Thời hoàng kim đã qua của Nhật Bản: Gặm nhấm nỗi đau với Sony, Panasonic, Toshiba, lặng nhìn Trung Quốc vượt mặt sau 30 năm

Băng Băng |

Việc coi thường các nhà khởi nghiệp, mải vật lộn với hệ lụy giảm tốc tăng trưởng từ cuộc khủng hoảng bong bóng cuối thập niên 1980 đã khiến Nhật Bản bị Trung Quốc vượt mặt.

Thời hoàng kim đã qua của Nhật Bản: Gặm nhấm nỗi đau với Sony, Panasonic, Toshiba, lặng nhìn Trung Quốc vượt mặt sau 30 năm - Ảnh 1.

Vào năm 1995 khi tờ Fortune bắt đầu công bố danh sách Global 500, cái tên Mitsubishi của Nhật Bản đã đánh bại những thương hiệu như Walmart, Exxon, GM-vốn là các hãng sẽ thống trị bảng xếp hạng sau này.

Với tổng doanh thu 176 tỷ USD, Mitsubishi đánh bại hàng loạt những cái tên đình đám như AT&T, Citicorp, DuPont, P&G thời đó.

Ngoài ra trong top 10 còn có những cái tên Nhật Bản khác như Mitsui, Itochu, Sumitomo, Marubeni và Nissho Iwai (Sojitz).

Nếu xét trong tổng bảng xếp hạng Global 500 thì các công ty Nhật Bản nhiều thứ 2 với 149 hãng góp mặt, đứng đầu là Mỹ với 151.

Thời hoàng kim đã qua của Nhật Bản: Gặm nhấm nỗi đau với Sony, Panasonic, Toshiba, lặng nhìn Trung Quốc vượt mặt sau 30 năm - Ảnh 2.

Tuy nhiên nếu xét về tổng doanh thu toàn bộ doanh nghiệp Nhật Bản góp mặt trong Global 500 thì chúng cao hơn bất kỳ thị trường nào, kể cả Mỹ lẫn Châu Âu.

Ngoài ra hàng loạt những cái tên nổi tiếng như Sony, Panasonic, Toshiba...cũng khiến "Made in Japan" trở thành biểu tượng cho chất lượng, sự thịnh vượng và phát triển của Nhật Bản.

Vậy nhưng 28 năm trôi qua và mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi.

Nhật Bản hiện chỉ còn 41 công ty góp mặt trong Global 500, thấp hơn 136 của Mỹ và 135 của Trung Quốc đại lục.

Tổng doanh thu các thương hiệu Nhật góp mặt trong bảng xếp hạng này chỉ vào khoảng 2,8 nghìn tỷ USD năm 2022, tương đương 6,8% toàn bộ công ty thuộc danh sách.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Mỹ có mặt trong Global 500 chiếm 31,8% tổng doanh thu toàn bảng xếp hạng, Trung Quốc đóng góp 27,5%.

Hiện Toyota là doanh nghiệp Nhật Bản xếp hạng cao nhất ở bậc 19 với 274 tỷ USD doanh thu. Còn cựu vương Mitsubishi năm nào thì hiện đứng thứ 45 với 159 tỷ USD doanh thu, sau cả những công ty quốc doanh Trung Quốc như China Baowu Steel Group.

Những cái tên đình đám của Nhật Bản như Toshiba thì nay đã phải bán mình với giá 14 tỷ USD. Hãng Sony thì gánh khoản nợ lớn từ năm 2012, Sharp kinh doanh thua lỗ và phải nhờ chính phủ cứu trợ.

Panasonic thì từng nghĩ đến việc bán tất cả các mảng kinh doanh thua lỗ, bao gồm cả sản xuất tivi-vốn là mảng từng đem lại tên tuổi cho tập đoàn này.

Thời hoàng kim đã qua của Nhật Bản: Gặm nhấm nỗi đau với Sony, Panasonic, Toshiba, lặng nhìn Trung Quốc vượt mặt sau 30 năm - Ảnh 3.

"Đã từng có thời điểm ai cũng có đồ Sony trong nhà, nhưng giờ đây chẳng ai nhìn thấy lại hình ảnh đó một lần nào nữa", chuyên gia phân tích Tony Costa của Forrester Research nhận định.

Hiện phần lớn những tập đoàn điện tử tiêu dùng từng nổi tiếng của Nhật Bản đều phần lớn suy yếu, phá sản hoặc sống lay lắt với chút ít lợi nhuận.

Làm thế nào mà hàng loạt những huyền thoại Nhật Bản mất đi hào quang của mình sau 30 năm nhanh chóng như vậy? Theo Fortune, nguyên do nằm ở nền kinh tế nước này, sự chậm đổi mới của các doanh nghiệp cũng như đà trỗi dậy của Trung Quốc.

Coi thường khởi nghiệp

Theo Fortune, nền kinh tế Nhật Bản đã bỏ lỡ các cuộc cách mạng công nghệ, coi thường xu thế khởi nghiệp vì mải mê đối phó với tình trạng tăng trưởng giảm tốc, giảm phát cùng những hệ lụy kéo dài kể từ sau cuộc khủng hoảng bong bóng cuối thập niên 1980.

Đà tăng trưởng thấp chỉ vào khoảng 5,3% suốt 10 năm qua của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã khiến các tập đoàn nổi tiếng nước này không có nhiều cơ hội phát triển.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bình quân đến 23% cùng kỳ, còn Trung Quốc đại lục là 83%, qua đó vượt mặt Nhật Bản để lấy ngôi vị số 2 thế giới.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Norihiro Yamaguchi của Oxford Economics nhận định Nhật Bản không chỉ tăng trưởng giảm tốc mà còn bỏ lỡ nhiều cơ hội bùng nổ và cách mạng công nghệ, vốn đem lại lợi ích cực lớn cho những nền kinh tế khác.

Chuyên gia Yamaguchi chỉ ra tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ của Nhật Bản hiện nay rất thấp, thế rồi văn hóa trọng nam khinh nữ khiến Nhật Bản bỏ lỡ lượng lớn tài năng và sức lao động của phụ nữ.

Thời hoàng kim đã qua của Nhật Bản: Gặm nhấm nỗi đau với Sony, Panasonic, Toshiba, lặng nhìn Trung Quốc vượt mặt sau 30 năm - Ảnh 4.

Tồi tệ hơn là kiểu kinh doanh bảo thủ, ít chịu đầu tư đổi mới khiến các tập đoàn lớn của nước này bỏ lỡ hàng loạt những cơ hội bùng nổ.

"Doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay chỉ chú ý đến cắt giảm chi phí nhân công hơn là tăng cường đầu tư đổi mới, phát triển những mảng kinh doanh mới", chuyên gia Yamaguchi ngán ngẩm.

Chính vì nguyên nhân này mà nền kinh tế thứ 3 thế giới chẳng có nổi một tập đoàn công nghệ lớn nào lọt được vào Global 500, tương tự như những gì Alphabet (Google), Microsoft, Alibaba hay Tencent đã làm.

"Nhật Bản không giống Trung Quốc khi không nhận ra được đà phát triển của các nhà khời nghiệp như Jack Ma (Alibaba) hay Pony Ma (Tencent)", chuyên gia Vasuki Shastry của Chatham House nhận định.

Lấy ví dụ trong ngành tivi-vốn từng làm nên tên tuổi Nhật Bản như Sony, Sharp. Dù đã thống trị thị trường nhưng những thương hiệu này lại không chuyển đổi thành công sang dạng tivi màn hình phẳng, không bắt kịp xu thế vì sự bảo thủ.

Trong khi đó sự cạnh tranh quá lớn, lợi nhuận giảm đã khiến những cái tên nhỏ hơn như JVC, Hitachi, Fujitsu, Toshiba rút khỏi thị trường thay vì đầu tư tìm hiểu thị trường ngách, phát triển công nghệ mới. Hậu quả là cuộc cách mạng màn hình phẳng khiến LG và Samsung của Hàn Quốc trỗi dậy.

