LTS: Nguyễn Văn Đáng, hỗn danh là Đáng "đao", là đầu lĩnh trong băng người nhái của ông trùm Châu Nhị ở Sài Gòn trước năm 1975. Bây giờ về già, cuộc sống của Đáng "đao" có nhiều xa xót.
>Cuộc sống ẩn dật trong nghèo khổ của giang hồ khét tiếng Sài Gòn
>Dùng dao thay súng, gã giang hồ liều mạng "lấy số" những ông trùm khét tiếng miền Tây
>Em rể suýt lấy mạng anh vợ và sự suy tàn của ông trùm miền Tây
>Từ ân nhân thành cừu thù và cái chết bí ẩn của trùm giang hồ Đại Cathay
>Kết cục thảm hại của những sát thủ mang phận tốt thí
Chui lủi trốn truy sát
Châu Nhị bị chết, Phương "nhái" đã dự đoán được những điều chẳng lành sẽ đến nên nhắn cho Đáng "đao" đưa thân nhân của mình đi trốn.
Đúng như những lo lắng của Phương, Đáng và mọi người vừa đi khỏi thì toàn bộ anh em trong băng đảng, kể cả Phương "nhái" đều bị thủ tiêu.
Biết mình cũng sẽ bị truy lùng, phần vì ân oái giang hồ, phần vì những mưu đồ chính trị, Đáng "đao" phải sống chui lủi.
Ông Đáng kể, thời gian đó có cả trăm tên do thám của băng lính dù tìm về quê ông (Cẩm Mỹ, Đồng Nai) để dò la tin tức về phó tướng của băng người nhái. Lo sợ người thân sẽ bị liên lụy nên Đáng "đao" đã sơ tán cả gia đình đi nơi khác, còn ông trốn về Biên Hòa.
Bị truy tìm gắt gao nên cuộc sống của Đáng "đao" rơi vào cảnh đường cùng. Sau nhiều đêm suy tính, Đáng "đao" đành mua một tờ giấy khai sinh giả rồi đâu quân luôn vào lính dù.
Khi ấy, ông nghĩ, nơi nguy hiểm nhất lại là nơi an toàn nhất.
Sau sự kiện tết Mậu Thân, Đáng "đao" bị điều động ra mặt trận Quãng Ngãi.
"Bị bọn băng đảng nhảy dù truy sát nên tôi mới làm giấy khai sinh giả xin vào lính dù để lánh nạn, đợi đến khi tình hình lắng xuống thì trốn ra ngoài.
Vì vậy, trước ngày ra chiến trường, tôi đã cố tình xin nghỉ phép 3 ngày để tìm cơ hội đào ngũ. Tôi đi lính 3 lần thì cũng 3 đảo ngũ cả", vị "đầu lĩnh" khét tiếng của băng người nhái nhớ lại.
Trong những ngày sống chui lủi, ông Đáng đã gặp lại người mà mình thương yêu.
Khi ấy, dù Đáng "đao" không còn bị những phần tử trong băng nhảy dù truy lùng thì ông vẫn phải sống chui lủi với tội danh mới là "lính đào ngũ".
Nhưng lần này số phận đã đưa đẩy ông tìm lại được bà Mọn, sau gần 10 năm xa cách và nhung nhớ.
Gặp lại cố nhân
Đào ngũ, Đáng "đao" đã ngược lên Hố Nai (Biên Hòa) nương nhờ trong nhà người bà con cũ. Một thời gian sau đó, ông vào làm thợ máy tại một xưởng cưa của một viên chức giàu có. Người này cũng hay chứa chấp những người lính đào ngũ.
Vào đây làm việc, Đáng "đao" mới té ngửa khi biết ông chủ của mình chính là chú ruột của bà Mọn, người con gái mà ông hằng thương nhớ. Và ngay ngày đầu tiên làm việc tại đây, Đáng "đao" đã gặp lại cố nhân.
Khi ấy, bà Mọn đang là quản lý của xưởng cưa. Bao nhiêu thương nhớ tưởng chừng như đã ngủ vùi theo thời gian ùa về, Đáng nghẹn ngào lao tới ôm chầm cô quản lý bé nhỏ.
Bà Mọn cũng rưng rưng, xiết chặt vòng tay ôm lấy người mình thương yêu một thời xa cách.
Bà Mọn trách giận vì ông đã không giữa lời hẹn ước trước đây.
"Năm 1960, tôi đi lính thì bà ấy chuyển về làm ở xưởng cưa, hai đứa mất liên lạc với nhau từ đó tới giờ. Ngày còn ở Long An và đến khi nhập băng người nhái tôi đều cho đám đàn em đi khắp nơi tìm kiếm bà ấy.
Tôi cứ tưởng người yêu đã chết hoặc là đã đổi dạ thay lòng. Nào ngờ bà ấy vẫn chờ đợi, vẫn theo dõi mọi bước đi của tôi trên đường đời", ông Đáng xúc động nhớ lại.
Gặp lại cố nhân, Đáng "đao" và bà Mọn đã thành vợ, thành chồng. Ông Đáng kể, ngày ấy thương nhau thì về ở với nhau, chứ hoàn cảnh khi ấy, Đáng "đao" đã không thể tổ chức một lễ cưới rình rang.
Đưa mắt về phía vợ, ông Đáng bảo, bà Mọn vợ ông hệt như một dòng suối tinh khiết, tắm mát cuộc đời của một kẻ du đãng như ông. Tình yêu của bà như sợi dây ghìm ông lại, khiến ông thuần, bớt đi cái "máu giang hồ".
Vợ chồng ông Đáng chăm sóc nhau những ngày cuối đời.
