Với việc đề án "Đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 4/2023, các địa phương bắt đầu tăng tốc với nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội sẽ là phân khúc có sự tăng trưởng mạnh mẽ, là sản phẩm chủ đạo, đứng đầu về số lượng trên thị trường trong năm 2024 và 5 năm tiếp theo.
Số liệu từ báo cáo Bộ Xây dựng, tổng số lượng dự án nhà xã hội đăng ký hoàn thành trong năm 2024 mà các địa phương đã đăng ký là 108 dự án, với số lượng khoảng 47.500 căn hộ. 3 địa phương dẫn đầu cả nước về mục tiêu hoàn thành nhà ở xã hội là Bắc Ninh, Bình Dương và Hải Phòng. Bắc Ninh có 5 dự án (quy mô 6.000 căn hộ), Bình Dương với 20 dự án (quy mô 4.500 căn hộ), Hải Phòng có 8 dự án (quy mô khoảng 4000 căn hộ).
Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tổng khoảng 5.000 căn hộ nhà ở thu nhập thấp, Hà Nội đăng ký hoàn thành 3 dự án với gần 1.200 căn hộ, còn TP Hồ Chí Minh có 6 dự án với quy mô khoảng 3.800 căn hộ.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội, trong điều kiện hạn chế về nguồn cung và giá sơ cấp ở ngưỡng cao, cơ hội đối với người có nhu cầu mua ở thực có thể nằm ở thị trường thứ cấp.
Thị trường thứ cấp có ưu điểm về khả năng mua được với nhiều lựa chọn, phù hợp với khả năng chi trả và pháp lý đảm bảo hơn.
Đồng thời, người mua nhà có thể kỳ vọng vào nguồn cung mới đến từ cơ sở hạ tầng phát triển. Các dự án đầu tư hạ tầng như đường Vành đai 3,5 và 4 sẽ mở rộng thị trường nhà ở Hà Nội, hướng tới không tập trung nguồn cầu ở các khu vực nội thành, khu vực trung tâm. Cơ sở hạ tầng phát triển sẽ thúc đẩy nhu cầu nhà ở ra các tỉnh và khu vực lân cận với giá cả hợp lý và quỹ đất lớn hơn.
Nguồn cung nhà ở tại TP HCM, Hà Nội năm nay đều tăng
Báo cáo của Savills cũng cho rằng, đây là điểm tích cực đối với nguồn cung, khi sản phẩm nhà ở tại các khu vực ngoài trung tâm và các tỉnh lân cận sẽ ngày càng giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở của Hà Nội.
Theo đó, trong năm 2024, thị trường sẽ đón nhận thêm 12.100 căn hộ mới, với 87% thị phần nằm tại các quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và Hà Đông. Hưng Yên và Bắc Ninh sẽ cung cấp khoảng 203.000 căn hộ từ năm 2024 đến năm 2026.
Đến năm 2026, phân khúc thấp tầng dự kiến sẽ có 14.000 căn mới từ 37 dự án. Các dự án lớn như Vinhomes Cổ Loa hay Vinhomes Wonder Park sẽ cung cấp thêm nguồn cung thấp tầng mới cho thị trường.
Savills Việt Nam dự báo trong năm 2024, nguồn cung mới căn hộ tại TP HCM sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2023.
Căn hộ hạng B sẽ chiếm 44% thị phần từ các dự án như Vinhome Grand Park, The Opus One, Eaton Park và The Aurora, còn lại nguồn cung căn hộ hạng A sẽ chiếm 37%, căn hộ hạng C sẽ chỉ chiếm 19% thị phần.
Trong báo cáo triển vọng đầu tư tháng 2, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, các "nút thắt" đang dần nới lỏng được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản có sự phục hồi từ nửa cuối năm 2024.
Ở góc độ vốn, mặt bằng lãi suất vay giảm, trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các chủ đầu tư và có thể hỗ trợ nhu cầu mua nhà.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, việc "nới" tín dụng là rất cần thiết nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp bất động sản, vốn đã ở trong tình thế khó và lại chuẩn bị đối diện với "cơn bão" đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024.
"Lãi suất giảm kỳ vọng giúp nhu cầu mua bất động sản sẽ cải thiện, từ đó hỗ trợ dòng tiền của các chủ đầu tư. Chúng tôi tin rằng thị trường bất động sản nhà ở đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ cho thấy sự phục hồi rõ nét hơn từ nửa cuối năm 2024", nhóm phân tích VNDirect đánh giá.