Thoát Hoan dẫn 30 vạn quân đánh Đại Việt, 2 năm sau thất bại thảm hại, buộc phải rút lui

B.T sưu tầm, SGK Sử 7 |

Sai hai thất bại cay đắng, nhà Nguyên tiếp tục tiến đánh Đại Việt, quyết tâm cướp nước ta bằng được.

Nhà Nguyên xâm lược Đại Việt

Hai lần xâm lược Đại Việt đều bị thất bại, vua Nguyên càng tức giận nên quyết tâm đánh Đại Việt lần thứ ba để trả thù. Hốt Tất Liệt đình chỉ cuộc xâm lược Nhật Bản, tập trung lực lượng tiến công Đại Việt.

Trong lần xâm lược này, nhà Nguyên huy động hơn 30 vạn quân và nhiều danh tướng do Thoát Hoan làm Tổng chi huy. Ngoài ra còn có hàng trăm chiến thuyền, một đoàn thuyền lương chở hàng chục vạn thạch lương do tướng Trương Văn Hổ chỉ huy. Hốt Tất Liệt cũng căn dặn Thoát Hoan : "Không được cho Giao Chỉ là nước nhỏ mà khinh thường".

Thoát Hoan dẫn 30 vạn quân đánh Đại Việt, 2 năm sau thất bại thảm hại, buộc phải rút lui - Ảnh 1.

Lược đồ diễn biến cuộc kháng chiến lần thứ ba chống quân Nguyên (1287 - 1288)

Đứng trước nguy cơ bị xâm lược, vua Trần khẩn trương chuẩn bị đánh giặc.

Cuối tháng 12 - 1287, quân Nguyên ồ ạt tiến vào nước ta. Cánh quân bộ do Thoát Hoan chi huy vượt biên giới đánh vào Lạng Sơn, Bắc Giang.

Sau nhiều trận đánh chặn giặc ở các cửa ải và vùmg hiểm yếu, Trần Quốc Tuấn chủ trương rút quân khỏi Vạn Kiếp và một số nơi về vùng sông Đuống, chặn giặc kéo vào Thăng Long.

Ngay đầu năm, cánh quân do Thoát Hoan trực tiếp chỉ huy kéo đến chiếm đóng Vạn Kiếp và ra sức xây dựng nơi đây thành căn cứ vững chắc để định đánh lâu dài với quân ta.

Cùng lúc đó, đoàn thuyền chiến do tướng Ô Mã Nhi chỉ huy theo đường biển tiến vào nước ta, rồi ngược lên sông Bạch Đằng kéo đến Vạn Kiếp hội quân với quân Thoát Hoan.

Trận Vân Đồn tiêu diệt đoàn thuyền lương của Trương Vân Hồ

Ô Mã Nhi được giao nhiệm vụ bảo vệ đoạn thuyền lương của Trương Vân Hồ, nhưng cho rằng quân ta không thể ngăn cản được đoàn thuyền lương này nên đã tiến về hội quân ở Vạn Kiếp.

Trần Khánh Dư dự đoán khi đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi đi qua, có thể đánh được đoàn thuyền luơng nên đã bố trí một trận mai phục. 

Đúng như dự đoán, mấy ngày sau, khi đoàn thuyền lương của Trương Vân Hồ nặng nề, chậm chạp tiến qua Vân Đồn, liền bị quân của Trần Khánh Dư từ nhiều phía đổ ra đánh dữ dội. Phần lớn thuyền lương của địch bị đắm, số còn lại bị quân Trần chiếm.

"Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được..."..." nhiều không kể xiết, tù binh cũng rất nhiều"....

(Đại Việt sử ký toàn thư)

Chiến thắng Bạch Đằng

Cuối tháng 1 - 1288, Thoát Hoan chia quân làm ba đạo tiến vào chiếm đóng Thăng Long trống vắng vì nhân dân kinh thành đã thực hiện kế hoạch "vườn không nhà trống" của triều đình.

Chiếm được Thăng Long, Thoát Hoan cho quân tiến đánh các căn cứ của quân Trần và sai Ô Mã Nhi đem quân đuổi bắt hai vua Trần, nhưng thất bại. Hắn điên cuồng cho quân lính tàn sát dân chúng, đốt phá, cướp bóc và quật lăng mộ vua Trần Thái Tông ở phủ Long Hưng (Thái Bình).

Quân Nguyên không tiêu diệt được lực lượng kháng chiến của nhà Trần, trong khi đó nhiều nơi xung yếu bị quân dân ta tấn công chiếm lại. Quân giặc ra sức càn quét, cướp lương thực nhưng đều bị nhân dân ta đuổi đánh, đẩy chúng vào thế bị động, cạn kiệt lương thực. 

Thoát Hoan đóng quân ở Thăng Long có nguy cơ bị cô lập, tinh thần quân lính hoang mang, tuyệt vọng. Trước tình thế nguy khốn, Thoát Hoan quyết định rút quân lên Vạn Kiếp và từ đấy rút quân về nước theo hai đường thủy, bộ.

Thoát Hoan dẫn 30 vạn quân đánh Đại Việt, 2 năm sau thất bại thảm hại, buộc phải rút lui - Ảnh 2.

Lược đồ chiến thắng Bạch Đằng năm 1288

Nhận thấy thời cơ tiêu diệt quân Nguyên, giải phóng đất nước đã tới, vua Trần và Trần Quốc Tuấn quyết định mở cuộc phản công và tiến hành việc bố trí trận mai phục ở sông Bạch Đằng.

Bạch Đằng là một sông lớn do sông Đá Bạc, sông Giá và nhiều sông khác đổ vào. Dòng sông rộng khoảng 1 km (khi thủy triều lên), chạy qua địa phận huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng), rồi đổ ra biển. Trần Quốc Tuấn cho tìm hiểu con nước triều lên xuống hàng ngày và cắm cọc trên sông, bố trí các đạo quân mai phục.

Đầu tháng 4 - 1288, đoàn thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy có kị binh hộ tống rút về theo đường thủy trên sông Bạch Đằng. Khi thuyền chiến của Ô Mã Nhi tiến gần đến trận địa bãi cọc, một số thuyền nhỏ của quân Trần ra khiêu chiến rồi giả vờ thua chạy, quân giặc ra sức đuổi theo, lọt vào trận địa mai phục, đúng lúc nước triều xuống nhanh. 

Từ hai bờ, hàng nghìn chiến thuyền nhỏ của quân Trần đổ ra đánh, phá vỡ đội hình quân giặc. Bị đánh bất ngờ và quyết liệt, quân giặc hoảng hốt, tranh nhau tháo chạy ra biển, thuyền giặc xô vào bãi cọc đang nhô lên, bị ùn tắc, vỡ, đắm. 

Giữa lúc đó, hàng loạt bè lửa xuôi nhanh theo nước triều đang xuống, lao vào thuyền giặc. Những tên sống sót nhảy lên bờ liền bị quân bộ nhà Trần chờ sẵn tiêu diệt. Toàn bộ cánh thủy binh giặc bị tiêu diệt, Ô Mã Nhi bị bắt sống.

Cánh quân bộ, do Thoát Hoan chỉ huy, từ Vạn Kiếp theo huớng Lạng Sơn rút chạy về Quảng Tây (Trung Quốc). Trên đường tháo lui, chúng bị quân dân ta tập kích liên tiếp. Cuộc kháng chiến lần thứ ba chống quân Nguyên đã kết thúc thắng lợi vẻ vang.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr. 62-63-64-65.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại