Thỏa thuận thế kỷ của Mỹ: Cẩm nang diệu kế hay "mồi lửa" nhấn chìm Israel-Palestine?

DK |

Câu hỏi quan trọng nhất là tại sao Israel cần "túi gấm" này của người Mỹ? Tại sao người Do Thái không chỉ đơn giản là tự quyết định và thực hiện kế hoạch hòa bình của riêng họ?

"Túi gấm" của người Mỹ sẽ như thế nào?

Theo nguồn tin của tờ Jerusalem Post (Israel), vào tháng 6, Mỹ sẽ tiết lộ với toàn thế giới kế hoạch hòa bình dành riêng cho Israel mà họ đang "ấp ủ".

Kế hoạch nói trên được hoạch định trong một giai đoạn mà người ta đã ví von rằng "Ngôn từ cường điệu, sự hy vọng và sự chú ý truyền thông" lớn nhất từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2017.

Bản kế hoạch được cho là "tối mật" hiện được bảo vệ chặt chẽ ở Washington, Jerusalem và Ramallah.

Ba nhân vật nắm giữ chìa khóa để mở "Túi gấm" này gồm có: Cố vấn cao cấp cho Tổng thống Jared Kushner, Đặc phái viên Jason Greenblatt và Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman.

Mỗi người trong số họ có một phụ tá nhiều khả năng đã biết một phần của kế hoạch này, tuy nhiên thông tin gần như không bị rò rỉ cho đến thời điểm hiện tại.

Thỏa thuận thế kỷ của Mỹ: Cẩm nang diệu kế hay mồi lửa nhấn chìm Israel-Palestine? - Ảnh 1.

Bức tường ngăn cách Israel và Bờ Tây sông Jordan tại Bethlehem (Ảnh: Thomas Coex/AFP/Getty).

Kế hoạch sẽ được tiết lộ vào tháng 6/2019.

Lúc đầu, chính quyền Mỹ đã xem xét nghiêm túc việc đưa ra kế hoạch này ngay sau cuộc bầu cử vào tháng 4/2019 ở Israel, trước khi các chính trị gia nước này thành lập một chính phủ mới. Tuy nhiên, cuối cùng, ý tưởng đó đã bị gác lại sau khi người Mỹ hiểu rằng một động thái như vậy sẽ được coi là can thiệp vào quá trình thành lập chính phủ sau bầu cử của Israel.

Vậy tại sao lại là tháng 6? Bởi vì đó là sau khi một chính phủ mới được thành lập ở Jerusalem, sau các ngày lễ Độc lập và Ngày Tưởng niệm của Israel, và sau tháng Ramadan của người Hồi giáo.

Tới lúc này sẽ không còn lời thoái thác nào được chấp nhận đối với cả Israel và người Palestine về việc tại sao kế hoạch không thể được thực thi.

Về phía Mỹ, tháng 6 gần như là ngày cuối cùng để cố gắng xây dựng một số động lực để tạo cơ hội cho việc thực thi thành công bản kế hoạch.

Sau Ngày Quốc tế Lao động 1/5, vào đầu tháng 9, Tổng thống Trump và các viên chức dưới quyền của ông sẽ hoàn toàn chuyển trọng tâm sang cuộc chạy đua ứng cử năm 2020.

Khả năng đầu tư thời gian, năng lượng và các nguồn lực khác của người Mỹ vào việc cố gắng hòa giải hay một thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông sẽ bị hạn chế trầm trọng.

Quá khứ đã cho thấy bất cứ kế hoạch gì mà không xuất phát từ chính Tổng thống Mỹ thì gần như không có khả năng thành công

Mặc dù kế hoạch chưa công khai, nhưng các cuộc phỏng vấn với các quan chức Israel, Châu Âu và Mỹ, có vẻ như người Do Thái có thể hy vọng Thỏa thuận thế kỷ này sẽ có lợi nhất (cho Israel) nếu so với các kế hoạch hòa bình đã được công bố từ trước tới nay:

Thứ nhất: Có vẻ như kế hoạch sẽ không kêu gọi di chuyển các khu định cư của Israel. Tất cả, hoặc ít nhất là đại đa số (bao gồm cả những người bị cô lập), sẽ được phép ở lại.

Thứ hai: Kế hoạch rõ ràng có một số điều thú vị, đặc biệt là Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiếp tục hiện diện ở Bờ Tây, và đặc biệt là tại Thung lũng Jordan.

Thứ ba: Mặc dù có vẻ như người Palestine sẽ "có phần" ở Jerusalem, nhưng "miếng bánh" này sẽ rất nhỏ và ở những khu vực mà 99,9% người Israel chưa bao giờ lai vãng.

Một kế hoạch như vậy phá vỡ rất nhiều định kiến thông thường khi nói đến một nền hòa bình lâu dài giữa người Israel và Palestine. Sự hiện diện của các khu định cư và Lực lượng IDF ở Bờ Tây là đủ để khiến người Palestine tránh xa bàn đàm phán.

Đây là chính là điểm mà "túi gấm" có khả năng sẽ trở nên thú vị và chính là vấn đề mà các quan chức Mỹ tiếp tục giữ im lặng.

Mỹ níu Palestine bên bàn đàm phán ra sao?

Thỏa thuận thế kỷ của Mỹ: Cẩm nang diệu kế hay mồi lửa nhấn chìm Israel-Palestine? - Ảnh 2.

