Thỏa thuận của ông Trump với Trung Quốc sẽ không cứu nổi kinh tế toàn cầu?

Lê Thanh Hải |

Cuộc chiến tranh thương mại của chính quyền tổng thống Donald Trump với Trung Quốc dường như đã hạ nhiệt. Đó là điều mà nền kinh tế thế giới, vốn đã bị tổn hại nặng nề trong cuộc chiến thương mại này, nên hoan nghênh. Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức tăng trưởng đáng kể trong năm 2020.

Các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng thế giới (WB) đang dự báo tăng trưởng trên toàn thế giới sẽ chỉ đạt từ 0,1% đến 2,5% trong năm nay, vì cả thương mại lẫn đầu tư đều phục hồi chậm sau cú sốc do cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung gây ra vào năm ngoái.

Như vậy, tính ra con số đó vẫn thấp hơn tỷ lệ 3% mà nền kinh tế thế giới thường đạt được, nghĩa là nó sẽ khiến cho thế giới bị rơi vào tình trạng gọi là "suy thoái tăng trưởng".

Một số nền kinh tế thị trường mới nổi, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ là động lực thúc đẩy của sự tăng trưởng toàn cầu khiêm tốn này.

Trong khi đó, các thị trường phát triển được dự kiến ​​chỉ tăng 1,4% - ít hơn so với năm 2019 - vì những vấn đề trong lĩnh vực sản xuất.

Chẳng hạn, ngành sản xuất của Mỹ đã bị thu hẹp lại gần như suốt cả nửa cuối năm 2019, vì cuộc chiến thương mại khiến chi phí nguyên vật liệu tăng cao và nhu cầu bị chậm lại.

"Tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2020 được dự báo ở mức 1,8%, phản ánh tác động tiêu cực của việc tăng thuế trước đó và sự bất ổn tăng cao", Ngân hàng thế giới cho biết trong một thông cáo báo chí.

Căng thẳng thương mại sẽ lại leo thang là một trong những rủi ro lớn của năm 2020.

Mặc dù Washington và Bắc Kinh đang chuẩn bị ký thỏa thuận thương mại sơ bộ vào tuần tới, nhưng các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận "giai đoạn hai" hiện chứa đựng nhiều rủi ro cho thị trường và nền kinh tế giống như vòng đàm phán đầu tiên hồi năm ngoái.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới cũng chỉ ra những yếu tố rủi ro khác cho năm 2020, bao gồm mức nợ ngày càng tăng trên toàn thế giới và tăng trưởng năng suất ì ạch kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đến nay.

Làn sóng nợ chồng chất mới nhất, vốn đã bắt đầu từ cách đây một thập niên, là "mức tăng lớn nhất, nhanh nhất và rộng nhất" trong lịch sử gần đây, và với lãi suất thấp trên toàn thế giới, khối lượng nợ đó có thể tiếp tục tăng thêm, Ngân hàng thế giới cảnh báo.

Cục dự trữ liên bang (Fed) đã cắt giảm lãi suất ba lần vào năm ngoái để thúc đẩy tăng trưởng của Mỹ và nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới vẫn đang cam kết duy trì lãi suất ở mức cực kỳ thấp. Các chính sách tiền rẻ tiếp tục được áp dụng đã tạo ra một sự bùng nổ trong việc vay mượn, có thể gây ra khủng hoảng nếu - hay đúng hơn là khi - lãi suất bắt đầu tăng trở lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại