"Thỏa thuận bẩn" của Mỹ và chiến dịch đánh cắp trực thăng vũ trang Liên Xô ngay trong đêm

Lâm Vy |

Mỹ và phương Tây khao khát có thể chạm tay vào một chiếc trực thăng Hind. Họ muốn biết nhiều hơn nữa về nó và sẵn lòng thực hiện những thỏa thuận "bẩn" để có được mẫu máy bay này.

Khao khát của người Mỹ

Theo trang mạng War is Boring, 1987 và 1988 là hai năm "thú vị" trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Bất chấp sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết chỉ còn vài năm nữa sẽ diễn ra – điều mà một số quan chức tình báo không muốn tin vào – thì Chiến tranh Lạnh vẫn "khá ấm áp".

Cựu Tổng thống Mỹ Reagan đã thách thức nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev "xé nát" bức tường Berlin. Trong lúc vụ bê bối Iran-Contra (các quan chức cấp cao Mỹ bí mật tạo điều kiện bán vũ khí cho Iran trong bối cảnh có lệnh cấm vận vũ khí) vẫn chưa lắng xuống thì Liên Xô rút khỏi Afghanistan và những cuộc chiến ủy nhiệm quy mô nhỏ nổ ra trên khắp châu Phi.

Một cuộc xung đột như trên đã xảy ra giữa Chad và Libya năm 1987. Và trước đó chỉ 1 năm, Libya đã phải hứng chịu "mưa bom bão đạn" từ Mỹ.

Trong cuộc xung đột Libya-Chad, một chiếc trực thăng chiến đấu Mi-25 "Hind-D" do Liên Xô sản xuất (phiên bản xuất khẩu của Mi-24) mang phù hiệu của Libya đã bị bỏ lại khi quân Libya vội vã rút lui khỏi Ouadi Doum, cùng với một "kho báu" các loại xe bọc thép và trang thiết bị khác.

Thỏa thuận bẩn của Mỹ và chiến dịch đánh cắp trực thăng vũ trang Liên Xô ngay trong đêm - Ảnh 1.

Lộ trình của trực thăng Chinook với hai điểm tiếp dầu (FARP) trên hành trình bay.

Thời điểm đó, trực thăng Hind giành được sự quan tâm lớn của người Mỹ, bởi nó là trực thăng chiến đấu hạng nặng nhất trên thế giới lúc bấy giờ và nó có những khả năng mà các phi công trực thăng chiến đấu của Mỹ chỉ có thể nằm mơ mới thấy.

Mặc dù AH-64 Apache – một mẫu trực thăng của Mỹ với khả năng lớn hơn nhiều – đã đi vào hoạt động từ giữa những năm 1980 nhưng trực thăng Hind, ngoài việc đảm nhận được vai trò tương tự, còn chở theo được 8 binh sĩ.

Đây thực sự là một phương tiện lý tưởng để đưa các nhóm đặc nhiệm tới khu vực tác chiến và cung cấp cho họ sự yểm trợ - Tất cả chỉ với 1 chiếc trực thăng.

Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây khác rất khao khát có thể chạm tay vào một chiếc trực thăng Hind. Họ muốn biết nhiều hơn nữa về nó và sẵn lòng thực hiện những thỏa thuận "bẩn" để có được mẫu máy bay này.

Tham gia vào thỏa thuận có người Chad – những người cảm thấy trên cả sung sướng khi có dịp làm ăn với "ông lớn" nhiều tiền lắm của như Mỹ, và họ đã tạo điều kiện để CIA "chôm" được một chiếc trực thăng Hind về phân tích.

Thật không may, nhiệm vụ này không hề đơn giản – các lực lượng Libya vẫn hoạt động gần đó và nếu chiếc trực thăng này được mang đi một cách không khai, nó chắc chắn sẽ dẫn tới xung đột ngoại giao, và thậm chí đổ máu.

Do đó, người Mỹ phải tiến hành việc này một cách lén lút, họ cần có những phi công trực thăng đủ "điên rồ" để thực hiện một nhiệm vụ khó nhằn mà trước đây chưa từng diễn ra.

Chiến dịch đánh cắp chớp nhoáng

Chiến dịch mang tên "Mount Hope" được chia thành giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hành.

Trong quá trình luyện tập để chuẩn bị đánh cắp chiếc trực thăng nặng từ 8-9 tấn, Trung đoàn Không vận Đặc nhiệm số 160 (160th SOAR) của Mỹ đã sử dụng các biến thể đặc biệt của trực thăng CH-47 Chinook. Cuối cùng, biến thể MH-47 đã được lựa chọn.

Nhiệm vụ này được lên kế hoạch như sau: Các trực thăng MH-47 (vào thời điểm đó chưa có khả năng tiếp dầu trên không) sẽ được thả xuống từ một chiếc máy bay vận tải C-5 Galaxy. Chúng sẽ được triển khai trong đêm, bay ở độ cao thấp để tránh bị phát hiện.

Sau khi đánh cắp được trực thăng Hind và buộc dây cáp vào nó để vận chuyển, các máy bay MH-47 sẽ di chuyển tới một căn cứ tiền phương của Mỹ.

Thỏa thuận bẩn của Mỹ và chiến dịch đánh cắp trực thăng vũ trang Liên Xô ngay trong đêm - Ảnh 2.

Trực thăng Mi-25 được đưa lên vận tải cơ C-5 để mang về Mỹ. Ảnh: US Army.

Trên đường đi, chúng sẽ phải dừng 2 chặng để tiếp nhiên liệu. Trong suốt quá trình này, Không quân Pháp sẽ tiến hành yểm trợ và máy bay vận tải C-130 của Không quân Mỹ sẽ hỗ trợ các máy bay MH-47 tiếp dầu.

Cần lưu ý rằng, người Mỹ vẫn chưa thể nào quên được thiệt hại đối với những chiếc C-130 và các trực thăng của mình trong Chiến dịch Eagle Claw ở Iran vào năm trước, do đó họ rất chú trọng tới an toàn và cân nhắc từng chi tiết nhỏ.

Trong suốt chiến dịch Mount Hope, các trực thăng Chinook đã được triển khai để thực hiện phi vụ đánh cắp, chúng bay hơn 800km mà không hề bị phát hiện và đã lấy được chiếc trực thăng Hind lúc bình minh. Các lực lượng Libya, dù hoạt động cách đó vài dặm, nhưng không hề biết chuyện gì đã xảy ra.

Tuy nhiên, tại một trong những điểm tiếp dầu, đội trực thăng của Mỹ đã gặp phải cơn bão cát lớn.

Phi công Chinook phải tăng tốc và bay trong điều kiện tầm nhìn gần bằng không. Trực thăng Mỹ hạ cánh xuống Ndjamena ngay trước khi bão cát đổ bộ. Tổ lái phải ngồi chờ hơn 20 phút để bão đi qua, trước khi tháo rời cả chiếc CH-47 và Mi-25, đưa chúng lên vận tải cơ C-5 và trở về Mỹ sau đó 36 giờ.

Đây được xem là một thành công lớn của Trung đoàn Không vận Đặc nhiệm số 160.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại