Thỏa thuận hòa bình UAE-Israel được chính thức hóa hôm 16/9 sẽ có tác động lớn đến địa chính trị Trung Đông trong dài hạn.
Không chỉ đóng khung với trọng tâm chủ yếu là chống lại ảnh hưởng của Iran trong khu vực, thỏa thuận hòa bình đầu tiên giữa Israel và một quốc gia vùng Vịnh Ả Rập còn đi xa hơn thế.
Bởi, không giống như các thỏa thuận hòa bình trước đây giữa Israel với Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994 - vẫn chỉ ở cấp nhà nước chính thức mà không tạo điều kiện cho sự thâm nhập xã hội sâu hơn - mối quan hệ hợp tác với UAE lần này sẽ đưa Israel tiến sâu vào trung tâm của khu vực.
Bằng cách phát triển chính trị, kinh tế và văn hóa ở UAE, Israel có khả năng đạt được khả năng tác động đến các sự kiện trên toàn khu vực, liên quan đến Yemen, các quốc gia khác ở vùng Vịnh và thậm chí cả Iraq.
Liên minh chiến lược
Trong bối cảnh như vậy, thỏa thuận là một tin rất xấu đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, hai quốc gia đi đầu trong việc phát triển một kiến trúc an ninh khu vực-ý thức hệ thay thế cho chủ nghĩa bảo thủ của các quốc gia Ả Rập ở vùng Vịnh, Ai Cập.
Thỏa thuận bình thường hóa UAE-Israel sẽ làm thay đổi bộ mặt Trung Đông.
Để ngăn chặn sự liên kết giữa UAE và Israel đạt được động lực chiến lược thay đổi cuộc chơi trong những năm tới, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn với nhau, không chỉ về chính trị và nền kinh tế, mà quan trọng là tư thế chiến lược của cả ba.
Thổ Nhĩ Kỳ coi Iran là một đối thủ trong khu vực, nhưng tư duy này sẽ phải thay đổi; nếu không, một liên minh giữa chủ nghĩa bảo thủ Ả Rập và chủ nghĩa bành trướng của Israel có thể sẽ thiết lập một lợi thế chiến lược trong tương lai không xa.
Giới phân tích đánh giá rằng Iran có thể là quốc gia chịu thiệt nhiều nhất từ mối quan hệ UAE-Israel, thậm chí nhiều hơn cả Palestine. Bất chấp sự phản đối của UAE rằng, thỏa thuận không nhằm vào Iran, phía Tehran đã xác định thỏa thuận này là mối đe dọa lớn đối với các lợi ích chiến lược trong khu vực.
Lo lắng sâu sắc ở Tehran
Nỗi sợ hãi trước mắt của Iran là hiệu ứng domino trên toàn vùng Vịnh với các quốc gia nhỏ như Bahrain - và có lẽ là Oman – sẽ nối bước sau sự tiên phong của UAE trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel.
Điều này sẽ làm gia tăng cảm giác bị bao vây của Iran, đặc biệt trong bối cảnh đang phải chống chọi với chiến dịch "gây áp lực tối đa" của Mỹ, nhằm tìm cách thay đổi hành vi của Iran trong khu vực theo các điều khoản do Washington yêu cầu.
Về trung và dài hạn, Iran lo sợ sự thâm nhập sâu rộng của Israel vào khu vực trong nhiều lĩnh vực, từ năng lượng và dầu khí, đến can thiệp chính trị và hợp tác tình báo.
Câu hỏi quan trọng ở thời điểm này là, Iran dự định làm gì để giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra từ thỏa thuận, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Iran chắc chắn sẽ gây áp lực lớn hơn lên cả Israel và UAE để khiến họ phải suy nghĩ kỹ trước khi bắt tay vào các dự án an ninh và quốc phòng chung.
Iran sẽ cảm thấy bị đe dọa hơn từ Israel.
Gây áp lực lên Israel dễ dàng hơn, thể hiện qua việc Iran bao vây Israel từ phía Bắc, thông qua đồng minh Hezbollah của Lebanon và từ phía Nam, thông qua các nhóm vũ trang Palestine. Nhưng gây áp lực lên UAE khó hơn, đặc biệt là vì Iran có quan hệ ngoại giao với UAE và đang có tranh chấp song phương về ba hòn đảo ở Vùng Vịnh.
Ngoài ra, hàng trăm nghìn người Iran đang sống ở UAE, đặc biệt là ở Dubai, do đó tạo ra đòn bẩy và ràng buộc cho cả hai quốc gia – đồng thời nhấn mạnh một thực tế lớn hơn rằng bất kể điều gì xảy ra, hai nước cần phải tiếp tục gắn bó.
Lợi ích chia sẻ
Iran có thể làm nhẹ bớt thỏa thuận UAE-Israel bằng cách tiếp cận với hai quốc gia mà họ có chung một số lợi ích chính trị, chiến lược và thậm chí là ý thức hệ. Trong các lựa chọn, có thể kể đến Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar – hai quốc gia đều sẽ bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ hòa bình giữa UAE và Israel.
Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt tức giận vì nước này bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với UAE ở Libya. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có mối quan hệ gay gắt với UAE ở Syria. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc UAE hỗ trợ tài chính và hậu cần cho đảng người Kurd ở đông bắc Syria.
Ngoài ra, Ankara và Abu Dhabi cũng xung đột về vấn đề Qatar khi UAE cùng với Saudi Arabia tìm cách cô lập quốc gia này kể từ tháng 6/2017. Không cần phải nói, giữa Doha và Abu Dhabi cũng chẳng thể nào có được mối quan hệ thiện chí.
Bất chấp sự thăng tiến thời gian qua, Iran có thể gặp phải những trở ngại lớn không thể vượt qua - khi Mỹ, Israel, Saudi Arabia và UAE tập trung mọi nguồn lực để chống lại nước này.
Trong tình trạng hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar không thể hy vọng làm đảo lộn cán cân quyền lực đối với các quốc gia vùng Vịnh và Ai Cập. Do đó điều tốt nhất là cả ba cần có sự bắt tay.
Iran, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ khả năng thực hiện các dự án dài hạn. Ví dụ, Iran và Qatar đã tập hợp các nguồn lực và chuyên môn để phát triển dự án khí đốt tự nhiên ngoài khơi. Đối với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước có lịch sử quan hệ song phương bền chặt - và bất chấp những căng thẳng gần đây về Syria, mối quan hệ của họ vẫn tương đối ổn định.
Tuy nhiên, nếu cả ba quốc gia muốn tránh bị các quốc gia Ả Rập, Israel và Mỹ dồn ép, họ cần gạt bỏ những khác biệt và sức ì ngoại giao bằng cách đặt mối quan hệ chung trên bình diện chiến lược.