Hai thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời
Những ngày tháng Tư lịch sử này, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hữu Thanh, ở tổ dân phố 11, thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh như sống lại một thời hoa lửa, vinh dự, tự hào nằm trong đội hình tiến công tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, cũng như Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ nhưng ngăn nắp, gọn gàng, khi tôi đến, ông đang cặm cụi tìm lại mấy quyển sách lịch sử Sư đoàn 320, những kỷ vật và nhiều tấm ảnh chụp cùng thủ trưởng cũ, bạn chiến đấu đã bị nhòe vì thời gian.
CCB Nguyễn Hữu Thanh kể về bức ảnh chụp cùng Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 tại buổi gặp mặt bạn chiến đấu ngày 20/12/2015.
CCB Nguyễn Hữu Thanh nhập ngũ ngày 14/2/1968, được biên chế vào đơn vị Đại đội 3, Tiểu đoàn 517, Trung đoàn 7, Bộ Tư lệnh 350 ở Yên Tử, Quảng Ninh. Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, ông được biên chế về Đại đội 25, Trung đoàn 48 (Trung đoàn Thạch Hãn), Sư đoàn 320A, Quân đoàn 3.
Từ đây, ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt tại các điểm cao phía Tây Quảng Trị; chiến trường Mường Phìn, Lào; vào Mặt trận B3 đánh các cao điểm 1015, 1049 phía Tây huyện Sa Thầy; đánh căn cứ Chư Sê; trận truy kích địch rút chạy trên đường 7 - thị xã Cheo Reo trong Chiến dịch Tây Nguyên…
Với ông cũng như bao người Việt Nam thì ngày cả đất nước ăn mừng chiến thắng đó là một ngày không thể vui mừng hơn. Ông kể lại chiến công đập tan căn cứ Đồng Dù ở Củ Chi, về những ngày toàn thắng cách đây đã 45 năm rồi mà dường như vừa mới xảy ra.
Rót chén nước mời khách, ông trầm tư hồi tưởng lại những ngày này cách đây 45 năm:
"Ngày đó có nghĩ gì đến sống chết đâu các chú. Tất cả vì mục tiêu cao cả nhất là giải phóng Sài Gòn. Người trước ngã xuống, người sau tiến lên. Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội của mình là được sống để chứng kiến ngày thắng lợi, để trở về và chứng kiến đất nước mình ngày càng phát triển".
Tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh ác liệt nhưng với ông hào hùng nhất, vinh dự, tự hào nhất vẫn là được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cùng đồng đội đập tan căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, mở toang "cánh cửa thép" trên hướng Tây Bắc, tạo điều kiện để các cánh quân chủ lực đánh vào nội đô Sài Gòn.
Đập tan căn cứ Đồng Dù
Lúc này ông là Thượng sỹ, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 25, đơn vị của ông được bổ sung tăng cường cho nhiệm vụ vận tải, có nhiệm vụ đánh "lót ổ", tức là vừa chiến đấu vừa vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm vào vị trí tập kết để các cánh quân chủ lực đánh trận quyết định, đồng thời vận chuyển thương binh.
Ông kể, căn cứ Đồng Dù cách trung tâm Sài Gòn chừng 30km về phía Tây Bắc, là căn cứ quân sự hỗn hợp rộng 7km2 với hệ thống trận địa dày đặc, vũ khí trang bị khổng lồ, quân số khoảng 3.000 tên, xung quanh căn cứ lại có nhiều đơn vị chi viện.
Lực lượng xe tăng và bộ binh Sư đoàn 320 đánh chiếm căn cứ Đồng Dù (Củ Chi), sáng 29/4/1975, mở cánh cửa thép Tây Bắc Sài Gòn để quân ta thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Ngụy quyền Sài Gòn. Ảnh: Lê Trung Hưng/TTXVN.
Đây là hang ổ của Sư đoàn Bộ binh 25 quân đội ngụy Sài Gòn, có vị trí chiến lược quan trọng, là "pháo đài kiên cố, bất khả xâm phạm trên tuyến phòng thủ Tây Bắc Sài Gòn" như lời tuyên bố huênh hoang của quân ngụy quyền.
Với quyết tâm đập tan căn cứ này, mở đường cho các đơn vị tiến công vào nội đô Sài Gòn, bằng sức mạnh hiệp đồng quân binh chủng, rạng sáng ngày 29/4/1975 Sư đoàn 320A được lệnh tiến công Đồng Dù.
Đơn vị của ông Thanh nằm trong đội hình Trung đoàn 48 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu phía Tây Bắc. Trận đánh ngay từ phút đầu đã diễn ra hết sức ác liệt, quân địch với hỏa lực mạnh điên cuồng chống trả khiến các đơn vị qua mấy tiếng đồng hồ tiến công, nhiều lần đột phá vẫn chưa mở cửa xong, quân số thương vong ngày càng tăng.
Trước tình thế đó, Trung đoàn được lệnh đưa lực lượng dự bị vào yểm trợ. Nhờ sức đột phá mãnh liệt đã vượt qua cửa mở, đè bẹp các "ổ đề kháng" kiên cố của địch. 11 giờ 30 phút Sư đoàn 320A hoàn toàn làm chủ căn cứ Đồng Dù. Lý Tòng Bá và cấp dưới cải trang lẩn trốn vào rừng nhưng bị dân quân du kích huyện Củ Chi bắt sống.
Sau khi đập tan căn cứ Đồng Dù, đơn vị ông được giao nhiệm vụ truy quét tàn quân VNCH, đồng thời an dân, giúp dân xây dựng chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự khu vực đóng quân ở Cầu Bông.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đang hối hả hành quân thì thấy nhân dân hai bên đường ùa ra. Không thể kể hết sự phấn khích của người dân hai bên đường, người thì cầm hoa, người thì cầm cờ Giải phóng, người thì cầm đài radio reo hò sung sướng: "Giải phóng rồi, chiến thắng rồi các chú bộ đội ơi! Dương Văn Minh đầu hàng rồi…".
Nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào quân Giải phóng, ngày 30/4/1975. Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN.
Nghe radio thông báo chúng ta đã dành chiến thắng hoàn toàn, ông và tất cả đồng đội ôm nhau mà nước mắt rưng rưng vì sung sướng, hạnh phúc. Đêm hôm đó, lần đầu tiên, ông và đồng đội được ngủ võng ngay trên mặt đất nhưng cảm giác lâng lâng trào dâng giữa ánh điện sáng trưng trong thành phố làm sao có thể dễ dàng ngủ được.
Với cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thanh, hai thời khắc quan trọng nhất trong cuộc đời ông đó là 11 giờ 30 phút của hai ngày liên tiếp 29-30/4/1975 cũng là hai chiến thắng khắc sâu nhất trong tâm khảm người cựu chiến binh Trung đoàn Thạch Hãn anh hùng.
Trong đó chiến công đập tan căn cứ Đồng Dù không chỉ thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của ông và đồng đội trong chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu mà còn góp phần quan trọng đập tan "cánh cửa thép" trên tuyến phòng ngự Tây Bắc của địch, để 5 cánh quân thọc sâu tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của chính quyền VNCH, giải phóng hoàn toàn miền Nam, non sông thu về một mối, để nhân dân cả nước ca khúc khải hoàn