Thỏa thuận lương khó như thế nào trong thời điểm bão sa thải?

Tô Diệp |

Khó tìm được công việc với mức lương cao hơn công ty cũ đang là điều mà nhiều người trẻ gặp phải.

Chi phí sống tăng cao, công việc bấp bênh, công ty ngừng hoạt động, nhiều người trẻ đang phải đối diện với rất nhiều thử thách trong công việc. Số lượng người tìm việc ở thời điểm hiện tại đang tăng khá cao nhưng “việc tìm người” thì lại ít. Một số người trẻ chia sẻ rằng hiện tại đang rất khó để deal (đàm phán) lương, một vài người đã phải chấp nhận làm việc với mức lương thấp hơn so với công ty cũ.

“Nhường nhịn” một vài điều kiện để tìm được việc

Bảo Ngọc (26 tuổi, Hà Nội) vừa mới tìm được công việc mới sau hơn 2 tháng nghỉ việc. Công ty cũ đồng nghiệp tốt, lương khá ổn tuy nhiên công việc có dấu hiệu lặp lại, khá nhàm chán nên cô bạn mong muốn đổi sang môi trường mới với vai trò mới mẻ hơn. “Mình còn trẻ nên muốn thử thách bản thân cũng như học hỏi nhiều hơn. Trước đó mình làm thiết kế trong một công ty chuyên về tài chính nhưng bây giờ mình muốn làm việc tại các agency để có cơ hội học hỏi và trải nghiệm trong nhiều mảng hơn”.

Tuy nhiên đến khi bắt đầu tìm việc sau 2 tuần nghỉ ngơi, cô bạn chợt nhận ra hiện tại rất khó tìm một công việc ổn định. Bắt đầu từ cuối năm trước đến đầu năm nay, do ảnh hưởng từ biến động kinh tế, rất nhiều công ty đã cắt giảm nhân sự nên người tìm việc còn nhiều hơn số lượng vị trí mới đang được tuyển.

So sánh với 2 năm trước đó, số lượng công ty Bảo Ngọc vượt qua vòng hồ sơ cũng ít hơn dù đã có thêm kinh nghiệm và nộp đơn vào nhiều nơi. “Trước đó trung bình lương mình khoảng 16, 17 triệu đồng/tháng, lần này chuyển sang một nơi mới mình hy vọng lương sẽ cao hơn 10-20%. Song mình đã phải chấp nhận mức lương 15 triệu/tháng do không có quá nhiều sự lựa chọn cũng như không thể tiếp tục thất nghiệp nữa”.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc trong công ty mới nhiều hơn so với công ty cũ. Do vậy, có thể nói cô bạn đã phải chấp nhận giảm lương cũng như tăng lượng công việc. Một phần vì đây cũng là 1 trong 2 lời đề nghị tốt nhất mà cô bạn nhận được sau 1 tháng tìm việc miệt mài.

Thỏa thuận lương khó như thế nào trong thời điểm bão sa thải? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Pinterest

Còn đối với Nam Anh (24 tuổi, Hà Nội), do công ty trước phá sản, cậu bạn bắt buộc phải tìm việc mới. Cũng giống như Bảo Ngọc, Nam Anh cảm thấy thời điểm này rất khó tìm việc và deal lương bởi vì “cung” nhân viên nhiều hơn “cầu” từ các công ty. Yêu cầu ở phần lớn các vị trí đều tăng nhưng lương thì thấp hơn.

“Thậm chí có lúc mình đã nghĩ là có nên nghỉ ngơi qua năm nay hay không bởi vì đi tìm việc khiến sự tự tin của mình giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, vì không có đủ tiền tiết kiệm và vẫn cần trang trải cho những chi phí sống khác, mình đã quyết định làm tại một công ty xa nhà 13km với mức lương thấp hơn 10% so với trước. Mình đã cố gắng để đàm phán được mức lương như cũ nhưng vẫn không được. Song, khi xem xét những khía cạnh khác như công ty mới khá lớn, có môi trường khá tốt, mình cũng cần một nguồn thu nhập nên đã quyết định nhận việc”.

Nam Anh nhấn mạnh rằng những người mong muốn tìm công việc trong thời gian này phải suy nghĩ thật kỹ càng. Họ cần xác định được môi trường làm việc, sếp, khối lượng hay thu nhập là những tiêu chí quan trọng nhất khi tìm việc.

Thỏa thuận lương khó như thế nào trong thời điểm bão sa thải? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa - Pinterest

Không dám nghỉ việc vì sợ lương sẽ thấp đi

Hà Vy (27 tuổi, nhân viên văn phòng) dù cảm thấy không còn muốn gắn bó với công ty hiện tại nhưng cũng không dám nghỉ việc trong thời điểm này. Cô bạn lo sợ sẽ không thể tìm được một công ty mới với mức lương tốt hơn.

Bên cạnh nỗi lo sợ về thu nhập, cô bạn cũng không có can đảm bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. “Những người mình quen nghỉ việc thời điểm này gần như đều không thể tìm được công việc với mức thu nhập tốt hơn. Mình gắn bó với công ty này cho đến bây giờ đã 4 năm, cảm thấy khá lo sợ khi phải sang một môi trường mới. Mình sợ cảm giác bắt đầu lại từ đầu, làm quen đồng nghiệp và công ty mới”.

Cô cũng cho rằng bây giờ nếu chấp nhận mức lương thấp hơn 20-30% để tìm một công việc mới, làm thêm đến tận 2-3 năm nữa chỉ để có được thu nhập như cũ, điều này không phù hợp với lối sống hiện tại của cô. Ngoài bản thân, Hà Vy đang hỗ trợ bố mẹ lo cho 2 người em học đại học, cô bạn cần tài chính ổn định.

“Mình không thể nghỉ việc rồi sau đó mới tìm việc mới, mình cần chắc chắn bản thân lúc nào cũng có công việc với một nguồn thu nhập đều đặn hàng tháng. Do đó, dù cảm thấy sự phát triển của bản thân đang chững lại, mình vẫn không dám nghỉ việc”. Hà My đã thử phỏng vấn vài công ty và nhận được 2 lời mời làm việc, tuy nhiên mức lương đều đang thấp hơn so với công ty hiện tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại