"Thợ săn tự do" - chiến thuật đáng gờm của phi công Xô Viết

TUẤN SƠN (tổng hợp) |

Khi Thế chiến 2 nổ ra, Hồng quân Liên Xô đã có những chiến thuật độc đáo để ngăn chặn đà tiến công của quân đội phát xít, trong đó có chiến thuật "thợ săn tự do" của các phi công Xô Viết. Chiến thuật này cho phép phi công được tự do tác chiến độc lập để bắn hạ máy bay đối phương.

Phát xít Đức bất ngờ

Sau những chiến thắng chóng vánh trên mặt trận phía Đông, phát xít Đức tưởng như đã chiếm ưu thế tuyệt đối trên không, trên bộ trước Hồng quân Liên Xô. Chính vì thế, các phi công trong lực lượng không quân của phát xít Đức coi việc thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Liên Xô như việc "đi dạo". Tuy nhiên, chiến trường đã thay đổi vào năm 1941.

Thợ săn tự do - chiến thuật đáng gờm của phi công Xô Viết - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu Hồng quân bảo vệ vùng trời Leningrad.

Mùa Thu năm 1941, các máy bay trinh sát của phát xít Đức và lực lượng đồng minh Phần Lan trong chuyến bay thường lệ để tìm kiếm các trận địa phòng không và sân bay tại Leningrad thì bị bất ngờ tấn công và bắn hạ một cách bất ngờ.

Theo các thông tin được giải mật sau này, thực hiện vụ tấn công là Trung úy phi công Dmitry Titorenko với chiếc tiêm kích I-16. Sau khi phát hiện máy bay trinh sát của phát xít Đức, phi công Dmitry Titorenko đã bất ngờ bổ nhào từ độ cao 4km và bắn hạ chiếc Junkers-88D, mà phi công đối phương không kịp phản ứng.

Nhờ chiến công của Trung úy phi công Dmitry Titorenko, phát xít Đức đã không phát hiện ra một sân bay dã chiến của Hồng quân triển khai ở ngoại vi thành phố Leningrad.

Với nhiều chiến công khi đối đầu với lực lượng không quân của phát xít Đức trên bầu trời Leningrad, Dmitry Titorenko được coi là một phi công có kỹ thuật chiến đấu điêu luyện, là người tạo ra chiến thuật "thợ săn tự do" trứ danh của Hồng quân sau này.

Những "thợ săn tự do" của Hồng quân

Thời điểm 1944, chiến thuật "thợ săn tự do" đã giúp Hồng quân giành ưu thế trên không. Điểm đặc biệt của chiến thuật "thợ săn tự do" là phi công được phép tự do hoạt động trên không. Khi thực hiện nhiệm vụ, phi công có thể độc lập tác chiến tìm kiếm mục tiêu và tự quyết định có tham chiến hay không hay đợi thời điểm thích hợp để bất ngờ công kích.

Thợ săn tự do - chiến thuật đáng gờm của phi công Xô Viết - Ảnh 2.

Máy bay tiêm kích Yak-3 của Không quân Xô Viết.

Theo đánh giá của phi công Xô Viết huyền thoại Alexander Pokryshkin, chiến thuật "thợ săn tự do" chính là đỉnh cao của không chiến, khi người phi công được sử dụng tối đa năng lực của mình để chống lại đối phương.

Với chiến thuật "thợ săn tự do", ngày 19-4-1945, các phi công Anh hùng Liên Xô, Alexander Kumanichkin và Sergei Kramarenko đã lập chiến công đẩy lui 2 phi đội máy bay tiêm kích Focke-Wulf FW 190 của phát xít Đức.

Với kỹ thuật bay vượt trội, phi công Alexander Kumanichkin và Sergei Kramarenko bay ở độ cao lớn đã bổ nhào hạ 2 máy bay chỉ huy của phi đội đối phương chỉ trong vài giây.

Các máy bay còn lại trong phi đội của phát xít Đức nhận ra việc họ đang bị tấn công khi cả hai chiếc máy bay chỉ huy nổ tan xác trên không. Sự việc bất ngờ này đã khiến các phi công phát xít hoảng hốt và tháo chạy.

Chỉ tới khi Thế chiến 2 kết thúc, phi công Đức còn sống sót mới biết được việc họ đã rất may mắn còn sống sót khi đối đầu với những phi công "thợ săn tự do" của Hồng quân.

Chiến thuật "thợ săn tự do" sau này cũng được áp dụng với máy bay Mig-15 trong cuộc xung đột tại Triều Tiên. Tại đây, các phi công thuộc Trung đoàn không quân 176 của Liên Xô với chiến thuật trên đã bắn hạ tới 107 máy bay F-86 Sabre của Không quân Mỹ.

Thợ săn tự do - chiến thuật đáng gờm của phi công Xô Viết - Ảnh 4.

Máy bay chiến đấu F-86 Sabre của Không quân Mỹ trên bầu trời Triều Tiên.

Chiến thuật "thợ săn tự do" không chỉ nổi tiếng ở Nga, mà còn trên thế giới, tháng 8-1967, các phi công Trung đoàn 176 được cử tới Thụy Điển tham gia triển lãm hàng không quốc tế. Tại triển lãm, họ được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ và chào đón nhiệt liệt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại