Những cam kết về kinh tế, đặc biệt là những hứa hẹn sẽ làm giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc chính là cách mà ông Trump từng sử dụng để giành được sự ủng hộ của các cử tri vùng công nghiệp Trung Tây năm 2016.
Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, thay vì chọn cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, các cử tri các bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania đều giành lá phiếu của mình cho ông Trump. Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận với Tom Barrack - một nhà đầu tư lớn và người gây quỹ trong chiến dịch tranh cử của ông năm 2016 rằng ông thuyết phục được họ là "nhờ vào thương mại".
Đàm phán bằng thuế quan
Là một doanh nhân và luôn tự nhận mình là một "deal-maker" (một người làm nên thỏa thuận), Tổng thống Mỹ cho rằng việc áp các mức thuế quan lên những đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ giúp ông tạo được "ảnh hưởng" trên bàn đàm phán và khiến đối phương phải tuân theo cách chơi mà ông muốn.
Ngày 4/12/2018, Tổng thống Mỹ đã tweet rằng: "Tôi là một người đánh thuế (Tariff Man). Bất kỳ người nào hay quốc gia nào cướp đi của cải của đất nước tôi, tôi muốn họ sẽ phải trả giá vì đã làm vậy.
Đó sẽ luôn là cách tốt nhất để tối đa hóa quyền lực kinh tế của chúng ta". Nhà lãnh đạo Mỹ tin rằng thuế quan là quân bài hiệu quả để ông mặc cả. "Tôi sử dụng chúng để đàm phán", ông Trump khẳng định trên tờ Wall Street Journal năm 2018.
Và quả thực, Tổng thống Mỹ đã áp thuế lên các quốc gia, không chỉ là với Trung Quốc mà thậm chí với cả các đồng minh truyền thống của Mỹ như Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Không ngạc nhiên là điều này khiến nhiều người đứng ngồi không yên.
Giới đầu tư (các cử tri truyền thống của đảng Cộng hòa) hài lòng với các chính sách kinh tế của ông Trump và vì thế, chỉ sau đêm ông Trump đắc cử, thị trường chứng khoán đã tăng khá mạnh nhưng những người này không hề thích chiến tranh thương mại.
Một nhà phân tích của công ty IHS Markit chỉ ra rằng thị trường sẽ phản ứng tiêu cực khi chiến tranh thương mại xảy ra và chỉ quay trở lại trạng thái ổn định khi các giải pháp dường như đã được đưa ra.
Theo lời của Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow thì Tổng thống Trump đã "thở phào và vui mừng" khi thị trường chứng khoán phục hồi trong quý đầu tiên của năm nay sau khi tháng 12/2018 giảm mạnh.
"Ông ấy đã nhận ra rằng sẽ rất khó để duy trì thị trường chứng khoán tăng nếu vẫn còn chiến tranh thương mại".
Quyết định đang nằm trong tay Tổng thống Trump. Từ đầu năm nay, dựa trên các dấu hiệu từ các cố vấn kinh tế của ông Trump, phố Wall tin rằng một thỏa thuận với thương mại với Trung Quốc sẽ được đưa ra.
Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc: Chọn hay không chọn?
Tuy nhiên, những điểm căn bản của thỏa thuận này vẫn đang gây tranh cãi gay gắt với sự chia rẽ giữa các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump. Trong khi ông Kudlow, Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin và trưởng Cố vấn Hội đồng Kinh tế Kevin Hassett ủng hộ việc nhanh chóng thúc đẩy một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc để duy trì thị trường chứng khoán tăng điểm cũng như kinh tế ổn định thì cố vấn chính của ông Trump trong vấn đề này - Đại diện Thương mại Robert Lighthizer lại đề xuất Tổng thống nên kiên nhẫn.
Ông Lighthizer tin rằng Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn và toàn diện hơn với Trung Quốc so với bản thỏa thuận đang đặt trên bàn đàm phán hiện nay.
Trong các vòng thảo luận gần đây, các nguồn tin của hai bên đều cho biết Trung Quốc đã đề nghị Mỹ cắt giảm thuế một loạt các mặt hàng nhập khẩu liên quan các thiết bị điện tử tự động và cam kết nước này sẽ mua một lượng đáng kể các sản phẩm năng lượng, nông nghiệp từ Mỹ cũng như nhập khẩu một lượng lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Thỏa thuận này có vẻ như giảm được thâm hụt thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như "dọn đường" cho chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của Tổng thống Trump khi thuyết phục các cử tri rằng ông đã đạt được thỏa thuận nhờ các biện pháp cứng rắn với Bắc Kinh.
Theo ông Lighthizer, thời gian đang thuộc về Tổng thống Trump. Trong khi nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì tương đối mạnh thì những dữ liệu gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc đang suy giảm. Thông điệp của Đại diện Thương mại Mỹ gửi tới Tổng thống Trump rất rõ ràng, đó là ông Tập Cận Bình, dưới sức ép kinh tế - chính trị trong nước sẽ cần thỏa thuận này hơn Tổng thống Trump.
Cho đến thời điểm hiện tại, ông Trump dường như vẫn đang cân nhắc những tham vấn của ông Lighthizer khi chưa tiến hành gặp ông Tập cận Bình tại Mar-a-Lago vào tháng 3 như dự kiến.
Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020 đang dần trở nên "nóng" hơn và Tổng thống Trump chắc chắn sẽ không thể "ngồi yên". Chủ đề trong thông điệp tái tranh cử của ông Trump sẽ tập trung trên 2 khía cạnh: thúc đẩy sự thịnh vượng của nước Mỹ và thực hiện những lời hứa ông đã đưa ra năm 2016. Những điểm mấu chốt trong chính sách kinh tế của ông Trump là duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp và khiến thị trường chứng khoán tăng điểm.
"Ông ấy xem xét những gì xảy ra với thị trường chứng khoán vài lần/ngày và gần như mỗi ngày", một người bạn của ông Trump cho biết.
Thị trường chứng khoán luôn biến động nhưng những cố vấn chính trị của ông Trump đều hiểu Tổng thống Mỹ muốn con số tăng trưởng của thị trường này phải luôn được duy trì trước cuộc bầu cử năm 2020. Họ cũng hiểu rằng nguy cơ lớn nhất phá vỡ sự tăng trưởng này là cuộc xung đột thương mại hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh.
Các cố vấn chủ chốt của Nhà Trắng, trong đó có Stephen Miller - một cố vấn cấp cao về chính sách đang hối thúc ông Trump sớm chấp nhận thỏa thuận đang được đàm phán với Trung Quốc hiện nay: tăng xuất khẩu hàng nông nghiệp và năng lượng của Mỹ bởi điều này sẽ giúp Tổng thống Trump củng cố sự ủng hộ của các cử tri ở các bang "đỏ" của đảng Cộng hòa - đặc biệt khi những người nông dân ở đây đang "đứng ngồi không yên" với các chính sách thương mại của ông Trump.
Ngoài ra, việc đánh thuế thấp các hàng hóa tự động và các sản phẩm công nghiệp khác của Trung Quốc sẽ giúp ông Trump có ưu thế cạnh tranh hơn khi tìm kiếm sự ủng hộ ở những bang mà ông từng khiến thế giới ngạc nhiên khi giành chiến thắng vào năm 2016 như Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.
“Vũ khí bí mật” trong cuộc bầu cử năm 2020
Một số người cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump không có các điều kiện thuận lợi để tái đắc cử trong nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2020.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump thường dao động ở mức dưới 40%, và thậm chí đôi khi chỉ trên 30% một chút trong suốt 2 năm đầu tiên trong nhiệm kỳ hiện tại của ông. Các cuộc khảo sát ở các bang dao động (swing state) tại vùng Trung Tây và vùng Vành đai Mặt Trời (Sun Belt) về sự ủng hộ đối với ông Trump trên bản đồ bầu cử đang thu hẹp thay vì mở rộng so với năm 2016.
Tuy nhiên, một điều cần phải nói tới là 71% những người tham gia cuộc khảo sát của CNN đều cho rằng nền kinh tế "có phần tốt" (45%) hoặc "rất tốt" (26%).
Đây là tỷ lệ cao nhất về phản ứng đối với nền kinh tế trong một cuộc bỏ phiếu của CNN kể từ tháng 2/2001.
Điều này không chỉ cho thấy nền kinh tế Mỹ đang mạnh lên mà còn là bằng chứng cho thấy người dân Mỹ đang đặt niềm tin vào cách Tổng thống Trump vận hành nền kinh tế đất nước.
Thông điệp tranh cử tập trung vào nền kinh tế có thể sẽ là "vũ khí bí mật" của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
Nếu nền kinh tế vẫn tiếp tục duy trì những tín hiệu tích cực thì có lẽ lá phiếu của cử tri sẽ tiếp tục lại giành cho ông Trump. Tổng thống Trump có thể mạnh mẽ tuyên bố rằng: "Các bạn không thích tôi hay phong cách chính trị của tôi ư. Nhưng hãy nhìn vào các kết quả xem! Liệu có cần thay thế một Tổng thống hay không?"./.