Thổi bột sắn, nhỏ nước gừng vào tai
Chị Nguyễn Thị Hà trú tại Nam Sách, Hải Dương đưa con gái 15 tháng tuổi lên tận Hà Nội khám vì cháu bị biến chứng viêm tai giữa nặng gây chảy mủ nặng và bé kèm theo triệu chứng sốt.
Chị Hà kể từ lúc 9 tháng mọc răng bé hay ốm liên miên và lúc nào cũng bị viêm mũi họng. Đưa con đi khám là bác sĩ kê kháng sinh. Chị trước đây học trung cấp dược ở Hải Dương nên cứ nghĩ cho con nhiều kháng sinh là sợ và chị bỏ đơn thuốc chỉ điều trị theo kiểu nhỏ nước muối sinh lý, vệ sinh nhưng cứ đỡ vài hôm bé lại ốm.
Lai rai vài tháng trời, tháng nào cũng có đợt ốm. Chị đưa bé đi nội soi bác sĩ bảo cháu viêm hô hấp trên và điệp khúc kháng sinh. Muốn nuôi con tự nhiên, bà mẹ này kiên quyết để bé tự sống chung với vi khuẩn.
"Em không muốn bé thế đã lệ thuộc vào kháng sinh nên chỉ cho bé uống các loại vitamin kèm theo chanh đào ngâm" – chị Hà kể.
Viêm tai giữa có thể ảnh hưởng tới nội sọ của trẻ
Đến khi bé sốt cao, bỏ ăn cho con đến khám tại Bệnh viện Hải Dương bác sĩ cho biết cháu bị viêm tai giữa có mủ phải chích thông dịch. Sợ ảnh hưởng tới thính lực của con, bà mẹ này lại ôm con về quê chữa theo kiểu tự nhiên đó là thổi bột sắn dây vào tai cho con để chữa viêm tai giữa vì ngày xưa các cụ ở quê vẫn chưa viêm tai giữa như thế.
Liên miên cả tháng viêm tai giữa chẳng khỏi, chị đành ôm con lên Hà Nội khám. Bác sĩ nội soi tai cho bé mà bất bình thay vì mẹ bé thổi bột sắn dây khiến dịch tai không thoát ra được viêm nặng lan sâu vào xương chũm (xương trong tai), ảnh hưởng đến dây thần kinh.
Các bác sĩ phải xử lý làm sạch tai, cho thuốc kháng sinh đặc trị, theo dõi kỹ. "May mắn, bệnh nhi được đưa tới bệnh viện kịp. Nếu chậm thêm vài hôm, viêm tai giữa sẽ biến chứng, ảnh hưởng nội sọ, có nguy cơ để lại di chứng thần kinh lâu dài, thậm chí tử vong.
Theo PGS Nguyễn Hoàng Sơn – Hội Tai mũi họng Hà Nội việc điều trị viêm tai giữa sai cách xảy ra phổ biến.
PGS Nguyễn Hoàng Sơn
PGS Sơn kể ông còn gặp cả trường hợp mẹ cháu bé lấy nước gừng nhỏ vào tai cho con trị viêm tai giữa khiến cháu bé bị giảm thính lực, khi khám chích dẫn lưu dịch trong tai thối khẳn như mùi cóc chết khiến bác sĩ cũng sợ.
PGS Sơn cho biết nếu không điều trị kịp thời thì cháu bé có thể bị điếc mà cha mẹ thì cứ thấy viêm tai giữa là thổi thuốc, đủ thứ bột này, bột kia vào tai cho con điều này khiến bệnh nặng hơn vì thuốc vào tai gây bít tắc lỗ tai các dịch trong tai không thoát ra ngoài được nên đóng mủ và biến chứng ngược vào nội sọ khiến bệnh nặng hơn.
Dấu hiệu và điều trị
PGS Nguyễn Thị Hoài An – Nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, bệnh viêm tai giữa phổ biến nhất trong các bệnh lý của tai, được xếp vào nhóm bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên cấp tính. Viêm tai giữa cấp có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán chính xác và điều trị hợp lý.
PGS An cho biết biểu hiện khi trẻ viêm tai giữa: chảy mủ tai và đau nên trẻ hay quấy khóc, đưa tay dụi hoặc cấu tai, chán ăn, nôn hoặc tiêu chảy, có thể sốt cao. Khi ấn vào vùng tai hoặc kéo vành tai bệnh nhi đau nhói. Trẻ nhỏ khóc thét. Ở trẻ lớn còn kêu đau đầu, nghe kém. Dấu hiệu đặc trưng của viêm tai giữa là soi thấy màng nhĩ đỏ, không di động hoặc căng phồng...
Hầu hết các bậc phụ huynh đều phát hiện khi con có kèm theo chảy mủ và đau tai.
PGS An cho biết bình thường viêm tai giữa xuất phát sau viêm mũi họng. Khoảng 2/3 số trường hợp viêm tai giữa cấp là do vi khuẩn trong đó hay gặp nhất là phế cầu, đó cũng chính là những vi khuẩn gây viêm phổi, vì thế phải dùng kháng sinh để điều trị ngay.
Khi bị viêm tai giữa, tuỳ vào từng điều kiện để các bác sĩ điều trị.
Bệnh lý viêm tai giữa cấp thường được chia làm ba giai đoạn: giai đoạn xung huyết, giai đoạn ứ mủ và giai đoạn vỡ mủ.
Nếu viêm tai giữa ở giai đoạn sung huyết chỉ cần điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân. Nếu viêm tai giữa chuyển sang giai đoạn ứ mủ thì việc trích rạch màng nhĩ dẫn lưu mủ được cân nhắc sử dụng đồng thời với các thuốc điều trị toàn thân khác như trong giai đoạn sung huyết.
Sang giai đoạn dịch mủ ứ đọng trong tai giữa sẽ tự phá vỡ phần mỏng nhất của màng nhĩ chảy ra ngoài qua ống tai ngoài màng nhĩ bị thủng. Giai đoạn này thì việc điều trị bằng cách làm thuốc tai cho trẻ rất có ý nghĩa.
Giai đoạn ứ mủ phải trích rạch hoặc giai đoạn vỡ mủ dùng kháng sinh toàn thân kết hợp với kháng sinh tại chỗ cần chọn nhóm thuốc an toàn cho tai.
Điều cần nhớ việc chẩn đoán và điều trị phải được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa tại các cơ sở có chuyên khoa tai mũi họng.
Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc về điều trị mà không được thăm khám của các thầy thuốc chuyên khoa vì có thể để lại những di chứng do tai biến nặng nề của thuốc như điếc không hồi phục vì tác dụng của một số thuốc gây ngộ độc ốc tai có trong thành phần của thuốc nhỏ tai – PGS Sơn khuyến cáo.