Thời mới ở Malaysia: Thủ tướng 92 tuổi vẫn phải coi trọng TQ, giữ quan hệ tốt với Mỹ

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Càng quan ngại về Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, ông Mahathir càng cần thúc đẩy quan hệ tin cậy với Mỹ trên mọi lĩnh vực.

Một thời kỳ mới

Cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi ở Malaysia đã gây chấn động chưa từng thấy ở xứ này kể từ khi lập quốc năm 1957 về chính trị và xã hội.

Vì ông Mahathir Mohamad trở lại cầm quyền ở tuổi 92 - sau 22 năm cầm quyền và 15 năm xa rời chính trường - chỉ là phụ mà chủ yếu và trước hết vì liên minh Barisan Nasional (BN) với hạt nhân là đảng Umno bị mất vị thế cầm quyền sau 61 năm cầm quyền liên tục.

Cho tới nay, đất nước này chỉ thấy BN cầm quyền và chính ông Mahathir cũng đã trị vì Malaysia từ 1981 đến 2003 với tư cách là người đứng đầu BN.

Lần đầu tiên phe đối lập thắng cử và lên cầm quyền. Một thời kỳ mới đã bắt đầu và một trang sử mới đã mở ra cho đất nước này. Trên danh nghĩa thì như vậy. Cơ hội trên thực tế đã có. Nhưng thời này và trang sử này có được mới mẻ thật sự hay không trong thực chất lại phụ thuộc vào việc ông Mahathir đã trở thành người mới sau 15 năm qua hay không.

Câu hỏi này sẽ được trả lời ngay trong 100 ngày tới vì ông Mahathir đã đề ra 10 việc cần làm trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên nếu phe đối lập thắng cử. Cả 10 cam kết này đều tập trung vào đối nội.

Vẫn phải coi trọng Trung Quốc

Về đối ngoại mới chỉ thấy có phát biểu đầu tiên của ông Mahathir trong họp báo sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố.

Ở đó, ông Mahathir cho biết bản thân không phản đối kế hoạch "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc nhưng sẽ xem xét lại và nếu cần sẽ đàm phán lại với phía Trung Quốc về những dự án trong khuôn khổ kế hoạch này mà chính quyền tiền nhiệm đã thoả thuận với phía Trung Quốc.

Cả lãnh đạo Trung Quốc lẫn tổng thống Mỹ Donald Trump đều đã nhanh chóng chúc mừng ông Mahathir thể hiện mong muốn sự đổi thời ở Malaysia không ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ của hai nước này với Malaysia.

Trong cuộc vận động tranh cử vừa rồi, cũng chỉ có sự tham gia của Malaysia dưới thời ông Najib Razak vào kế hoạch nói trên của Trung Quốc được ông Mahathir đưa ra thành vấn đề. Ông Mahathir cáo buộc ông Najib "bán tống, bán tháo" Malaysia cho Trung Quốc.

Theo hãng Nomura (Nhật Bản), tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc dành cho Malaysia một số dự án về cơ sở hạ tầng với giá trị vốn đầu tư là 34,1 tỷ USD.

Ông Mahathir còn cho rằng một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào xây dựng nhà ở và khu đô thị mới ở Malaysia không nhằm phục vụ người dân Malaysia vì quá đắt so với mức thu nhập của người dân Malaysia.

Dự án tuyến đường sắt Đông - Tây với vốn đầu tư 13 tỷ USD cũng do công ty Trung Quốc trúng thầu thực hiện bị ông Mahathir coi là quá tốn kém và phí phạm.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Malaysia và đứng thứ 6 trong danh sách các đối tác bên ngoài đầu tư nhiều nhất vào Malaysia.

Khi xưa cầm quyền cũng như bây giờ cầm quyền, ông Mahathir vẫn phải coi trọng Trung Quốc, nhưng nhiều khả năng sẽ không dễ chịu đối với Trung Quốc như người tiền nhiệm vừa bị phế quyền trên 2 phương diện là tham gia kế hoạch Một vành đai, một con đường và những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.

Quan hệ Mỹ - Malaysia

Ở thời mới này của Malaysia và với ông Mahathir, mối quan hệ giữa Malaysia và Mỹ có triển vọng còn tốt đẹp hơn cả ở thời ông Najib.

Thời mới ở Malaysia: Thủ tướng 92 tuổi vẫn phải coi trọng TQ, giữ quan hệ tốt với Mỹ - Ảnh 2.

Trong thời gian cầm quyền, ông Najib thân thiện hơn hẳn và gắn bó hơn hẳn với Trung Quốc nhưng quan hệ của Malaysia với Mỹ không vì thế mà bị ảnh hưởng. Chỉ có điều là phía Mỹ tiến hành điều tra vụ bê bối tai tiếng về tham nhũng và biển thủ tiền công liên quan đến cá nhân ông Najib.

Ông Mahathir cam kết với cử tri Malaysia điều tra đến cùng và làm sáng tỏ nhất có thể về vụ việc này - ngay sau khi ông Mahathir tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, ông Najib đã bị cấm xuất cảnh.

Trong thời mới này ở Malaysia, mọi cái xem ra đều thuận lợi cho cặp quan hệ song phương này. Hơn nữa, càng quan ngại về Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, ông Mahathir càng cần thúc đẩy quan hệ tin cậy với Mỹ trên mọi lĩnh vực.

Thay đổi chính phủ ở Malaysia không làm biến động gì chính sách của nước này đối với ASEAN và với các nước thành viên ASEAN. Biến cố chính trị ở Malaysia không có tác động gì nhiều tới tình hình chính trị xã hội nội bộ ở các nước trong khu vực. Dù vậy cũng sẽ có một số nước rút ra từ đó những bài học giá trị cho họ.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại