Quyết định được công bố sau cuộc họp của Hội đồng quân sự tối cao tại thủ đô Ankara. Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ quân đội sau vụ đảo chính bất thành ngày 15/7 vừa qua do một bộ phận trong quân đội tiến hành.
Người phát ngôn Phủ tổng thống Ibrahim Kalin cho biết, Tổng tư lệnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar vẫn được giữ nguyên chức vụ.
Một số tướng lĩnh cấp cao khác cũng được giữ nguyên chức vụ gồm Tư lệnh lực lượng mặt đất, Tư lệnh Hải quân, Tư lệnh hạm đội tàu chiến, Tư lệnh không quân.
Tổng tư lệnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar vẫn được giữ nguyên chức vụ. (ảnh: AA).
Trong khi đó, các vị trí đã được thay mới gồm Phó Tổng Tư lệnh quân đội, Tư lệnh các đơn vị tác chiến trên không, Tư lệnh lực lượng hiến binh, Tư lệnh Quân đội thứ nhất, Tư lệnh Quân đội thứ 2, Tư lệnh lực lượng huấn luyện mặt đất cùng nhiều vị trí khác.
Ông Kalin nói: “Quyết định được đưa ra trong cuộc họp hội đồng quân sự tối cao ngày 28/7 đã trình Tổng thống và tổng thống đã thông qua. Tôi hy vọng những quyết định này sẽ tốt cho lợi ích của quân đội cũng như lợi ích của người dân”.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, gần 8.700 binh sĩ, chiếm 1,5% quân số của lực lượng vũ trang nước này đã tham gia cuộc đảo chính quân sự bất thành vừa qua. Số binh sỹ này bị cáo buộc có liên quan đến “mạng lưới khủng bố” của nhà truyền đạo Hồi giáo Fethullah Gulen, hiện đang cư trú tại Mỹ.
Dù chỉ là một bộ phận nhỏ trong quân đội, nhưng chính phủ Thổ Nhũ Kỳ quyết tâm loại bỏ tận gốc những tư tưởng đảo chính.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yindirim cho biết: “Có một điều chắc chắn là chúng ta sẽ loại bỏ tất cả các nhóm khủng bố đe dọa đến chính phủ, dân tộc và tính toàn vẹn của đất nước. Hội đồng quân sự tối cao mới sẽ là điều tốt cho đất nước, chính phủ và các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ”.
Liên quan đến việc cải tổ quân đội, ngày 28/7, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay Tổng thống Tayyip Erdogan muốn các lực lượng vũ trang và Cơ quan tình báo quốc gia (MIT) được đặt dưới sự kiểm soát của Tổng thống.
Trong khi đó, một số kênh truyền hình dẫn lời ông Erdogan nói rằng, điều này sẽ cần đến việc sửa đổi hiến pháp và sự đồng ý của phe đối lập.
Bên cạnh chiến dịch cải tổ sâu rộng trong quân đội, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tiếp tục có những hành động thanh trừng mạnh mẽ nhằm vào giới truyền thông trong nước.
Theo kênh CNN tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong thời gian thực thi tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, chính phủ nước này đã đóng cửa 3 hãng thông tấn xã, 23 đài truyền thanh, 16 kênh truyền hình, 15 tờ báo, 15 tạp chí cùng 29 nhà xuất bản.
Ngoài ra, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ 47 phóng viên đang làm việc cho những tờ báo thuộc phe đối lập.
Mặc dù nhận được sự ủng hộ của người dân trong nước, nhưng chiến dịch trấn áp những thành phần có tư tưởng ly khai, đảo chính trong bộ máy chính quyền, tư pháp, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Phía Mỹ cho rằng, cuộc đảo chính bất thành vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể ảnh hưởng lâu dài tới cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trong khu vực.
Mỹ cũng quan ngại sâu sắc trước các thông tin cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa một số hãng tin và đề nghị phía Thổ Nhĩ Kỳ làm rõ hành động này./.