Tương tự, việc coi thường mảng khởi nghiệp khiến Nhật Bản bỏ lỡ tiếp cuộc cách mạng điện thoại thông minh. Trong khi Panasonic và Sony quá tập trung vào thị trường nội địa, bỏ qua những cải tiến công nghệ trên thế giới thì Apple bất ngờ xuất hiện với iPhone và chuỗi cung ứng của họ tại Trung Quốc.

Ngay cả khi smartphone thành xu thế với sự gia nhập của Google và Android, các hãng điện thoại Nhật cũng chậm chạp cải tiến để rồi bị Samsung của Hàn Quốc cho "hít khói".

Thời hoàng kim đã qua của Nhật Bản: Gặm nhấm nỗi đau với Sony, Panasonic, Toshiba, lặng nhìn Trung Quốc vượt mặt sau 30 năm - Ảnh 5.

Liệu ai còn nhớ đến những chiếc tivi "nét như Sony" này?

Thậm chí ngay cả các tập đoàn đã từng lọt vào Global 500 của Nhật Bản cũng đã "ngồi" ở đó suốt nhiều thập niên mà chẳng có lấy một cái tên mới nào gia nhập.

"Việc thiếu những tên tuổi khởi nghiệp mới khiến những cái tên Nhật Bản ngày càng biến mất trong bảng xếp hạng Global 500", chuyên gia Yamaguchi thừa nhận.

Thương hiệu gần đây nhất của Nhật Bản lọt vào danh sách này là Toyota Tsucho, hãng giao dịch thuộc tập đoàn Toyota và mới chỉ quay lại bảng xếp hạng cách đây 6 năm. Trên tổng số, thương hiệu này nằm trong Global 500 được khoảng 15 năm.

Trái ngược lại, hàng loạt những tên tuổi của Mỹ hay Trung Quốc mới xuất hiện và bùng nổ mạnh mẽ. Lấy ví dụ như Tesla, đế chế xe điện của nhà Elon Musk này mới chỉ xuất hiện trong Global 500 cách đây 3 năm nhưng đã leo lên vị trí 152, vượt qua 3/4 những cái tên đến từ Nhật Bản.

Trung Quốc trỗi dậy

Tại thời điểm Nhật Bản phải vật lộn với tăng trưởng giảm tốc và những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng bong bóng cuối thập niên 1980 thì Trung Quốc đã nhanh chóng trỗi dậy để chiếm chỗ.

Số công ty Trung Quốc góp mặt Global 500 đã tăng từ 3 cái tên năm 1995 lên 135 thương hiệu hiện nay, đồng thời vượt qua rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cả về quy mô, doanh thu lẫn tầm ảnh hưởng.

Không chỉ lấy mất vị thế nền kinh tế số 2 thế giới, đầu năm nay Trung Quốc còn vượt mặt Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới nhờ bắt kịp cuộc cách mạng xe điện.

Những cái tên như BYD (xếp hạng 212 trong Global 500) hay CATL (292) đã khiến ngay cả Tesla của Mỹ cũng phải dè chừng.

Thời hoàng kim đã qua của Nhật Bản: Gặm nhấm nỗi đau với Sony, Panasonic, Toshiba, lặng nhìn Trung Quốc vượt mặt sau 30 năm - Ảnh 6.

Đầu VHS huyền thoại của Panasonic

Trong khi đó, hãng xe hơi lớn nhất thế giới Toyota của Nhật Bản thì đã phải thay đổi giám đốc điều hành Akio Toyoda vì sự chậm trễ trong cuộc đua ô tô điện.

Đến thời điểm hiện tại, hãng xe này vẫn chưa có một sản phẩm xe điện nào thực sự cạnh tranh được trên thị trường ngoài dòng BZ4X từng bị hoãn sản xuất vì lỗi.

Thế rồi việc Trung Quốc bắt kịp làn sóng dịch chuyển sản xuất thuê ngoài (Outsourcing) từ các nhà máy Phương Tây, thu hút được các hãng sản xuất điện thoại như Apple mở nhà máy làm điện thoại thông minh iPhone cho đến công nghệ chip, bán dẫn cùng vô số cuộc cách mạng máy móc thiết bị khác đã khiến nền kinh tế này bỏ rơi Nhật Bản ở nhiều mặt.

