An ninh lương thực của hàng chục triệu người trên toàn thế giới đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi một động thái từ Nga.
Phát biểu hôm qua (25/4), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nước này vẫn đang lưỡng lự chưa quyết định có gia hạn Sáng kiến ngũ cốc biển Đen (Black Sea Grain Initiative) hay không.
Hồi tháng 7/2022, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine đã ký riêng rẽ các thỏa thuận với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine, được gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Thỏa thuận này nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine và ban đầu có hiệu lực trong 120 ngày, sau đó được gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11/2022 và tiếp tục gia hạn 60 ngày vào ngày 18/3 vừa qua cho đến ngày 18/5 tới.
Trao đổi với các phóng viên bên lề cuộc gặp với Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Lavrov cho biết một trong những yêu cầu của Nga là Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) phải được phép quay trở lại hệ thống SWIFT.
2 ngày sau khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ cùng các nước đồng minh ở châu Âu và Canada đã loại bỏ một số ngân hàng chủ chốt của Nga ra khỏi SWIFT. Điều này khiến các ngân hàng Nga bị cô lập khỏi hệ thống thanh toán quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Lavrov còn cho rằng hiện Sáng kiến ngũ cốc biển Đen chưa được thực thi cân xứng với những gì đã thỏa thuận vào tháng 7 năm ngoái vì các công ty phân bón của Nga vẫn chưa thể vận chuyển hàng hóa trơn tru như ngũ cốc của Ukraine. Hàng chục tàu cỡ lớn của Nga chở theo 200.000 tấn phân bón vẫn đang mắc kẹt tại các cảng châu Âu.
Trước khi xung đột nổ ra, Ukraine và Nga chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc của toàn thế giới. Dòng chảy ngũ cốc đã bị gián đoạn nghiêm trọng trong gần 6 tháng, cho tới khi các đại diện của Ukraine, Nga, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận.
Kể từ khi 3 cảng của Ukraine được mở lại theo sáng kiến này, hơn 900 tàu chở gần 29 triệu tấn nông sản đã được xuất đi từ các cảng của Ukraine. Phần lớn nông sản là ngô, lúa mì, đậu tương, dầu hướng dương… Trong đó Trung Quốc là đích đến của hơn 1/4 số nông sản được xuất đi, nhiều hơn bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào.
Tham khảo CNBC