Vài năm trong điều kiện bị cô lập hoàn toàn nhằm phòng chống dịch đã mang tới sự khó khăn cho nền kinh tế thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Quyết định chính thức của Bắc Kinh với việc mở lại biên giới cho người dân và nhà đầu tư nước ngoài, thông qua nới lỏng các hạn chế đối với doanh nghiệp hứa hẹn sẽ thổi luồng sinh khí mới vào nền thương mại thế giới.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ PolitExpert (PE), nhà khoa học chính trị người Nga - ông Boris Podoprigora đã trích dẫn và bình luận những dự báo được truyền thông Trung Quốc công bố vào cuối năm ngoái.
“Một số tài liệu mang tính bước ngoặt nói rằng với việc tái mở cửa biên giới, sự bùng nổ kinh tế sẽ bắt đầu. Ngoài ra còn có những cân nhắc kỹ lưỡng trong vấn đề này. Tuy nhiên giới lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ra nhiệm vụ tăng trưởng GDP 5% vào năm 2023 và rất có thể họ sẽ đạt được con số này".
"Điều nghi ngờ đó là không có thông tin rõ ràng về cách tính chỉ số tương ứng trong hai năm qua. Nếu mức giảm GDP thực sự lên tới 3,8%, thì 5% là một con số rất lớn. Nếu mức giảm vào khoảng 4,5% thì người dân Trung Quốc sẽ không khó để đạt tới con số 5%”, người đối thoại của tờ PE nói.
Nga sẽ thu lợi lớn từ việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế.
Nga tất nhiên rất quan tâm đến tình hình Trung Quốc khi Moskva có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng. Sau khi các hạn chế được dỡ bỏ, tăng trưởng kinh tế sẽ khó lòng đạt được nếu sản lượng dầu, khí đốt không tăng tương ứng để đáp ứng nhu cầu khôi phục cũng như mở rộng sản xuất.
Các quốc gia sản xuất dầu dường như không có kế hoạch tăng khối lượng và sẽ cố gắng thu lợi từ tình hình hiện tại. Do vậy, sự cạnh tranh về nguồn năng lượng sẽ ngày càng lớn - ai trả nhiều tiền hơn, người đó sẽ có hợp đồng. Giờ đây với sự phục hồi của nền kinh tế, có thể dự đoán nhu cầu dầu - khí từ Nga sẽ tăng lên, nhà nghiên cứu chắc chắn.
“Nhưng ở đây, bản thân chúng ta cần hiểu rõ mọi con số của Trung Quốc. Đối với tôi, dường như nên chú ý nhiều hơn đến việc Bắc Kinh chấp nhận sử dụng Tuyến đường biển phương Bắc".
"Đối với tôi, dường như những lập luận của họ có thể được tính đến ở cấp độ địa chính trị. Bản thân phía Trung Quốc nói rằng tài nguyên năng lượng rất quan trọng đối và họ sẽ mua chúng, ở đây nước Nga tiếp cận từ quan điểm lợi nhuận".
"Nhưng nếu bạn muốn hợp tác lâu dài, thì đừng để phát sinh những vướng mắc. Đối với Tuyến đường biển phương Bắc, chúng ta hãy cùng nhau phát triển nó", chuyên gia Podoprigora đề xuất.
Cần lưu ý, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Liên bang Nga - Đại tướng Valery Gerasimov chắc chắn rằng Hoa Kỳ sẽ tranh chấp quyền sử dụng Tuyến đường biển phương Bắc, khi cáo buộc Washington quân sự hóa Bắc Cực.
Tuyến đường biển phương Bắc và Con đường tơ lụa mới - từ lâu đã được nhiều quốc gia quan tâm, nhưng trước hết, nó sẽ được Moskva tích cực sử dụng để đưa tài nguyên đến các quốc gia châu Á.
Theo PolitExpert