Viết trên trang The Conversation hôm 11-11, bà Jane McAdam, Giám đốc Trung tâm Luật tị nạn quốc tế Kaldor thuộc ĐH New South Wales (Úc), cho biết đây là thỏa thuận đầu tiên trên thế giới về di cư khí hậu.
Cụ thể, Úc sẽ thực thi một cơ chế thị thực đặc biệt để cho phép người Tuvalu làm việc, học tập và sinh sống tại Úc. Ban đầu, tối đa 280 người dân ở Tuvalu sẽ được phép đến Úc mỗi năm. Họ có thể tiếp cận chăm sóc sức khỏe, có nguồn thu nhập và hưởng các chính sách an sinh của Úc.
Một khu vực ở thủ đô Funafuti của Tuvalu Ảnh: REUTERS
Tuyên bố của Chính phủ Úc nhận định với dân số hơn 11.000 người, Tuvalu cực kỳ dễ bị tổn thương bởi tác động của biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng nước biển dâng. Thủ tướng Úc Anthony Albanese cũng nhấn mạnh các quốc gia phát triển có trách nhiệm hỗ trợ những nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như Tuvalu.
Theo hãng tin Anadolu, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) dự đoán đến năm 2050, có thể có từ 44 đến 216 triệu người buộc phải di cư vì khí hậu. Cũng theo IOM, các rủi ro biến đổi khí hậu đang gia tăng trên toàn cầu và khoảng 1 tỉ người sẽ phải đối mặt với các vấn đề như mực nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, nhiệt độ khắc nghiệt, mất an ninh lương thực trong thập kỷ tới.