Bờ Tây sông Jordan và Jerusalem (Nguồn BBC).

Điều này đặc biệt phức tạp vào thời điểm Chính quyền của ông Trump gần như bị Ramallah tẩy chay và khi Tổng thống PA (Chính quyền Dân tộc Palestine) Mahmoud Abbas không bỏ lỡ cơ hội công kích công khai Tổng thống Mỹ.

Ở đây, chiến lược dường như được chia thành bốn điểm then chốt:

Thứ nhất: Các quốc gia vùng Vịnh, như Arab Saudi, Bahrain và UAE mà ông Trump đã cố gắng lôi kéo về phía mình sẽ giúp gây áp lực cho người Palestine để khiến họ không lập tức bác bỏ kế hoạch này.

Thứ hai: Đưa một cái giá (bằng một hứa hẹn hỗ trợ tài chính) đủ để buộc giới lãnh đạo Palestine phải suy nghĩ kỹ trước khi từ chối.

Thứ ba: Một chiến lược của người Mỹ sẽ được sử dụng để khiến kế hoạch tiếp cận trực tiếp với những người Palestine trẻ. Thông điệp sẽ đơn giản như là một khẩu hiệu: "Chúng tôi đang cố gắng giúp cải thiện cuộc sống của bạn nhưng giới lãnh đạo của bạn đang ngăn cản chúng tôi".

Chính vũ khí này sau đó sẽ gây áp lực từ đường phố Palestine khiến ông Abbas phải tham gia đàm phán.

Thứ tư: Một tuyên bố công khai của Chính quyền Mỹ rằng họ ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine (chính quyền này có thể không có quân đội hoặc thậm chí quyền kiểm soát biên giới) và người Palestine giờ có thể có một nhà nước độc lập.

Khả năng để điểm then chốt này xảy ra có vẻ không nhiều, người Mỹ cho đến nay đã kiềm chế để không ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập.

Chính phủ mới Israel có thể gạt "túi gấm" của ông Trump, lao vào bạo lực

Một bên bàn đàm phán sẽ là ông Abbas, được dự đoán sẽ cư xử như "một người đã chết" khi từ chối mọi đề nghị mà ông Trump đặt lên bàn.

Phía bên kia là thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đang đàm phán thành lập liên minh chính phủ thứ 5 với một đối tác "hiếu chiến" là Liên minh các đảng cánh hữu. Những người này sẽ phản đối quyết liệt bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với người Palestine, ngay cả khi một số bước đi nhỏ sẽ chuyển thành thắng lợi lớn đối với lợi ích của Israel.

Đó là chưa nói tới đảng Likud của ông Netanyahu, bản thân họ đã tăng cường tư tưởng cực hữu trong những năm gần đây. Sự thật là các chính trị gia Israel rất khó khăn để ủng hộ giải pháp thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Theo Jerusalem Post, câu hỏi quan trọng nhất là tại sao Israel cần "túi gấm" này của người Mỹ? Tại sao người Do Thái không chỉ đơn giản là tự quyết định kế hoạch hòa bình hay quân sự của họ? Israel, một quốc gia nổi tiếng đổi mới và sự can đảm đáng kinh ngạc liệu có cần một cường quốc nước ngoài đưa ra một kế hoạch bí mật mà một ngày nào đó chính họ sẽ bị bỏ rơi?

Vào tuần tới, Israel sẽ kỷ niệm 71 năm ngày độc lập nhà nước. Israel đã trở thành cường quốc quân sự và kinh tế trong khu vực và nói một cách tương đối là thế giới.

Nếu muốn, ông Netanyahu có thể tự quyết và làm bất cứ điều gì ông ta muốn về vấn đề người Palestine. Nếu quyết định sáp nhập toàn bộ Bờ Tây sông Jordan, Netanyahu đã có thể làm điều đó với chính phủ trong nhiệm kỳ cũ cũng như chính phủ thành lập trong vài tuần tới.

Vậy tại sao ông Netanyahu chưa đưa ra quyết định? Bởi vì sự thiếu quyết đoán đôi khi dễ dàng hơn đưa ra quyết định. Quyết định hành động trong vấn đề người Palestine sẽ trở thành "di sản của Netanyahu" mãi mãi đối với người Israel.

Tại sao làm một việc gì đó nếu không có lý do? Cuộc bầu cử gần đây là một ví dụ điển hình, không có bên nào tranh cử nói về Hòa bình với người Hồi giáo hoặc đưa ra một tầm nhìn chi tiết về cách thức xử lý xung đột với người Palestine.

Trong rất nhiều lĩnh vực, người Do Thái Israel luôn biết cách chủ động. Đó là một nền văn hóa mà Netanyahu biết rõ. Khẩu hiệu của Sayeret Matkal, đơn vị đặc công IDF mà ông và người em quá cố Yoni từng phục vụ có một phương châm "Dám chiến đấu mới có chiến thắng".

Trong bài báo được xuất bản ngày 8/4, tờ The New York Times đã tiên liệu tình huống xấu nhất:

"Nếu Israel sáp nhập một phần của Bờ Tây sông Jordan, như ông Netanyahu đã hứa trong chiến dịch tái tranh cử của mình, đó sẽ là một đòn chí mạng và xé nát một thỏa thuận hòa bình từ trong trứng nước và biến thành một vòng xoáy bạo lực mới.".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại