Các điều khoản trong bản thỏa thuận đình chiến trong xung đột Nagorno-Karabakh (ký vào ngày 9/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 10/11) giữa Armenia và Azerbaijan được cho là đặt ra mối thách thức nghiêm trọng đối với các lợi ích dài lâu của Iran. Ảnh hưởng từ thỏa thuận này có khả năng thay đổi chính sách của Iran đối với Azerbaijan và Syria, cũng như tác động lên cách nhìn nhận của người dân Iran đối với chính quyền nước họ.
Iran lo ngại vị thế ngày càng gia tăng của Israel ở Azerbaijan
Azerbaijan hiện nay đã kiểm soát được toàn bộ vùng biên giới của nước này với Iran dọc theo sông Aras. Hẳn nhiên Baku đã ăn mừng điều này nhưng thực tế mới này lại là hồi chuông cảnh báo đối với Tehran. Bởi vì khi Azerbaijan đã khôi phục quyền kiểm soát đối với khu vực này (trước kia bị “Cộng hòa Artsakh” tự phong của người tộc Armenia kiểm soát – PV), thì có thể Israel sẽ có thêm điều kiện để giám sát Iran ở cự ly gần.
Mối quan hệ giữa Israel và Azerbaijan khá là tốt, họ có hợp tác thực chất trong các lĩnh vực tình báo, năng lượng, và quân sự.
Azerbaijan là một trong các nước nhập khẩu lớn nhất vũ khí của Israel. Việc Azerbaijan sử dụng các phi cơ không người lái (UAV) “cảm tử” (do Israel sản xuất) trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc làm nghiêng cán cân chiến trận theo hướng có lợi cho Azerbaijan, dù cho các UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất và cung cấp cho Azerbaijan đóng vai trò “thay đổi cuộc chơi” thực sự trong xung đột này.
Bên cạnh đó, Israel và Azerbaijan còn duy trì quan hệ tình báo sâu sắc. Trong trường hợp Israel quyết định mở các cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân của Iran thì không loại trừ khả năng lãnh thổ của Azerbaijan có thể trở thành điểm tiếp nhiên liệu hoặc thậm chí nơi xuất kích.
Cuộc chiến Nagorno-Karabakh (nổ ra vào cuối tháng 9/2020) cũng tạo ra một hành lang trung chuyển đi qua lãnh thổ Armenia, nối Azerbaijan với vùng tự trị Nakhchivan (thuộc Azerbaijan nhưng nằm tách rời với khối lãnh thổ chính của Azerbaijan). Hành lang này do quân Nga kiểm soát (theo thỏa thuận hòa bình nói trên) và chạy song song với biên giới Armenia-Iran.
Việc xuất hiện hành lang này đã tạo ra mối quan ngại trong chính giới Iran vì nó có thể cắt đứt sự tiếp cận của Iran với Armenia và từ đó với châu Âu thông qua lãnh thổ Gruzia. Trong bối cảnh Iran đang phải hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nặng nề của quốc tế thì điều trọng yếu đối với Iran là phải duy trì được sự tiếp cận với các nước láng giềng thân thiện với mình.
Tâm trạng lo ngại nói trên của Tehran lớn đến mức Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã buộc phải lên tiếng nói rõ rằng tuyến hành lang vận tải nói trên không được đe dọa quyền của Iran tiếp cận với Armenia.
Đáng lưu ý, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif sẽ nhanh chóng tới Moscow và Baku để thảo luận chi tiết vấn đề hành lang này. Ông Zarif sẽ không thăm thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ - đất nước hưởng lợi lớn từ thắng lợi vừa qua của Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh.
Một khi đã thông hành lang Nakhchivan-Azerbaijan thì với quan hệ đặc biệt hữu nghị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thể có được quyền tiếp cận trực tiếp biển Caspi thông qua hành lang này. Giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có điều kiện để phóng chiếu ảnh hưởng lên cả vùng Trung Á – một trong những tham vọng được Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan ấp ủ bấy lâu nay.
Xem xét lại vấn đề Syria sau khi thấy mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
Iran hiện đã nhận thấy rõ sự lưỡng lự của Nga trong việc ủng hộ hết mình cho đồng minh Armenia trong cuộc xung đột Karabakh vừa mới tạm chấm dứt.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan lên nắm quyền thông qua một cuộc “cách mạng màu” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin rất không ưa. Ông Pashinyan còn làm cho ông Putin khó chịu thêm khi tống giam cựu Tổng thống Armenia Robert Kocharyan vốn là đồng minh của ông Putin.
Do đó, trong cuộc xung đột Karabakh vừa qua, Moscow bám vào câu chữ hơn là bám vào tinh thần của liên minh với Yerevan. Moscow tuyên bố rằng cam kết an ninh của mình đối với Yerevan chỉ giới hạn trong lãnh thổ của Armenia (chứ không mở rộng sang lãnh thổ “Cộng hòa Artsakh” tự phong nằm sâu trong lãnh thổ của Azerbaijan – PV). Nga đã cho phép Azerbaijan lấy lại tất cả 7 vùng lãnh thổ bị mất xung quanh Nagorno-Karabakh, và chỉ cho phép Armenia giữ lại những khu vực nhỏ quanh thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh.
Nga sẽ duy trì ảnh hưởng trong khu vực thông qua lực lượng gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh và dọc theo hành lang Nakhchivan-Azerbaijan.
Các nhà hoạch định chính sách tinh tường ở Tehran có khả năng sẽ rút ra các kết luận đúng từ thực tế này, đặc biệt là dự báo về những gì có thể xảy ra với đồng minh của họ ở Syria , Tổng thống Bashar al-Assad.
Đã chứng kiến sự háo hức của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc kiến tạo một thỏa thuận đình chiến làm hài lòng cả hai bên, Iran có khả năng sẽ hối thúc chính quyền ông Assad sớm kết thúc nội chiến Syria.
Còn ở bên trong Iran , cách thức kết thúc xung đột Karabakh vừa qua có thể gây ra hiệu ứng tâm lý, đó là Iran chỉ là người chứng kiến của xung đột và không có tiếng nói nào trong việc hình thành kết quả của cuộc chiến này. Điều đó có thể làm sống dậy ký ức của người dân Iran về các cuộc chiến tranh Nga-Ba Tư trong thế kỷ 19, với kết quả là Ba Tư buộc phải nhượng toàn bộ vùng Nam Kavkaz (hiện nay là lãnh thổ của Armenia, Azerbaijan, và Gruzia) cho đế chế Nga.
Người dân Iran giờ có thể cảm nhận rằng nước họ không còn sức mạnh kinh tế, trình độ công nghệ và mô hình chính trị có sức ảnh hưởng lên khu vực Nam Kavkaz vốn nằm dưới ảnh hưởng của đế chế Ba Tư (tiền thân của Iran ngày nay) trong hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm trước đây./.