Giã từ kiếp sống "ngựa hoang"
Ông Đáng kể, lấy nhau, ban ngày hai vợ chồng đi làm trong xưởng. Ở xưởng do được người chú đỡ đầu nên Đáng "đao" không lo quân cảnh đến bắt.
Ở nhà, túp lều tranh nhỏ bé, bà Mọn đào một cái hầm ở dưới góc bếp. Mỗi lần quân cảnh tìm đến thì Đáng "đao" lại chui xuống hầm tránh.
"Có đêm bọn quân cảnh ập vào nhà tôi 2 đến 3 lần", ông Đáng nhớ lại.
Thấy cứ lẩn trốn mãi không ổn, vợ chồng ông vay mượn được 3 cây vàng rồi nhờ người làm căn cước giả, đồng thời khai man tuổi để… ẩn tích lâu dài.
Tuy có căn cước giả nhưng Đáng "đao" vẫn gặp nạn. Đó là vào năm 1972, trên đường đi làm, ông đã bị cảnh sát Việt Nam cộng hòa kiểm tra giấy tờ.
Phát hiện ra ông sử dụng thẻ căn cước giả, chúng rút súng dọa bắn. Với bản lĩnh của mình, chỉ trong chớp mắt Đáng "đao" đã hạ ngục cả ba tên cảnh sát.
Đang chực tìm đường chạy trốn thì không biết từ đâu, gần 20 tên lính bỗng dưng ập tới. Trước họng súng của đối phương, ông trùm một thời chọc trời khuấy nước đành phải đầu hàng.
Với tội danh tấn công người thi hành công vụ, làm căn cước giả và đảo ngũ, Đáng "đao" bị tòa án chế độ cũ xử 10 năm tù và tương lai sẽ bị đày đi Côn Đảo.
Tuy nhiên, bị giam khám Chí Hòa được 3 năm, chưa kịp bị đày ông ra "địa ngục trần gian" thì đất nước thống nhất và Đáng "đao" được phóng thích.
Ông Đáng kể, khi còn trẻ, khi còn tung hoành trên chiếu giang hồ, đã có nhiều người phụ nữ đi ngang qua đời ông. Tuy nhiên, trọn đời, tình cảm sâu nặng nhất của ông chỉ dành cho bà Mọn.
Bởi thế, sau ngày ngày đất nước được giải phóng, Đáng "đao" đã nhất quyết "rửa tay gác kiếm", chọn một cuộc đời yên bình bên người vợ hiền của mình.
Ông Đáng kể, sau khi đoạn tuyệt với con đường giang hồ, ông lại quay về xin công nhân ở nông trường cao su Ông Quế. Cũng thời gian này, ông với bà Mọn có với nhau lần lượt ba mặt con.
Trải qua những phong ba bão táp, những ân oán vay trả trong giới giang hồ, tưởng chừng ông trùm sẽ được có những phút an nhàn cuối đời nhưng cuộc sống không như là mơ ước.
Năm 1986, gần đến ngày ông được nghỉ hưu thì con trai út của ông bị bắt đi tù hơn 1 năm vì tội đánh người gây thương tích.
Một lần vào trại thăm con, thấy con trai bị đánh đập, thương con ông quyết định xin lãnh tất cả lương hưu một lần để lo lót. Cũng trong thời gian đó, bởi một chứng bệnh lạ lùng mà mắt bà Mọn đã không còn trông thấy gì nữa.
Tai ương liên tiếp, cuộc sống gia đình vốn đã nghèo khó lại càng thêm túng quẫn. Ông Đáng bảo, thời gian đó, ông đã cố sức gắng gượng làm thuê làm mướn để nuôi con khôn lớn.
"Cũng đành xin làm người hát rong"…
Khi những người con của ông trưởng thành, rồi lần có gia đình riêng thì vợ chồng ông cũng đã sức tàn lực kiệt. Con cái ông bởi mưu sinh nên mỗi người phiêu dạt một phương, có khi phải mấy năm mới về thăm cha mẹ một lần.
"Chúng nó cũng thương cha mẹ, nhưng vì cuộc sống khó khăn thiếu thốn nên cũng chẳng đỡ đần được gì", ông Đáng bảo.
Để có bữa cơm qua ngày, để có viên thuốc chăm người vợ bệnh tật, ông Đáng đã hạ mình làm một việc khó ngờ, ấy là hát rong xin tiền.
Trùm giang hồ Đáng "đao" lấy cây đàn để mưu sinh.
Cứ sáng sớm, với cây đàn sờn cũ, Đáng đao lê la khắp những khu chợ gần nhà để mưu sinh. Mỗi khi tiếng hát khàn đặc của ông cất lên, ai cũng rơm rớm nước mắt thương xót.
"Mong ước của ông đó là bà Mọn là khi chết có một cái áo quan tốt tốt một chút. Tôi đã hứa với bà ấy, nếu bà chết trước thì bằng giá nào tôi cũng thực hiện nguyện vọng này cho bà.
Còn nếu tôi phải đi trước, thì chỉ cần chôn tôi cùng với cây đàn ghi ta là tôi đã mãn nguyện lắm rồi", trò chuyện với tôi, ông Đáng nói.
Theo ông Đáng, cả đời ông ân hận nhất là quãng thời gian làm giang hồ đã gây nhiều tội ác. Và, việc cuối đời ông phải sống cực khổ, cơ hàn cũng là quả báo từ những lỗi lầm xưa.
"Nếu tôi biết tu chí thì giờ đây có lẽ cuộc đời tôi đã rẽ sang một hướng khác tốt đẹp hơn. Gieo nhân nào thì phải gặp quả đấy vậy!", ông Đáng tự chiêm nghiệm.