Sân khấu Biển Đen
Động thái phô diễn quân sự rầm rộ sát biên giới Ukraine của Nga đang khơi mào cho một cuộc chiến quyền lực phức tạp với Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Đen, theo Nikkei Asia.
Tương tự như ở Caucasus năm ngoái, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang thể hiện sự ủng hộ linh hoạt giữa ngôn từ và hành động, khi gửi cho Ukraine thêm các máy bay không người lái bắn vũ trang.
Nga tuyên bố lực lượng lên đến gần 100.000 quân mà nước này triển khai tới gần biên giới Ukraine chỉ đơn giản là một cuộc tập trận, nhưng Tổng thống Vladimir Putin dường như cũng đang tận dụng “cuộc tập trận” để đạt được đòn bẩy với Washington.
Suy tính của ông chủ Điện Kremlin có vẻ đã thành công khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị một cuộc gặp thượng đỉnh với người mà gần đây ông vừa đưa ra những lời công kích thậm tệ.
Trong diễn biến vừa qua, không phải phương Tây mà chính Tổng thống Erdogan mới là người có hành động cụ thể nhất để đáp lại hành động thị uy của Nga – thứ được mô tả giống như một vụ nổ - khi mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới Istanbul vào đầu tháng này để tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược giữa họ.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục dùng máy bay không người lái như một công cụ địa chính trị
Đối với Tổng thống Erdogan, ông cần phải có sự đảm bảo rằng Nga không mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đen sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014. Crimea có vị trí chiến lược giống như chiếc mỏ neo của lục địa, nơi Moscow đã củng cố hạm đội tàu chiến và tàu ngầm, bên cạnh sự hiện diện của tên lửa đất đối không S-400 có khả năng vô hiệu hóa máy bay dọc theo đường bờ Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan cũng đang thúc đẩy kế hoạch trị giá 12,5 tỷ USD cho một tuyến đường thủy mới nối Biển Đen với Địa Trung Hải như một giải pháp thay thế cho eo biển Bosporus.
Cái gọi là kênh đào Istanbul này sẽ làm giảm áp lực lên eo biển Bosporus ngày càng tắc nghẽn; tăng doanh thu vận chuyển hàng hóa cho Thổ Nhĩ Kỳ và mang lại cho hải quân nước này sự linh hoạt hơn.
Trong khi mối lo ngại của quốc tế về khả năng xung đột đã giảm dần, Moscow vẫn duy trì lập trường về vấn đề Donbass và ngăn chặn nỗ lực gia nhập các tổ chức phương Tây như NATO và Liên minh châu Âu của Ukraine.
Kịch bản tái hiện
Dẫu cho mối quan hệ giữa chính quyền Erdogan và các đồng minh NATO trải qua nhiều sóng gió sau thương vụ S-400, ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây vẫn đang cùng một phe.
Thế trận này tương tự như kịch bản mà ông Erdogan sử dụng thành công vào năm ngoái trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, khi hỗ trợ mạnh mẽ cho Azerbaijan bằng các loại vũ khí thay đổi cán cân cuộc chiến, như máy bay không người lái chiến đấu Bayraktar TB2. Tại đây, Nga cũng ở phía bên kia chiến tuyến ủng hộ Armenia, mặc dù tỏ ra ít quan tâm hơn so với cuộc khủng hoảng Ukraine.
NATO sẽ cảm thấy vui mừng khi Thổ Nhix Kỳ vẫn chung chiến tuyến trên Biển Đen.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết cung cấp cho Ukraine nhiều máy bay không người lái hơn, mang lại cho lực lượng Ukraine một lợi thế lớn về tiềm năng. Ankara cũng đã ký một thỏa thuận bán cho Ukraine 4 tàu chiến tàng hình, giúp nâng cao năng lực hải quân ở Biển Đen.
Rất dễ để dự đoán Điện Kremlin sẽ cảm thấy khó chịu với các động thái trên, khi Ngoại trưởng Sergei Lavrov đổ lỗi cho phía Ukraine gia tăng căng thẳng, đồng thời lên án Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo điều kiện cho những gì mà ông gọi là khuynh hướng "quân phiệt" của Kiev. Moscow cũng đã đình chỉ hầu hết các chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ như một động thái trừng phạt.
Cuộc cạnh tranh ở Biển Đen bổ sung vào danh sách ngày càng nhiều hơn những địa điểm mà hai thế lực kỳ cựu đối đầu nhau. Ankara đã và đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng ở các quốc gia giàu tài nguyên và nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Á, chống lại các lợi ích của Nga ở một khu vực mà Moscow coi là sân sau. Hai bên cũng đã ủng hộ các phe đối lập trong các cuộc chiến ở Syria và Libya.
Nhưng dù cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể là quân đội lớn thứ hai trong NATO sau Mỹ, thì việc đối đầu với Nga trước Ukraine vẫn là một canh bạc lớn. Ankara đang đứng trước những khó khăn về kinh tế ngày càng tăng, cùng với tác động của dịch bệnh và sự mâu thuẫn về cách tiếp cận chiến lược bên trong chính quyền Erdogan.
Một nhóm gồm các cựu sĩ quan hải quân và nhà ngoại giao có tiếng nói của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã lên án dự án kênh đào Istanbul, nói rằng công trình sẽ đe dọa các thỏa thuận hiện có trong kiểm soát việc tiếp cận eo biển Bosporus với các quốc gia khác.
Mặc dù còn nhiều chia rẽ giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng ông Erdogan cũng sẽ phải cảm kích người đồng cấp Nga vì sự ủng hộ ngay lập tức trong cuộc đảo chính quân sự không thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2016. Nếu để so sánh thì sự trợ giúp từ phương Tây sẽ không thể bằng.
Nhưng địa chính trị hiện đại cũng giống như thực đơn gọi món, với những lựa chọn vừa bổ sung vừa mâu thuẫn. Và lần này, phương Tây chắc chắn sẽ cảm thấy vui khi có được Thổ Nhĩ Kỳ sát cánh khi so kè với đối thủ đáng nể như Nga trên Biển Đen.