Sự phổ biến của sầu riêng Việt Nam tại Trung Quốc chỉ là một phần trong “cơn sốt” xuất khẩu trái cây Đông Nam Á sang Trung Quốc. Các loại trái cây nhiệt đới như sầu riêng, xoài, thanh long đều được nhập khẩu vào Trung Quốc từ Đông Nam Á. Nhiều công ty Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á ký hợp đồng với các vườn cây ăn trái, cuối cùng nhập trái cây chất lượng cao sang Trung Quốc, tham gia lực lượng “người vận chuyển trái cây”.
Lô sầu riêng tươi đầu tiên của Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị. Ảnh: people.cn
Thị trường Trung Quốc vẫn ‘khát’ trái cây
Là một nước nông nghiệp lớn nên sản lượng trái cây của Trung Quốc cũng rất đáng kể. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng trái cây của nước này vào năm 2021 đạt 299,7 triệu tấn, bao gồm 11,7 triệu tấn chuối, 46 triệu tấn táo, 56 triệu tấn cam quýt và 18,9 triệu tấn lê.
Đồng thời, Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ trái cây lớn. Theo dữ liệu của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư CIC (Trung Quốc), quy mô thị trường bán lẻ trái cây tươi của nước này đã tăng từ 939 tỷ nhân dân tệ (CNY, 129,6 tỷ USD) năm 2017 lên 1340 tỷ CNY (185 tỷ USD) vào năm 2021, thể hiện tốc độ tăng trưởng kép hàng năm xấp xỉ 9,2%. CIC dự đoán rằng, quy mô thị trường bán lẻ trái cây tươi của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên 2070 tỷ CNY (285,7 tỷ USD) vào năm 2026.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn ‘khát’ trái cây. Một mặt, mức tiêu thụ trái cây bình quân đầu người tại Trung Quốc vẫn còn tương đối thấp. Theo "Báo cáo nghiên cứu khoa học về hướng dẫn chế độ ăn uống cho cư dân Trung Quốc (2021)" , mức tiêu thụ trái cây trung bình hàng ngày của người dân thành thị Trung Quốc vào năm 2021 (có mức tiêu thụ cao hơn người dân các vùng khác) chỉ là 55,7 gam, thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị là 200-350 gam.
Mặt khác, phần lớn đất đai ở Trung Quốc thuộc vùng ôn đới, diện tích đất có khả năng trồng cây ăn quả nhiệt đới tương đối ít, sản lượng cây ăn quả chủ yếu là cây ăn quả vùng ôn đới. Trái cây nhiệt đới như sầu riêng và xoài phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu.
Với việc tìm kiếm các loại trái cây đa dạng hơn nhằm nâng cao tiêu dùng và quan tâm đến sức khỏe của chính mình, nhu cầu về trái cây nhập khẩu của người tiêu dùng Trung Quốc đang dần tăng lên.
Theo dữ liệu từ Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Thực phẩm, Sản phẩm Bản địa và Chăn nuôi Trung Quốc, vào năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu trái cây và sản phẩm làm từ trái cây của nước này đạt 15,3 tỷ USD, tăng 7,71% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng nhập khẩu đạt 7,7 triệu tấn, giảm 6,16% so với cùng kỳ năm trước.
10 quốc gia và khu vực dẫn đầu về khối lượng nhập khẩu vào Trung Quốc là Thái Lan, Chile, Việt Nam, Philippines, New Zealand, Peru, Campuchia, Nam Phi, Indonesia và Malaysia, chiếm 90,93% tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc. Trong đó, thị trường nhập khẩu quan trọng nhất là Thái Lan với kim ngạch nhập khẩu đạt 6,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 40,48%.
Trang tin TMTpost nhận định, rõ ràng, trong số các nguồn nhập khẩu trái cây của Trung Quốc, Đông Nam Á đã trở thành nguồn cung cấp trái cây nhập khẩu chính do có nhiều trái cây nhiệt đới và vị trí địa lý liền kề.
Trong quá trình nhập khẩu trái cây, một số công ty Trung Quốc đã đóng vai trò “người vận chuyển trái cây”, ký hợp đồng với các vườn cây ăn trái ở các nước Đông Nam Á, đưa trái cây nhiệt đới chất lượng cao từ Đông Nam Á sang Trung Quốc tiêu thụ.
Các loại trái cây nhiệt đới được bày bán trong siêu thị tại Trung Quốc. Ảnh: Sina
“Người vận chuyển” trái cây Đông Nam Á
Theo trang tin TMTpost, tại thị trường trái cây Trung Quốc, có ba doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường là Pagoda ở phía Nam, Xianfeng Fruit ở phía Bắc và Hongjiu Fruit ở phía Tây. Tuy nhiên, hai đơn vị đầu tiên đang tham gia thị trường bán lẻ trái cây, chủ yếu bán cho người tiêu dùng bình thường; chỉ có Hongjiu Fruit tham gia phân phối trái cây cao cấp, và trái cây được bán cho các nhà bán buôn đầu cuối, nhà bán lẻ mới nổi, siêu thị và bán hàng trực tiếp.
Để mua trái cây từ Đông Nam Á, Hongjiu Fruit vận hành 16 nhà máy chế biến trái cây ở Việt Nam và Thái Lan, sử dụng gần 400 lao động ở hai nước này. Năm 2019, Hongjiu Fruit có hơn 4.000 nhà vườn hợp tác dài hạn ở Việt Nam và Thái Lan.
Theo số liệu của CIC, dựa trên doanh thu bán hàng năm 2022, Hongjiu Fruit là nhà phân phối trái cây số 1 tại Trung Quốc; tính trên doanh thu bán hàng của các ngành hàng tương ứng, Hongjiu Fruit là nhà phân phối trái cây Đông Nam Á lớn nhất Trung Quốc, đồng thời là nhà phân phối sầu riêng lớn nhất, nhà phân phối thanh long nhập khẩu lớn nhất, nhà phân phối nhãn nhập khẩu lớn thứ hai và là nhà phân phối dẫn đầu thị trường măng cụt, cherry nhập khẩu và nho nhập khẩu.
Dữ liệu báo cáo tài chính cho thấy, doanh thu vào năm 2022 của Hongjiu Fruit đạt 15,1 tỷ CNY (2,1 tỷ USD), tăng 46,7% so với cùng kỳ năm trước; 6 loại trái cây chính là sầu riêng, thanh long, nhãn, nho, anh đào và măng cụt có tổng doanh thu đạt 6,7 tỷ CNY (937 triệu USD), tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trang tin TMTpost nhận định, rõ ràng, nhập khẩu trái cây từ Đông Nam Á là một ngành kinh doanh béo bở.
Tuy nhiên, mặc dù Hongjiu Fruit đã trở thành nhà phân phối số một nhưng thị phần của doanh nghiệp này chỉ chiếm chưa đến 2% tại Trung Quốc. Tại thị trường trái cây trị giá trăm tỷ USD này, vẫn có nhiều doanh nghiệp làm “người vận chuyển” trái cây Đông Nam Á.
Là đại gia bán lẻ trái cây, Pagoda cũng có nhu cầu nhập khẩu trái cây. Theo báo cáo công khai, Pagoda và Thái Lan đã có gần 20 năm hợp tác thương mại, mở rộng từ bán buôn sầu riêng ban đầu sang bán buôn măng cụt, nhãn, bưởi, dừa, dứa, chuối... Các nhà cung cấp của Pagoda có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 30 nhà máy đóng gói tại Thái Lan.
Năm 2019, nhóm ngành thực phẩm tươi sống của tập đoàn Suning (Trung Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác với phía Việt Nam để bao tiêu 20.000 mẫu thanh long ruột trắng và 10.000 mẫu thanh long ruột đỏ tại nước ta; đồng thời ký hợp đồng bao tiêu 20 triệu trái dừa non, 20 triệu trái sầu riêng và 20 triệu kg măng cụt tại Thái Lan.
Cùng năm đó, mạng lưới cửa hàng tạp hóa Freshippo thuộc sở hữu của tập đoàn Alibaba đã ký hợp đồng bao tiêu 500 mẫu vườn cây ăn trái tại Malaysia. Vào tháng 4 năm nay, Freshippo đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với 13 tập đoàn bán lẻ nổi tiếng thế giới, các thương hiệu quốc tế, hiệp hội toàn cầu và các công ty tư vấn. Đồng thời, Freshippo cũng thông báo sẽ thành lập 8 trung tâm mua sắm trên khắp thế giới.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, 33 nhà bán lẻ nước ngoài đã hợp tác với Freshippo. Tại sự kiện "Mua sắm trên nền tảng hương mại điện tử điện toán đám mây con đường tơ lụa" diễn ra từ ngày 10 đến 20/5 vừa qua tại Thượng Hải, Freshippo đã ký kết các thỏa thuận hợp tác thương mại hàng hóa với 6 quốc gia đối tác bao gồm: Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Síp, Nga và Ý.
Ngoài ra, còn có nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ tại Trung Quốc cũng nhận thầu vườn cây ăn trái ở Đông Nam Á để sở hữu nguồn cung trái cây chất lượng cao.