Mặc dù Trung Quốc có lợi thế hơn về dân số, tài nguyên và sức tiêu dùng nhưng không thể phủ nhận rằng chiến lược đúng đắn của chính phủ khi đầu tư cho khởi nghiệp đã giúp các tập đoàn Trung Quốc trỗi dậy nhanh chóng, thay thế những cái tên xưa cũ của Nhật Bản.

Đồng Yên yếu

Tờ Fortune nhận định một yếu tố nữa khiến các tên tuổi Nhật Bản yếu thế hiện nay là đà giảm giá của đồng Yên, từ 112 Yên đổi 1 USD lên 135 Yên/USD trong năm tài khóa 2021-2022. Chính điều này đã khiến doanh thu của các tập đoàn Nhật Bản mất 20% giá trị chỉ tính riêng quy đổi tỷ giá.

Ví dụ doanh thu 274 tỷ USD của Toyota Motor năm 2022 nếu quy đổi theo tỷ giá năm 2021 sẽ tương đương 331 tỷ USD, thừa sức lọt vào top 10 hãng có doanh thu cao nhất thế giới.

Tuy nhiên đồng Yên yếu không chỉ khiến doanh thu quy đổi bằng USD giảm mà còn khiến nền kinh tế nước này đối mặt nhiều thách thức.

Ban đầu, Nhật Bản muốn duy trì đồng Yên yếu để tạo lợi thế cạnh tranh về giá cho hàng xuất khẩu, thế nhưng điều này đồng nghĩa họ cũng sẽ phải nhập khẩu với mức giá cao hơn các nguyên liệu, năng lượng, thực phẩm... cho sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Thời hoàng kim đã qua của Nhật Bản: Gặm nhấm nỗi đau với Sony, Panasonic, Toshiba, lặng nhìn Trung Quốc vượt mặt sau 30 năm - Ảnh 7.

Xin được nhắc là Nhật Bản không có nhiều tài nguyên nên phần lớn nguyên liệu, năng lượng cho sản xuất hay lương thực, sản phẩm tiêu dùng sẽ phải nhập khẩu từ các nhà máy ở nước ngoài.

Chính điều này đã làm chi phí sản xuất tăng cao, xói mòn lợi ích từ xuất khẩu nhờ đồng Yên yếu.

"Chuỗi cung ứng của Nhật Bản hiện nay là nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài, sản xuất gia tăng giá trị và xuất khẩu. Với cơ chế này thì chẳng có giá trị gia tăng nào được thêm nếu đồng nội tệ giảm giá", chủ sở hữu Tadashi Yanai của Fast Retailing (Uniqlo) nhận định.

Kẻ đi làm thuê

Sau thời hoàng kim của mình, nhiều tên tuổi lớn Nhật Bản giờ đây không phá sản thì lại đi làm thuê cho các hãng nước ngoài.

Ví dụ như Sony từng phải cung cấp linh kiện camera cho iPhone, Sharp cũng đã từng cung cấp màn hình cho điện thoại của Apple.

Panasonic thì từ bỏ mảng smartphone để tập trung vào đồ gia dụng, Sony thì hưởng lợi nhờ dòng máy chơi game PlayStation cùng ngành phim ảnh, âm nhạc ở Hollywood.

Đã có thời điểm nói đến máy tính, người ta không còn nhớ đến Toshiba hay Sony nữa mà là Levono của Trung Quốc. Nói về smartphone thì Huawei, Xiaomi của Trung Quốc lấn át hoàn toàn điện thoại Nhật Bản, còn xe điện thì BYD chiếm ưu thế rất lớn.

Thời hoàng kim đã qua của Nhật Bản: Gặm nhấm nỗi đau với Sony, Panasonic, Toshiba, lặng nhìn Trung Quốc vượt mặt sau 30 năm - Ảnh 8.

Ngay cả mảng tivi từng là niềm tự hào Nhật Bản thì nay TCL của Trung Quốc cũng đang trỗi dậy nhanh chóng.

Như một hệ quả tất yếu, chuyên gia phân tích Stephen Baker của NPD Group nói thẳng: "Mọi người đều nhận ra rằng những ngày tháng hoàng kim trước kia của các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không quay trở lại nữa".

*Nguồn: Fortune

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại