Trong diễn biến mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đang hậu thuẫn mạnh mẽ lực lượng của Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia - quốc gia có hiệp ước tương trợ an ninh với Nga - tại Nagorno-Karabakh. Khu vực này từng thuộc Liên Xô cũ, hiện nằm trong lãnh thổ Azerbaijan, song có phần lớn dân số là người Armenia và đòi sáp nhập với Armenia.
Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Azerbaijan, trong khi Nga bảo trợ Armenia và có một căn cứ quân sự tại quốc gia này.
"Giống Putin hơn cả chính Putin"
Các nhà phân tích quân sự tin rằng sự cứng rắn gia tăng của Thổ Nhĩ Kỳ đơn giản xuất phát từ tác phong hành động ngày càng giống với Tổng thống Nga Vladimir Putin của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
"Ông Erdogan đang trở nên giống với Putin hơn cả chính Putin," Business Insider dẫn lời nhà phân tích quân sự [ẩn danh] của NATO tại Trung Đông.
Các chuyên gia nhận định, Tổng thống Erdogan dường như được "khích lệ" khi chứng kiến những phản ứng yếu ớt từ phương Tây nhằm vào ông Putin, bất chấp Nga đã thiết lập hiện diện dài hạn tại Syria và Libya, cũng như tiến hành vụ sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine gây rúng động vào năm 2014.
Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Azerbaijan công bố, được cho là vụ tấn công phá hủy hệ thống phòng không của Armenia ở đường tiếp xúc tại Nagorno-Karabakh, khi xung đột bùng lên giữa hai nước ngày 27/9/2020 (Ảnh: Azerbaijan Defense Ministry via AP)
Giống như Nga, trong những năm gần đây Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã can thiệp vào tình hình xung đột ở cả Syria và Libya.
"Ông Erdogan nhìn vào chương trình máy bay không người lái có giá rẻ và hữu hiệu, và nghĩ rằng 'tại sao không làm điều tương tự'?" - nhà phân tích NATO bình luận, đề cập báo cáo Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các máy bay không người lái (drone) có vũ trang do nước này tự sản xuất với giá thành phải chăng, nhưng có đủ khả năng phá hủy lượng lớn phương tiện bọc thép đắt đỏ. Ankara cũng được cho là đã sử dụng các thiết bị này để hỗ trợ đồng minh Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh.
Trước đó, đã có những đội quân đánh thuê Nga cùng vũ khí và yểm trợ trên không dành cho các lực lượng tại Libya trung thành với tướng Khalifa Haftar, trong chiến dịch của phe này nhằm giành lấy quyền kiểm soát thủ đô Tripoli và chống lại chính phủ do Liên hợp quốc bảo trợ.
Theo Business Insider, Moskva cùng đồng minh Ai Cập và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) tin rằng họ có thể nhắm đến thắng lợi dễ dàng và mang về các thỏa thuận dầu mỏ béo bở, bên cạnh sự hiện diện quân sự lâu dài cùng chính phủ bản địa hữu nghị ở khu vực trọng yếu của thế giới.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận thấy cơ hội để phát huy vai trò của chính mình, và cử các lực lượng hậu thuẫn chính phủ Tripoli, đưa đến kết quả là những nỗ lực của phe Haftar bị chững lại và lệnh ngừng bắn cùng các vòng đàm phán được tiến hành.
Vào tháng 10/2019, lực lượng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên xâm nhập địa bàn tỉnh Idlib của Syria, gây sức ép chống lại quân đội chính phủ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad - được Nga hậu thuẫn.
Sau vài tuần giao tranh, người Thổ - được yểm trợ bằng drone - đã chặn thế tiến công của quân chính phủ Syria. Một đường cao tốc trong vùng hiện được tuần tra giám sát chung bởi các lực lượng của Mỹ, Nga, người Kurd, chính phủ Syria, Iran, và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với các nhóm vũ trang bản địa.
"Chính máy bay không người lái đã khiến [xung đột] có giá rẻ và dễ dàng đến thế," chuyên viên NATO nói với Insider.
"Ông Erdogan có thể chấp nhận mạo hiểm với một số lượng drone và lính đánh thuê mà ông tuyển chọn từ các nhóm ở Syria, và cách làm này luôn hiệu quả. Cũng có những chỉ trích từ NATO và một số cuộc điện thoại, nhưng cũng giống như những gì ông ấy thấy ở Putin với Crimea, sẽ không ai làm gì hết."
"Tình thế không thua"
Thành công giá rẻ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya và Syria khiến nước này dễ dàng lựa chọn can thiệp vào Nagorno-Karabakh để hỗ trợ Azerbaijan.
"Người Thổ nhìn thấy hiệu quả ở Trung Đông và quyết định rằng đây là tình huống không thua: Hỗ trợ người Azerbaijan chống lại người Armenia sẽ luôn được ủng hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, chi phí quân sự chỉ là các drone có thể thay thế... và giờ thì [Thổ Nhĩ Kỳ] vừa khơi mào cuộc chiến ở lãnh thổ Liên Xô cũ mà cái giá hầu như khó có thể khiến ông Putin nổi giận."
Trong khi đó, Nga bị hạn chế đáng kể phương án xử lý với xung đột Armenia-Azerbaijan. Dù có ràng buộc với Armenia bằng thỏa thuận quốc phòng, Moskva cũng có quan hệ tốt với Azerbaijan. Điện Kremlin cũng thừa nhận bảo trợ an ninh của Nga với Armenia "không mở rộng tới Karabakh" bởi địa điểm này nằm trong lãnh thổ Azerbaijan.
Nghị sĩ Konstantin Zatulin, thành viên chủ chốt của Ủy ban tình báo Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ngày 22/10 nói rằng Nga sẽ không chấp nhận yêu cầu của Gruzia về việc không sử dụng không phận nước này để hỗ trợ các bên trong xung đột Armenia-Azerbaijan.
Gruzia có biên giới giáp Nga, Armenia và Azerbaijan. Yêu cầu của họ sẽ gây trở ngại đáng kể cho việc Nga gửi viện trợ cho Armenia - đất nước không tiếp giáp biển.
Nate Schenkkan, giám đốc chương trình nghiên cứu đặc biệt tại Freedom House (Mỹ), bình luận trên Twitter rằng với việc nhảy vào xung đột Nagorno-Karabakh, Thổ Nhĩ Kỳ dường như quyết định phớt lờ những chỉ trích quốc tế hay cấm vận ngắn hạn - điều mà Tổng thống Putin cũng từng làm.
Trong khi hậu quả dài hạn do những hành động của Ankara còn chưa rõ ràng, hệ quả trong tương lai gần với những kế hoạch của Moskva tại Trung Đông và vùng Caucuses đã bị ảnh hưởng.
"Cho đến khi Nga có thể chặn được" Thổ Nhĩ Kỳ trong việc triển khai drone giá rẻ, thì "ông Putin sẽ còn gặp vấn đề".
"Đây là người rất ít quan tâm đến việc thế giới nghĩ gì, cũng giống như ông Putin, và ít ra đến nay ông ấy đang làm chậm lại hầu hết những kế hoạch của ông Putin trong năm 2020," nhà phân tích NATO nêu đánh giá về Tổng thống Erdogan.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus