Cụ thể, TheVerge đưa tin rằng cơ quan vũ trụ Mỹ đã đặt tàu không gian săn hành tinh nổi tiếng của mình vào chế độ "ngủ đông" hôm thứ Hai tuần này. NASA phóng kính viễn vọng không gian Kepler lên vũ trụ vào năm 2009 trong một nỗ lực nhằm tìm hiểu nhiều hơn về số lượng và tần suất các hành tinh trong vũ trụ của chúng ta.
Nhờ Kepler, các nhà khoa học đã phát hiện ra một cơ số các ngoại hành tinh, hay nói dễ hiểu hơn là các hành tinh nằm bên ngoài hệ mặt trời.
Con tàu không gian này, vốn đang ở cách Trái Đất khoảng 94 triệu dặm, tuy mới chỉ quét được một phần nhỏ của dải ngân hà liên kề chúng ta, nhưng các nỗ lực không ngừng nghỉ của nó đã giúp các nhà khoa học khám phá được 2.650 hành tinh.
Các hành tinh mà Kepler phát hiện có đủ mọi hình dạng và kích cỡ. Từ những hành tinh to lớn và kỳ lạ - như một hành tinh có kích cỡ ngang với Sao Mộc, hay nhiều hành tinh có kích cỡ và quỹ đạo gần giống Trái Đất. Mỗi phát hiện này lại "dạy" chúng ta nhiều điều hơn về phương thức hình thành các hành tinh, có bao nhiêu loại hành tinh ngoài kia, và thậm chí là hành tinh của chúng ta rồi sẽ ra sao.
Đó chỉ là một phần trong những gì mà "thợ săn" Kepler thu được. Có hàng ngàn các phát kiến chưa được xác nhận, và các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những phương thức mới để lục lọi kho dữ liệu của Kepler.
NASA cho biết họ đã lên kế hoạch "tạm biệt" Kepler vào đầu tháng 8, khi đó cơ quan này sẽ ra lệnh cho tàu không gian này hướng ăng-ten về phía Trái Đất để download dữ liệu từ cuộc khảo sát không gian gần đây nhất của nó. Không rõ nhiên liệu còn lại có đủ để thực hiện đợt truyền tải này không.
Nếu đủ, một khi quá trình truyền tải hoàn thành, NASA dự định sẽ bắt đầu thứ được gọi là "chiến dịch quan sát" riêng biệt lần thứ 19 của sứ mệnh K2 thứ hai của Kepler - vốn được bắt đầu từ năm 2014.
Thao tác hướng ăng-ten về phía Trái Đất là tác vụ tiêu tốn nhiên liệu nhất mà Kepler phải thực thiện, và tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hướng ăng-ten đó, bình nhiên liệu của con tàu này đều có thể cạn kiệt hoàn toàn.
NASA biết rằng một ngày nào đó Kepler sẽ hết nhiên liệu, và khi bắt đầu sứ mệnh K2, cơ quan này ban đầu đã dự báo sẽ có thể thực hiện được chỉ 10 chiến dịch quan sát với phần nhiên liệu còn sót lại mà thôi.
Nhưng việc đặt Kepler vào chế độ "ngủ đông" là dấu hiệu cho thấy Kepler quả thực chỉ còn hoạt động cầm chừng mà thôi. "Đưa dữ liệu về Trái Đất là ưu tiên cao nhất đối với phần nhiên liệu còn lại", NASA cho biết.
Kepler đã từng đi vào chế độ "ngủ đông" trước đó, và bản thân chiếc kính viễn vọng không gian này cũng gặp nhiều vấn đề trong suốt 9 năm hoạt động. Khi nó "ngủ đông" vào năm 2016, NASA đã phải công bố một "tình huống khẩn cấp" tạm thời trong khi nhóm phát triển của họ làm việc cật lực để đưa Kepler hoạt động trở lại.
Nhưng rắc rối lớn nhất Kepler từng gặp phải là vào năm 2012, khi 2 trong số 4 "bánh xe phản ứng" hồi chuyển của kính ngừng hoạt động. Động lượng tạo ra bởi các bánh xe này được dùng để điều chỉnh bộ máy "hướng mục tiêu" của Kepler.
Mất một bánh xe không vấn đề gì, nhưng mất thêm một bánh xe nữa chẳng khác gì án tử hình.
Kepler lúc này đã hoàn thành sứ mệnh ban đầu, và có lẽ NASA đã cho nó ngừng hoạt động nếu không có một giải pháp thông minh xuất phát từ nội bộ cơ quan này: sử dụng áp suất mà các tia mặt trời tác dụng lên các tấm pin quang năng của tàu để thay thế cho một trong hai bánh bị hỏng.
Nhờ đó, Kepler đã được hồi sinh và thực hiện sứ mệnh K2 - sứ mệnh nó vẫn đang thực hiện vào lúc này.
NASA đã phóng đi người kế vị Kepler, do đó ngay cả khi Kepler không còn nữa, cuộc săn lùng các ngoại hành tinh sẽ vẫn tiếp tục.
Vệ tinh Chuyển tuyến Khảo sát Ngoại hành tinh, viết tắt là TESS, đã được phóng lên nhờ tên lửa Falcon 9 của SpaceX đầu năm nay, và đã chụp được hình ảnh đầu tiên về bầu trời vũ trụ.
TESS có tầm nhìn gấp 400 lần so với Kepler, cho phép nghiên cứu nhiều hơn hàng trăm ngàn ngôi sao so với Kepler. TESS cũng sẽ tìm các hành tinh xung quanh các ngôi sao cách Trái Đất hàng chục đến hàng trăm năm ánh sáng, so với khoảng cách hàng hàng ngàn năm ánh sáng của Kepler.