Ngày 23-6, TAND TP.HCM mở lại phiên tòa sơ thẩm và tuyên phạt Nguyễn Thanh Nhàn, nguyên phó phòng marketing Agribank Chi nhánh Bình Thạnh, tù chung thân về tội trộm cắp tài sản.
Đáng chú ý, ban đầu Nhàn bị truy tố và đưa ra xét xử về tội tham ô tài sản, có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Vì sao Nhàn được xác định lại tội danh?
Lấy 20 tỉ nướng vào đỏ đen
Theo hồ sơ, từ cuối năm 2011, dưới sự chỉ đạo của Nhàn, dù không có chứng từ phê duyệt của lãnh đạo nhưng thủ quỹ vẫn giao tiền để Nhàn tự vận chuyển từ kho ra trụ ATM. Quá trình này không có sự chứng kiến của các lãnh đạo chi nhánh, không dán niêm phong vào các hộp đựng tiền. Lợi dụng sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo chi nhánh, Nhàn đã nhiều lần mở hộp đựng tiền chiếm đoạt tổng cộng 20,3 tỉ đồng.
Có tiền, Nhàn mướn xe sang Campuchia đánh bạc. Nhàn khai toàn bộ số tiền chiếm đoạt được của ngân hàng đã thua sạch tại Campuchia. Sau đó, Nhàn bị bắt tạm giam và bị truy tố tội tham ô tài sản.
Tháng 9-2015, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xử Nhàn về tội danh nói trên. Tại phiên tòa này, các bị cáo cán bộ Agribank Chi nhánh Bình Thạnh đều thừa nhận nếu làm đúng quy trình thì Nhàn không thể lấy được tiền.
Cuối cùng, tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ một số vấn đề. Trong đó, mấu chốt là Nhàn có được ủy quyền tham gia vào Ban quản lý (BQL) ATM vào năm 2009 trước khi Agribank Chi nhánh Bình Thạnh có quyết định chính thức thành lập BQL ATM vào tháng 8-2012 hay không.
Bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn sau phiên xử. Ảnh: HOÀNG YẾN
Sau khi điều tra lại, đầu năm 2016, TAND TP.HCM mở lại phiên xử. Các luật sư bào chữa cho Nhàn đề nghị HĐXX chuyển tội danh của Nhàn thành trộm cắp tài sản.
Lý do các luật sư đưa ra là thời gian phạm tội Nhàn chưa chính thức được quyết định là thành viên BQL ATM mà chỉ là nhân viên của phòng kế hoạch nguồn vốn. Như vậy, anh ta đã lén lút lấy số tiền khi không có ai quản lý. Cụ thể, Nhàn không là người quản lý tiền tiếp quỹ ATM mà Nhàn chỉ là nhân viên kỹ thuật, nhiệm vụ được giao là giữ chìa khóa kỹ thuật của bốn máy ATM để xử lý các sự cố.
Và một lần nữa, tòa trả hồ sơ cho VKS.
Từ tham ô xác định thành trộm cắp
Sau khi điều tra bổ sung, VKS xác định Nhàn là nhân viên phòng kế hoạch nguồn vốn tại Agribank Chi nhánh Bình Thạnh từ năm 2005. Tháng 12-2009, chi nhánh này thành lập BQL ATM với ba thành viên.
Sau đó, hai thành viên ủy quyền lại cho Đỗ Hữu Khương (nguyên phó phòng kế toán ngân quỹ) và Nhàn làm thành viên BQL. Tuy nhiên, ủy quyền này không được giám đốc chấp nhận. Đến tháng 8-2012, lãnh đạo ngân hàng này mới có quyết định chính thức cho Khương và Nhàn vào BQL ATM.
Theo VKS, dù các quy định liên quan đến quản lý, tiếp quỹ cho các máy ATM rất chặt chẽ nhưng BQL ATM Chi nhánh Bình Thạnh đã không thực hiện đúng quy trình mà giao Nhàn tự thực hiện. Cụ thể, Nhàn tự ước tính máy ATM nào gần hết tiền, cần tiếp quỹ thì điện thoại xuống cho thủ quỹ chi tiền.
Khi chi tiền, thủ quỹ không yêu cầu phải làm chứng từ kế toán hoặc giấy đề nghị tiếp quỹ có phê duyệt, cũng không làm chứng từ phiếu xuất nhập tiền nội bộ mà để Nhàn tự nạp tiền vào các hộp đựng tiền.
Các thành viên khác trong BQL ATM phần lớn không tham gia, không niêm phong các hộp tiền, không tham gia vận chuyển áp tải. Các hộp tiền của chu kỳ cũ khi đưa từ máy ATM về kho quỹ cũng không được họ kiểm đếm, không lập biên bản kiểm quỹ, không được đối chiếu tồn quỹ trong suốt một thời gian dài.
Lợi dụng sơ hở đó, từ cuối năm 2011, Nhàn đã chiếm đoạt hơn 20 tỉ đồng của Agribank Chi nhánh Bình Thạnh. Hành vi này đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội trộm cắp tài sản. Từ những lý do trên, VKS đã quyết định thay đổi tội danh từ tham ô sang trộm cắp tài sản và truy tố Nhàn ra tòa.
Tại phiên tòa ngày 23-6, HĐXX đồng tình với VKS trong việc xác định số tiền Nhàn lấy cắp cũng như tội danh truy tố mới. Từ đó, tòa tuyên phạt Nhàn mức án chung thân.
Ngoài ra, khi Nhàn được đổi sang tội trộm cắp tài sản, hai bị cáo liên quan cũng được xác định lại tội danh, từ cố ý làm trái sang thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (ba bị cáo khác cũng cùng tội này). Tòa phạt các bị cáo này từ hai năm tù treo đến hai năm bốn tháng 21 ngày tù (bằng thời gian tạm giam).
Phân biệt tham ô với trộm cắp tài sản
Tham ô tài sản là hành vi chiếm đoạt những tài sản mà người thực hiện hành vi được giao để quản lý. Người phạm tội đã lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản được giao chiếm đoạt tài sản này.
Thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản này có thể khác nhau nhưng thực chất đều là sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như điều kiện, phương tiện để có thể dễ dàng biến tài sản được giao thành tài sản của mình.
Còn hành vi trộm cắp tài sản là người phạm tội lén lút (bí mật) lấy tài sản mà chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không hề biết mình sẽ bị mất tài sản, chỉ sau khi mất họ mới biết bị mất tài sản.