Trong bối cảnh già hoá dân số, tỷ lệ sinh giảm sâu, thiếu hụt nhân lực trầm trọng, Nhật Bản đang đẩy mạnh việc đưa Robot vào trong các dịch vụ như ẩm thực, giáo dục, điều dưỡng.
Quán cafe R chính thức đưa robot R vào hoạt động từ năm 2019, với mục đích giải quyết việc thiếu hụt lao động và tạo ra điểm mới lạ trong dịch vụ. Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19, hơn bao giờ hết, "cô robot" này lại phát huy tác dụng triệt để khi giải quyết được những khó khăn lớn cho các quán ăn: thực hiện giãn cách, hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa con người với con người, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cuối cùng là thay thế nguồn lao động con người.
Ông Suga Tsugio - Chủ tịch tập đoàn Hakka, Nhật Bản - cho biết: "Về mặt kinh doanh, robot khắc phục được việc thiếu hụt nhân lực. Nó hoàn toàn thay thế được một nhân viên trong cửa hàng chúng tôi. Từ khi bắt đầu đại dịch, robot này còn giúp chúng tôi "giao tiếp" với khách, hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm. Chính bởi vậy, dịch vụ ẩm thực của chúng tôi vẫn có thể duy trì như bây giờ".
Năm 1968, robot đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Nhật Bản và ngay sau đó robot gò, hàn, sơn, lắp ráp… phát triển mạnh mẽ trong các công xưởng. Từ đó, Nhật Bản được gọi là cường quốc robot. Đến những năm 2019 - 2020, robot đã dần xuất hiện nhiều hơn trong ngành dịch vụ Nhật Bản. COVID-19 đã khiến hình thái phục vụ thay đổi. Người dân Nhật Bản không chỉ có cơ hội trải nghiệm sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà còn an tâm khi sử dụng dịch vụ trong mùa dịch.
Trong tương lai, với sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo AI, robot được kỳ vọng sẽ trở thành người bạn và cũng là nguồn cung cấp lao động tích cực cho sự phát triển của Nhật Bản.
Cùng với chủ trương "sống chung với COVID-19", các nhà hàng, quán ăn nói riêng, ngành dịch vụ Nhật Bản nói chung có xu hướng đưa robot vào sử dụng. Theo các chuyên gia dự đoán, việc con người làm việc chung với robot không chỉ là tương lai gần mà đang hiện thực hóa tại đất nước Nhật Bản này.