt hoặc gần nguồn nước. Bản thân bộ sạc khi kết nối với ổ điện hoặc khi kết nối với thiết bị điện tử cũng không được dính nước.
4. Bảo quản sạc đúng cách
Cuối cùng là sau khi dùng xong bộ sạc, cần ngắt kết nối với ổ điện, bảo quản ở nơi khô ráo, rộng rãi. Tránh việc nhét bộ sạc vào các loại túi quá chật, hẹp, làm rối dây cáp sạc, khiến dây bị va đập và nhanh bị hư hỏng hơn.