Giao tranh chưa thể sớm chấm dứt ở Nagorno-Karabakh
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh bùng nổ hôm Chủ Nhật tuần trước (27/9) có căn nguyên từ một cuộc xung đột kéo dài từ cách đây 3 thập kỷ.
Cả Armenia và Azerbaijan đều là những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nhưng khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 1990, đa số người Armenia ở Nagorno-Karabakh đã yêu cầu thống nhất với Armenia.
Sau khi Azerbaijan tuyên bố độc lập khỏi Moscow, người Armenia ở Nagorno-Karabakh ly khai, gây ra một cuộc chiến đẫm máu.
Khi lệnh ngừng bắn đưa ra vào năm 1994, Armenia đang kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh có ranh giới tiếp giáp với lãnh thổ Azerbaijan. Nga, Pháp và Mỹ đã đi đầu trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài tại đây nhưng không mang lại kết quả. Armenia và Azerbaijan đều đổ lỗi cho nhau về cuộc bạo lực mới.
BQP Azerbaijan công bố hình ảnh ném bom ở Nagorno-Karabakh
Hôm thứ Năm, Tổng thống 3 nước Nga, Mỹ và Pháp đã cùng đưa ra tuyên bố chung lên án tình hình leo thang căng thẳng ở Nagorno-Karabakh, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và nối lại các cuộc đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào.
Lời kêu gọi được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, trong chuyến thăm các binh lính bị thương, đã tuyên bố rằng yêu cầu đối thoại đó là “không phù hợp” ở hoàn cảnh hiện tại và đất nước của ông đang hành động “tự vệ” nhằm khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.
“Chúng tôi có một điều kiện: Họ (tức Armenia) phải rời khỏi vùng đất của chúng tôi vô điều kiện, toàn bộ và ngay lập tức”, ông Aliyev nhấn mạnh với ý ám chỉ tới cái mà ông gọi là “chính sách chiếm đóng” của Armenia.
“Tình trạng này hiện nay vẫn còn tồn tại nhưng nếu chính phủ Armenia thực hiện điều kiện trên, giao tranh sẽ chấm dứt, máu sẽ ngừng đổ và sẽ có hòa bình”.
Bộ Ngoại giao Armenia sau đó cho biết họ “hoan nghênh” tuyên bố lên án bạo lực của 3 nhà lãnh đạo Nga, Pháp và Mỹ. Armenia sẽ “cam kết” thực thi một giải pháp hòa bình nhưng cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã can dự trực tiếp vào các đụng độ gần đây.
Yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ và tình thế khó khăn của Nga
Thổ Nhĩ Kỳ không che giấu sự ủng hộ của nước này đối với Azerbaijan. Hai quốc gia có quan hệ gần gũi về sắc tộc và ngôn ngữ, trong khi mối quan hệ của Ankara với Armenia đang bị đè nặng bởi việc Đế chế Ottoman năm 1915 đã giết hại khoảng 1,5 triệu người Armenia mà hầu hết các nhà sử học và một số quốc gia, gồm cả Mỹ, coi đó là tội ác diệt chủng. Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ thuật ngữ này.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Năm, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã đổ lỗi cho Armenia về cuộc giao tranh mới và khẳng định “những người anh em Azerbaijan của chúng tôi hiện đang chờ đợi ngày họ trở về mảnh đất của mình”.
Ông Erdogan cho rằng lời kêu gọi hòa bình của Pháp, Nga và Mỹ là không thể chấp nhận được vì ba nước đã “bỏ bê” vấn đề Nagorno-Karabakh trong suốt gần 30 năm qua.
Sáng kiến hòa bình quan trọng cuối cùng của Mỹ về Nagorno-Karabakh trên thực tế là vào năm 2001, khi các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan gặp nhau tại Key West, Florida cho các cuộc đàm phán nhưng đã kết thúc thất bại.
Giao tranh chưa thể sớm chấm dứt ở Nagorno-Karabakh
Thomas de Waal, chuyên gia về vùng Caucasus của Viện Nghiên cứu Carnegie ở châu Âu viết: “Do sự kỳ vọng của công chúng ở cả hai xã hội đều rất cao, các nhà lãnh đạo sẽ khó dừng lại sớm và tuyên bố thành công. Vì vậy, nguy cơ leo thang và hủy diệt hàng loạt đang ở mức cao đáng báo động”.
Theo ông de Waal, có hai yếu tố mới khiến tình hình hiện tại trở nên nguy hiểm hơn trước: Thổ Nhĩ Kỳ công khai ủng hộ một bên và “sự từ bỏ bất thường” của Mỹ.
Vai trò quyết đoán của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải và Trung Đông đã gây ra xích mích không chỉ với các đồng minh NATO châu Âu mà còn với cả Nga. Nagorno-Karabakh chỉ càng tăng thêm sự tức giận.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm cho biết ông đã nắm được thông tin các chiến binh thánh chiến Syria đã quá cảnh qua Thổ Nhĩ Kỳ để tới chiến đấu ở Nagorno-Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ tuyên bố đó.
Không đích danh nhắc tới Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Điện Kremlin cho biết, việc các tay súng từ Syria và Libya - hai quốc gia mà Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động, được triển khai tới Nagorno-Karabakh là “cực kỳ nguy hiểm”.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm thứ Sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận về sự tham gia của “các chiến binh thuộc những đơn vị vũ trang bất hợp pháp ở Trung Đông”.
Điện Kremlin không đứng về phía nào trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh vì Nga có quan hệ chặt chẽ với cả Armenia và Azerbaijan.
Sự can dự của Thổ Nhĩ Kỳ càng làm phức tạp thêm vị thế của Nga vì Tổng thống Putin đã “ve vãn” được ông Erdogan bằng các đường ống dẫn dầu và vũ khí tiên tiến, bất chấp những khác biệt nghiêm trọng về quan điểm ở những nơi như Syria.
Viết trên trang tin Nga VTimes, nhà phân tích chính trị Arkady Dubnov bình luận: “Yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến này là rõ ràng và mang tính đe dọa cao”.
Ông Dubnov cho rằng Nga đã nhận được rất nhiều cảnh báo dẫn tới cuộc giao tranh bùng nổ ở Nagorno-Karabakh trong tuần này nhưng theo ông, đó là dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin không còn đủ lực đẩy trong khu vực để ngăn chặn nó.
Ông Dubnov cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã thách đấu ở Nagorno-Karabakh nhưng Nga đã chưa dám lâm trận.