Triều đại nhà Thanh (Trung Quốc) là một trong triều đại nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất. Cuộc sống trong cung cấm, chân dung các vị vua, hoàng tử, phi tần... được khắc họa một cách rõ nét qua hàng loạt bộ phim đình đám.
Tuy nhiên, có những thứ mà phim ảnh đôi khi cũng không lột tả hết được. Đơn cử như việc học hành của các hoàng tử thời nhà Thanh. Nhiều người cho rằng đã là con vua thì dù được sủng ái ít hay nhiều vẫn sướng hơn dân thường, và đương nhiên cái gọi là áp lực học hành với họ cũng hoàn toàn không tồn tại.
Nhưng sự thực đã chứng minh điều ngược lại. Các tài liệu lịch sử cho thấy thời gian biểu học tập của các hoàng tử nhà Thanh thậm chí còn căng thẳng, mệt mỏi gấp bội lần thế hệ học sinh hiện tại.
1. Giờ học
Theo quy định tại triều Thanh, các hoàng tử bắt đầu đi học từ năm 6 tuổi (tính cả tuổi mụ). Thời gian học của hoàng tử được gọi là "mão nhập thân xuất", tức là từ 5 giờ sáng đến 3 giờ chiều, tổng cộng 10 tiếng đồng hồ.
Các hoàng tử thời nhà Thanh phải học 10 tiếng/ngày và chỉ được nghỉ 5 ngày/năm
Trong suốt một năm, các hoàng tử chỉ được nghỉ vào dịp Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, lễ Vạn thọ (sinh nhật của vua), lễ Tự thọ (sinh nhật của chính hoàng tử). Thậm chí, các hoàng tử còn không được nghỉ giao thừa. Nói một cách đơn giản, các hoàng tử nhà Thanh chỉ có 5 ngày nghỉ/năm.
Ở một diễn biến khác, mặc dù các lớp học bắt đầu vào 5 giờ sáng nhưng các hoàng tử cần phải đến thư phòng lúc 4 giờ sáng để xem lại bài tập của ngày hôm trước và chuẩn bị chờ thầy giáo đến. Với mỗi một từ mới, các hoàng tử cần phải viết 100 lần. Còn với đoạn văn, các hoàng tử phải đọc 120 lần.
2. Giờ nghỉ trưa
Đến giờ ăn trưa, thị vệ mang thức ăn lên, thầy giáo ăn trước, các hoàng tử ngồi ở bên và ăn sau.
"Nếu như đến giờ ăn vẫn chưa làm xong bài tập hoặc đang bị phạt thì trừ khi được thầy giáo cho phép đi ăn, nếu không nô tỳ, thái giám cũng không dám thúc giục chủ nhân của mình", trích "Trúc Song bút ký" của Thuần Thân Vương.
Các hoàng tử chỉ được phép ăn trưa sau khi làm xong bài tập và được thầy giáo cho phép
Nếu các hoàng tử không hoàn thành bài tập hoặc bị phạt vì làm bài không tốt, họ sẽ chỉ được đi ăn sau khi thầy giáo cho phép và không ai dám giục. Sau khi ăn xong, các hoàng tử cũng không được nghỉ ngơi mà phải tiếp tục ngồi học.
3. Các môn học
Kinh sử, sách luận, toán học, thi từ, ca phú, thư họa, tiếng Mãn Châu, tiếng Mông Cổ, tiếng Hán là những môn học bắt buộc đối với các hoàng tử nhà Thanh.
Bản thân vua Khang Hy đã viết 80 - 90 chuyên luận về khoa học tự nhiên, đích thân phê duyệt nhiều cuốn sách về lịch sử. Ông thông thạo nhiều ngôn ngữ như tiếng Mãn Châu, tiếng Hán, tiếng Mông Cổ, tiếng Tây Tạng,... Các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Nga, Latin... cũng được Khang Hy nắm rõ.
Cháu trai của Khang Hy là vua Càn Long có khả năng học thuộc Tứ Thư Ngũ Kinh từ năm 14 tuổi, được đánh giá là có thiên phú về khoản văn chương thời bấy giờ.
Phổ Nghi, vị vua cuối cùng của nhà Thanh cũng gây ấn tượng khi có thể dịch Tứ Thư Ngũ Kinh sang tiếng Anh. Trong phiên tòa xét xử tại Tokyo năm 1945, Phổ Nghi đã trả lời trôi chảy các câu hỏi tiếng Anh của thẩm phán mà không cần đeo tai nghe phiên dịch.
Bên cạnh đó, vì nhà Thanh là triều đại "mã thượng đắc thiên hạ" (tức: có được thiên hạ trên lưng ngựa) nên việc huấn luyện võ thuật, bắn cung, cưỡi ngựa cho các hoàng tử, hoàng tôn rất được coi trọng.
Ngoài học văn hóa, các hoàng tử phải học thêm các bộ môn võ thuật như cưỡi ngựa, bắn cung...
Sau khi tan học buổi chiều, ăn xong bữa tối, các hoàng tử tròn 14 tuổi trở lên phải tham gia các lớp học thể chất bao gồm cưỡi ngựa và bắn cung như vậy. Ngoài các ngón võ trên lưng ngựa, lớp học "võ công" của hoàng tử nhà Thanh còn bao gồm quyền Anh, bắn súng, dùng đao kiếm, vũ khí nóng...
4. Địa điểm học
Vào những năm Ung Chính đầu tiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của hoàng tử, trong cung đã xây riêng một thư phòng gọi là "Thượng (尚) thư phòng", sau được gọi chung là "Thượng (上) thư phòng".
Thượng thư phòng nằm ở phía bên trái Càn Thanh Môn của Cung Càn Thanh thuộc Tử Cấm Thành ngày nay. Sở dĩ Thượng thư phòng được đặt ở đây là vì vị trí này thuận tiện cho vua kiểm tra các hoàng tử bất cứ lúc nào.
Phòng học được bố trí sát cung vua để tiện cho vua kiểm tra việc học hành của các con, cháu
Tổng kết thời gian biểu học tập của hoàng tử nhà Thanh:
1. Ít ngày nghỉ
Học 10 tiếng/ngày, nghỉ 5 ngày/năm.
2. Nhiều môn học
Hàng loạt môn học trải dài ở đủ các lĩnh vực từ cổ chí kim, từ trong nước đến ngoài nước, từ học văn hóa đến thể chất, đức trí thể mỹ...
3. Cường độ học tập rất căng
Phải ghi chép và học thuộc hàng trăm lần.