Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài (gọi là OPEC+) nhất trí kế hoạch cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày từ tháng 5, qua đó chấm dứt cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Saudi và Nga.
Ngoài ra, Mỹ, Brazil và Canada sẽ giảm thêm 3,7 triệu thùng/ngày và các quốc gia khác thuộc nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ cắt giảm thêm 1,3 triệu thùng/ngày.
Giá dầu thô Brent có lúc tăng 1,23 USD lên 32,71 USD/thùng trong ngày 13-4. Đáng chú ý, mức giá này vào cuối năm ngoái lên đến 66 USD/thùng.
OPEC+ đã đạt được thỏa thuận sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng vì Mexico từ chối thỏa thuận ban đầu đạt được của OPEC+ trong tuần qua.
Mexico ban đầu từ chối đề nghị cắt giảm 400.000 thùng/ngày của OPEC+ và chỉ đồng ý mức 100.000/thùng. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10-4 cho biết Washington đồng ý cắt giảm mức chênh lệch này sau cuộc trò chuyện giữa ông và Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador.
Giá dầu đã rơi tự do kể từ giữa tháng 2 khi một số nền kinh tế lớn nhất thế giới ban bố lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Nhu cầu về dầu trên thế giới đã giảm 1/3 khi hơn 3 tỉ người ở nhà thực hiện quy định giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.
Ông Andy Lipow, chủ tịch Hiệp hội Lipow Oil tại Houston – Mỹ, cho rằng: "Công việc khó khăn còn ở phía trước do thị trường vẫn hoài nghi OPEC+ có thể thực sự cắt giảm gần 10 triệu thùng/ ngày như thỏa thuận".
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs gọi thỏa thuận của OPEC+ là thỏa thuận cắt giảm sản lượng lịch sử nhưng vẫn chưa đủ. Theo ngân hàng này, việc cắt giảm mang tính tự nguyện của OPEC+ sẽ chỉ giúp sản lượng thực tế giảm 4,3 triệu thùng/ngày so với sản lượng trong quý 1/2020 với điều kiện OPEC phải tuân thủ đầy đủ thỏa thuận trong tháng 5.
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính nhu cầu dầu trong tháng 4 và 5 giảm bình quân 19 triệu thùng/ngày.