Theo ông nhận định, đây chính là bức "huyết thư" của mình gửi đến Hội Nhạc sĩ Việt Nam và toàn bộ hội viên Trung tâm. Liệu ông sẽ quay lại tập trung cho nghiệp sáng tác?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ảnh: TL
Năm 2017 phân phối gần 78 tỷ đồng?
“Trong suốt 18 năm hoạt động trong lĩnh vực quyền âm nhạc, tôi đã dành hết tâm huyết và trách nhiệm của mình cho việc xây dựng một tổ chức quản lý tập thể hoạt động sao cho có kết quả tốt nhất trong hoàn cảnh thực tế của đất nước cũng như những điều kiện khó khăn cụ thể của Trung tâm.
Đến nay, tôi thấy cần phải trở lại với trách nhiệm của một nhạc sĩ trong hoạt động sáng tác âm nhạc của mình và trao lại trách nhiệm cho thế hệ tiếp theo”, đó là một trong những nội dung nhạc sĩ Phó Đức Phương đọc tại Lễ tổng kết năm 2017 của VCPMC.
Trình bày “tâm thư” khoảng 7 phút, nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định, qua thời gian dài hoạt động, vượt qua rất nhiều khó khăn, VCPMC ngày một phát triển, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Bản thân nhạc sĩ, với 2 năm hoạt động trong Ban Vận động thành lập Trung tâm và 18 năm hoạt động trên lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.
Như thông tin Báo Gia đình & Xã hội đăng tải trước đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng đề đạt nguyện vọng mong Ban Thường vụ Hội Nhạc sĩ Việt Nam cân nhắc bổ nhiệm nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm VCPMC kiêm Giám đốc Trung tâm VCPMC chi nhánh phía Nam) thay mình đảm nhận vị trí Giám đốc VCPMC.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng hoa và Bằng khen cho nhạc sĩ Phó Đức Phương về những cống hiến của ông trong công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc.
Chia sẻ với báo giới, tác giả “Chảy đi sông ơi” cho biết, mặc dù thôi chức Giám đốc VCPMC nhưng ông vẫn gắn bó với các hoạt động và có thể ông sẽ đảm nhận vị trí cố vấn Trung tâm.
Nhận định về những đóng góp của nhạc sĩ Phó Đức Phương và Trung tâm VCPMC, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Trong suốt 15 năm qua, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm và là người rất quyết liệt trong công việc thực thi bản quyền âm nhạc.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng quyết định tặng Bằng khen cho nhạc sĩ Phó Đức Phương vì có nhiều đóng góp cho việc đòi lại quyền lợi cho các nhạc sĩ”.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động của VCPMC, nhạc sĩ Phó Đức Phương từng nhận nhiều ý kiến trái chiều về những quyết định bị cho là “vô lý”, trong đó nổi cộm là yêu cầu thu phí tác quyền âm nhạc ở tivi khách sạn.
Mới đây, nhạc sĩ An Hiếu (con trai cố nhạc sĩ An Thuyên) cũng chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội thông tin gửi thư đến VCPMC yêu cầu xin rút toàn bộ tác phẩm của anh và cha mình để tự khai thác vì cảm thấy cách trả tiền tác quyền của VCPMC là bất hợp lý.
“Yêu” Phó Đức Phương với tư cách nhạc sĩ hơn!
Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội về việc nhạc sĩ Phó Đức Phương thôi giữ chức Giám đốc VCPMC, nhạc sĩ Phạm Việt Long cho biết: “Cuộc sống luôn luôn vận động - sinh ra, phát triển, đào thải, thay thế.
Đó là quy luật, do vậy nếu có sự thay đổi về Giám đốc VCPMC cũng là việc bình thường. Có thể lưu luyến, theo xúc cảm của từng người. Tôi không dám nhận định mà chỉ nêu cảm tưởng cá nhân: Nhạc sĩ Phó Đức Phương có công lớn là đã nghĩ ra và thành lập, vận hành VCPMC.
Đó là nền móng quan trọng để chúng ta thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc. Nhờ vậy, nhiều nhạc sĩ đã nhận được quyền lợi mà trước kia chưa nhận được.
Là một người cũng được nhận tiền bản quyền từ VCPMC, tôi biết ơn nhạc sĩ Phó Đức Phương đã vất vả, nhiều khi căng thẳng, thậm chí có lúc bị tạo nên hình ảnh không mấy đẹp đẽ, cũng chỉ vì quyền lợi của các nhạc sĩ”.
Hỏi cảm nghĩ của nhạc sĩ Phạm Việt Long về chân dung nhạc sĩ Phó Đức Phương ở hai vai trò: Tác giả của những ca khúc nổi tiếng và Giám đốc VCPMC, “vai” nào tốt hơn, nhạc sĩ Phạm Việt Long thẳng thắn: “Tôi yêu Phó Đức Phương với tư cách một nhạc sĩ hơn nhiều.
Thời chiến tranh, giữa chiến trường Trung Trung Bộ ác liệt, tôi xem Đoàn Văn công Quân khu V biểu diễn bài hát “Những cô gái quan họ” của Phó Đức Phương mà rưng rưng nghĩ: Tại sao cuộc sống có những giá trị đẹp đẽ và lớn lao nhường này mà cứ bị kẻ xấu đem bom đạn đến tàn phá?
Và tôi có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, ác liệt để cùng quân dân ta giành lại độc lập cho đất nước.
Bây giờ, tôi vẫn thèm được đón nhận những tác phẩm âm nhạc hay nữa của Phó Đức Phương. Giá như nhạc sĩ dành thời gian nhiều hơn cho sáng tác thì chắc chắn ông sẽ có thêm những tác phẩm để đời”.
Tính tới nay, số thành viên của VCPMC là 3.749 người. Trong năm 2017, tổng số tiền bản quyền âm nhạc đã thu được và đã trừ thuế là 83.192.172.145 đồng.
Lĩnh vực thu được nhiều tiền nhất là website, ứng dụng nhạc (gần 19 tỷ đồng), Karaoke, phòng thu âm (trên 9 tỷ đồng), biểu diễn (gần 8 tỷ đồng).
Riêng chi nhánh phía Nam đạt mức thu trên 59 tỷ đồng. Cũng trong năm 2017, số tiền mà VCPMC phân phối tới các tác giả là gần 78 tỷ đồng, tỷ lệ phân phối thành công là hơn 90%.