Thổ Nhĩ Kỳ nên rút khỏi NATO?

Hải Yến |

Tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ khiến nước này đứng trước nguy cơ can dự vào cuộc xung đột Ukraine.

Ngày 29/4, chuẩn đô đốc hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã nghỉ hưu Cem Gürdeniz cho biết tư cách thành viên NATO đặt ra mối đe dọa lớn đối với đất nước trong thực tế địa chính trị hiện nay.

Ông lưu ý rằng các kế hoạch leo thang xung đột ở Ukraine và Thái Bình Dương của NATO đang đe dọa nghiêm trọng đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Gürdeniz tin chỉ cần đọc các báo cáo của Thượng viện hoặc Quốc hội Mỹ về Thổ Nhĩ Kỳ là đủ và ngay lập tức sẽ rõ ai là đồng minh và ai là kẻ thù của nước này.

Theo ông, bây giờ, khi cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục, Mỹ sẽ sắp xếp một "cuộc thách đấu lớn ở Thái Bình Dương".

Nói với đài Tele 1, ông Gürdeniz cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên rút khỏi NATO, vì họ có thể phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp can dự vào cuộc xung đột.

Theo ông Gurdeniz, giới lãnh đạo NATO đang nói về khả năng Ukraine gia nhập liên minh. Trong tình huống này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột và sẽ bị tước cơ hội duy trì tính trung lập.

Ngoài ra, trong trường hợp này, Ankara sẽ phải đóng cửa eo biển Bosphorus và Dardanelles đối với các tàu đến từ Nga.

Theo chuẩn đô đốc, nguồn lực và ảnh hưởng địa chính trị cho phép Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi chính sách độc lập và cân bằng giữa NATO và phương Đông, với điều kiện là Nga và Iran không thể và sẽ không xâm chiếm lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông gợi ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên xích lại gần Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Cộng hòa Nam Phi, tức là các nước thuộc nhóm BRICS.

Ngày 14/4, chuyên gia Nga về các vấn đề kinh tế Dmitry Ofitserov-Belsky, đã giải thích sự miễn cưỡng của NATO khi nhìn thấy Ukraine là thành viên.

Theo ông, mặc dù thực tế là chỉ có 3 quốc gia phản đối việc cung cấp lộ trình trở thành thành viên NATO cho Ukraine, có nhiều người phản đối việc Kiev gia nhập vào khối quân sự trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương này.

Ngày 20/3, Tổng thống Séc Petr Pavel lưu ý rằng các nước NATO sẽ không dễ dàng đưa ra quyết định nhất trí kết nạp Ukraine. Ngoài lý do về lập trường của Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine trước tiên phải trở thành thành viên của Liên minh châu Âu, sau đó mới gia nhập NATO.

Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO cấp tốc vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố không thể nhanh chóng chấp nhận Ukraine vào Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Ông giải thích rằng quyết định về tư cách thành viên của Ukraine nên được đưa ra thông qua cuộc họp của 30 quốc gia đối tác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại