Theo NASA, TESS cần khảo sát đến 200.000 ngôi sao sáng nhất trên bầu trời và các hành tinh quay quanh chúng.
Ngoài 2.650 hành tinh đã được xác định bởi kính viễn vọng không gian Kepler mà TESS có nhiệm vụ tìm hiểu rõ hơn, nó cũng phải tìm ra ít nhất 1.600 hành tinh mới ngoài hệ mặt trời khác, bao gồm các hành tinh có kích cỡ tương đương trái đất.
Chân dung "thợ săn sự sống ngoài hành tinh" của NASA - ảnh: NASA
Trong khoa học vũ trụ, kích thước tương đương trái đất là một trong các điều kiện cơ bản để chúng ta hy vọng một hành tinh có thể có sự sống. Ngoài ra, TESS cũng sẽ quan sát ánh sáng và khoảng cách từ ngôi sao chủ đến hành tinh quay quanh nó.
Trong khi kính viễn vọng Kepler - công cụ khảo sát không gian hàng đầu trước đây - chỉ có thể quan sát một mảnh nhỏ của bầu trời, TESS có cơ hội quan sát toàn bộ bầu trời nhờ khả năng di chuyển ngoài không gian. Ước tính, TESS sẽ mất 2 năm để hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Paul Hertz, Giám đốc Bộ phận Vật lý thiên văn của NASA, vừa công bố với báo giới rằng "thợ săn sự sống ngoài hành tinh" của họ bắt đầu hành động từ ngày 25-7, sau hơn 3 tháng di chuyển từ mặt đất lên không gian. Dự tính vào tháng 8, những dữ liệu đầu tiên về các thế giới mới sẽ được TESS gửi về trái đất và cứ mỗi 13,5 ngày sẽ có một bản báo cáo mới.
Thực ra hình ảnh đầu tiên đã được TESS gửi về trái đất từ hồi tháng 5 nhưng đó mới chỉ là một hình ảnh thử nghiệm. Tuy nhiên, đó cũng là một dữ liệu quan trọng bởi nó cung cấp hình ảnh sơ bộ của 200.000 ngôi sao trong nhiệm vụ, trong đó có nhiều ngôi sao thấp thoáng hiện bóng dáng của ít nhất một hành tinh quay quanh nó.
NASA cũng cho biết họ đang cố gắng hoàn thiện dự án Kính viễn vọng không gian James Webb, vốn đang bị trì hoãn khá lâu. James Webb sẽ là người đồng hành đắc lực của TESS.
Khi "thợ săn" cung cấp những dữ liệu sơ bộ về một hành tinh giống với trái đất, có thể có sự sống hay những điều khác đáng để nghiên cứu, James Webb sẽ bắt đầu nghiên cứu khí quyển của hành tinh đó. Ngoài kích thước tương đương trái đất và sự chiếu sáng thích hợp từ ngôi sao chủ, một khí quyển phù hợp là điều kiện thứ hai hứa hẹn sự sống ngoài hành tinh.
Theo NASA, Space