Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar cam kết với lính đánh thuê quốc tịch ở Libya!
Hôm 19/8, tờ al-Arabiya đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA) đã đồng ý cấp hộ chiếu cho lính đánh thuê người Syria, Somali và Tunisia đồng thời đưa những người này vào lực lượng GNA dưới sự giám sát của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF).
"Việc giám sát và huấn luyện dưới sự chỉ đạo của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tổ chức tại Căn cứ không quân al-Watiya và Sân bay Quốc tế Tripoli với sự hỗ trợ tài chính của Qatar.
Họ sẽ được phân công vào các nhiệm vụ cụ thể, bao gồm việc bảo vệ các trụ sở GNA trước các nhóm dân quân địa phương".
Hôm 18/8, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã ký thêm một thỏa thuận quân sự mới để tiếp tục gửi cố vấn tới hỗ trợ đào tạo sĩ quan của GNA ở miền tây Libya. Thứ trưởng Quốc phòng của GNA Salah al-Namrouch trong một tuyên bố cho biết:
"Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar và người đồng cấp Qatar Khalid bin Mohamed al-Attiyah về hợp tác ba bên để xây dựng một học viện quân sự".
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hội đàm với Thứ trưởng Quốc phòng GNA Salahedin al-Namroush của Libya và Bộ trưởng Quốc phòng Qatar Khalid bin Mohamed al-Attiyah tại Tripoli, Libya (Nguồn: Reuters).
Khám phá kế hoạch "tái định cư" của Thổ Nhĩ Kỳ
Điều mong muốn lớn nhất của Ankara lúc này có lẽ là việc đưa những người tị nạn Syria ra khỏi đất Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 3,6 triệu người tị nạn).
Bằng các chiến dịch "Lá chắn Euphrate", "Cành Olive", "Mùa xuân Hòa bình" ở miền bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ dự định sẽ đưa khoảng 1 triệu người tị nạn trở về các "vùng an toàn" dọc theo biên giới thuộc các tỉnh Idlib, Aleppo, Raqqa và al-Hasakah.
Tuy nhiên "vùng an toàn" ở đông bắc Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ thu được sau chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" vào năm 2019 chỉ dài 120 km và rộng 32 km, nó nhỏ hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu của Ankara (dài 444 km).
Chiến dịch "Lá chắn Mùa xuân" ở tỉnh Idlib vào đầu năm 2020 chỉ có giá trị duy nhất là ngăn sự sụp đổ của các nhóm phiến quân và khủng bố ở Idlib, chặn khoảng 3 triệu người Syria ở khu vực này đổ xô vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, hàng trăm nghìn người tị nạn đã trở về miền bắc Syria. Tuy nhiên, ông Oytun Orhan, chuyên gia về Syria của Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông (ORSAM) tại Ankara đưa ra bình luận:
"Nhiều khả năng là đa phần họ đã trở lại Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các tuyến đường bất hợp pháp khi không thấy những gì họ hy vọng và hiện đang là những người tị nạn không đăng ký".
Ông Orhan cũng lập luận rằng nếu việc người tị nạn trở về xảy ra thì "con số sẽ không phải là hàng triệu. Trong số 3,6 triệu người tị nạn Syria, chỉ có 10% đến 15% đến từ phía đông sông Euphrates. Vì vậy, con số tối đa có thể là 400.000 đến 500.000 người".
Một đồ họa cho thấy số liệu chính thức về cuộc khủng hoảng di cư vào năm 2015 với hàng triệu người tị nạn tại EU, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông, Bắc Phi (bao gồm Libya).
Trả lời phỏng vấn hãng tin Đức DW, chính trị gia Umit Ozdag của Đảng đối lập theo chủ nghĩa dân tộc Iyi cho rằng Quy chế Bảo vệ Tạm thời được Ankara thông qua vào năm 2014 khá rõ ràng: "Khi chiến tranh kết thúc, người (tị nạn) Syria sẽ phải trở về nhà".
Tờ DW đưa ra nhận xét rằng đối với Ankara, người tị nạn Syria là một "con bài mặc cả" và lý do chính là "các vấn đề kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt, và tâm lý tiêu cực đối với người tị nạn Syria đã gia tăng":
"Tổng thống Erdogan muốn lấy lòng cử tri Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tìm ra giải pháp cho vấn đề. Vì vậy ông thường đe dọa Liên minh Châu Âu (EU) về thỏa thuận tái định cư cho người tị nạn Syria mà Ankara đã ký với khối này vào năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ này thường đe dọa bằng cách "mở cửa" cho những người tị nạn tiếp tục vào châu Âu, làm dấy lên lo ngại ở nhiều nước EU về một làn sóng mới, vượt qua số người tị nạn đã xâm nhập vào năm 2015".
Với việc các tay súng đánh thuê Syria và theo sau là gia quyến sẽ trở thành "công dân Libya" trong vùng GNA kiểm soát, động thái này sẽ làm giảm hàng trăm nghìn cho tới con số hàng triệu người tị nạn trong đất Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian ngắn.
Ngoài ra, Ankara có thể đã tạo thêm, một "cánh cửa" thứ hai để tiếp tục gây áp lực và nhận được sự hỗ trợ của EU nhằm phục vụ các toan tính chính trị và tham vọng trong khu vực của họ.
Điều kiện sống bấp bênh ở Thổ Nhĩ Kỳ và tồi tệ tại các trại tị nạn ở miền bắc Syria sẽ thôi thúc người tị nạn tới Libya?
Sẽ có bao nhiêu tay súng nước ngoài và gia quyến di cư tới Libya?
Theo tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh, Ankara vẫn tiếp tục chuyển lính đánh thuê Syria tới Libya.
Hoạt động này cũng đang gia tăng tại các trại tị nạn nằm trong khu vực kiểm soát của lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib và Aleppo nhằm vào thanh niên Syria, lợi dụng tình trạng bi đát cả về kinh tế lẫn hoàn cảnh sống.
Theo nguồn tin của SOHR, một tay môi giới sẽ thu được từ 100 đến 300 USD cho mỗi tay súng mà hắn thuyết phục được để gia nhập các nhóm vũ trang chuẩn bị tham chiến ở Libya.
Hôm 6/8, SOHR đã phát hiện một đợt lính đánh thuê mới ở Libya cho thấy khoảng 300 người từ các nhóm phiến quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA) như Sultan Murad, Al-Hamza Division và Sultan Suleiman Shah.
Người đứng đầu SOHR, Rami Abdel-Rahman tuyên bố rằng khoảng 17.000 tay súng, trong đó có 2.500 người mang quốc tịch Tunisia đã đến Libya và tất cả đều đã đi qua lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hoạt động của tình báo nước này.
Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa từ 3.500 đến 3.800 lính đánh thuê Syria đã tới hỗ trợ GNA trong ba tháng đầu năm 2020, tức là trung bình mỗi tháng từ 1.000 tới 2.000 tay súng.
Như vậy có thể đưa ra dự đoán rằng vào cuối năm 2020, khoảng 30.000 lính đánh thuê đa phần là người Syria sẽ trở thành công dân Libya.
Theo thời gian, sẽ thêm khoảng từ 3-5 lần con số nói trên là gia quyến của những người này sẽ từ miền bắc Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tới đây đẩy tổng số người tị nạn mà Ankara tổ chức di cư lên tới từ 100.000 đến 200.000 người.
Ở khía cạnh quân sự, có thể nhận thấy với quân số nói trên, GNA sẽ trở thành lực lượng lớn nhất ở Libya và có thể tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào miền đông khi đối thủ của họ, Quân đội Quốc gia Libya (LNA) chỉ có từ 7.000 tới 10.000 quân (bao gồm các tay súng bộ lạc).
Hình minh họa (Nguồn: SOHR).