Ngày hôm qua, nhiều hãng thông tấn nước ngoài đã đăng tải thông tin cho biết Bộ trưởng Tình báo Israel, ông Yisrael Katz đang kêu gọi thành lập một liên minh quân sự chống Iran nếu nước Cộng hòa Hồi giáo này coi thường các cường quốc bằng cách làm giàu Uranium cấp độ quân sự.
Hành động trên được ông Katz đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu đã bắt đầu chuyến thăm châu Âu để thảo luận về sự liên quan của Iran trong khu vực và chương trình hạt nhân của nước này, cả hai điều trên đều bị Tel Aviv xem như những mối đe dọa nguy hiểm.
Theo đánh giá thì có thể Israel sẽ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ đồng minh lớn nhất của mình là Hoa Kỳ. Từ khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran thì Mỹ cũng luôn tuyên bố không loại trừ biện pháp cứng rắn nào kể cả quân sự nhằm buộc Tehran phải chấm dứt hoàn toàn chương trình hạt nhân.
Tiêm kích F-35I Adir và F-16I Sufa của Không quân Israel.
Nếu Không quân Israel (IAF) tiến hành tấn công nhằm phá hủy cơ sở hạt nhân Iran thì chắc chắn sẽ có một cuộc đối đầu nảy lửa giữa các chiến đấu cơ của Tel Aviv và những hệ thống tên lửa phòng không tối tân của Tehran.
Con át chủ bài của IAF dĩ nhiên là tiêm kích tàng hình F-35I Adir, chiếc chiến đấu cơ thế hệ 5 này đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu nhanh tới mức không ngờ, nó được thông báo đã tiến hành 2 vụ tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Syria mà không hề bị radar đối phương phát hiện.
Còn về phía Iran, lực lượng phòng không Quốc gia Hồi giáo này đã bố trí sẵn các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU2 Favorit sức mạnh chẳng kém S-400 là bao để bảo vệ những địa điểm trọng yếu trước mối nguy cơ lớn từ Israel.
Trong trường hợp nổ ra chiến sự, cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa F-35I và S-300PMU-2 là điều mà giới quan sát quân sự cần phải đặc biệt chú ý.
Hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 của Iran bắn đạn thật
Trong những phi vụ không kích trên lãnh thổ Syria, có ý kiến cho rằng tiêm kích tàng hình F-35I Adir của Israel đã qua mặt được radar cảnh giới thuộc tổ hợp tên lửa S-400 Triumf mà Nga triển khai tại căn cứ không quân Hmeimim.
Tuy nhiên luồng ý kiến khác lại nhận xét rằng điều này là không có cơ sở khi mà Moskva cùng Tel Aviv đã ký hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau. Nga có thể đã phát hiện ra tiêm kích Israel nhưng S-400 không khai hỏa vì chưa cảm thấy bị đe dọa trực tiếp.
Cho nên để đánh giá chính xác xem tính năng kỹ chiến thuật của tiêm kích Israel hay tên lửa phòng không do Nga sản xuất ưu việt hơn thì sẽ phải chờ đến khi cuộc đối đầu trực tiếp giữa S-300PMU2 với F-35I diễn ra, khi đó chắc chắn không có chuyện "nhìn thấy nhưng không bắn".
Trân đụng độ đầy thú vị này hứa hẹn sẽ làm thay đổi hoàn toàn thị trường vũ khí thế giới, bất cứ chủng loại nào thua cuộc cũng sẽ bị đổi trạng thái từ bán chạy sang ế ẩm.
Ngoài ra huyền thoại F-35I Adir bay trinh sát xuyên không phận 3 nước, lượn nhiều vòng trên bầu trời các cơ sở hạt nhân Iran mà vẫn vô hình tuyệt đối nhiều khả năng cũng sẽ được giải mã là sự thật hay lời nói dối nếu "cuộc đối đầu lịch sử" diễn ra.
Lực lượng phòng không Iran bắn thử nghiệm tổ hợp tên lửa tầm xa S-300PMU-2 Favorit