Bị Thổ nắm thóp, Nga đứng trước nguy cơ mất trắng ở Libya: Bất ngờ cách Moscow phản ứng

Trà Khánh |

Thông qua giới chính trị gia Libya, Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga ngưng hỗ trợ tướng Haftar, rút lực lượng PMC về nước, nếu không muốn nếm "trái đắng".

Theo Topcor, cùng với lệnh ngừng bắn tạm thời, chính trường Libya bắt đầu có sự thay đổi lớn, khi người đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) - Thủ tướng Fayez al-Sarraj bất ngờ tuyên bố từ chức. Đây được xem là kết quả tất yếu sau những cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe phái ở Tripoli nhưng cũng có thông tin cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau sự kiện trên.

Trong tuyên bố về quyết định từ chức, Thủ tướng al-Sarraj cho biết đã sẵn sàng chuyển giao quyền lực cho chính phủ mới cũng như hội đồng tổng thống lâm thời, sẽ được thành lập vào cuối tháng 10 tới. Điều này cũng cho thấy sẽ diễn ra một cuộc bầu cử sớm ở Libya.

Tuy nhiên, thông điệp của ông al-Sarraj đi ngược lại thỏa thuận giữa các bên về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn giữa GNA và Quân đội Quốc gia Libya (LNA), cũng như quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh. Rõ ràng, chính phủ Tripoli đang muốn loại bỏ vai trò của LNA trong cuộc bầu cử sắp tới.

Bị Thổ nắm thóp, Nga đứng trước nguy cơ mất trắng ở Libya: Bất ngờ cách Moscow phản ứng - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ đang gây sức ép buộc Nga ngừng hỗ trợ tướng Khalifa Haftar, đồng thời rút lực lượng lính đánh thuê khỏi Libya. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Cùng lúc với tuyên bố từ chức của người đứng đầu GNA, một chính trị gia khác của Libya là Nouri Abusahmain có chuyến thăm bất ngờ đến Moscow. Khi trả lời một số tờ báo của Nga, ông Abusahmain đã cho thấy rõ quan điểm của chính quyền Tripoli về vai trò của Moscow trong cuộc chiến ở Libya.

Thứ nhất, chính phủ GNA xem sự ra đi của Thủ tướng al-Sarraj là lẽ tất yếu khi ông này đã hoàn thành tốt vai trò chính trị của mình. Dường như Tripoli đã sẵn sàng cho sự ra đi của ông al-Sarraj và nó đã được lên kế hoạch từ trước.

Theo như phân tích của Topcor, Ankara đã gây sức ép buộc Thủ tướng al-Sarraj từ chức khi chính phủ hiện tại không còn được các phe phái bên trong GNA tín nhiệm. Điều này xuất phát từ việc ông al-Sarraj quá nhún nhường người Thổ trong một loạt các vấn đề, thỏa thuận phân chia lại đường ranh giới phía Đông Địa Trung Hải là một trong số đó.

Để giữ yên nội bộ GNA trong khi cuộc chiến với LNA vẫn đang tiếp diễn, người Thổ buộc phải "hy sinh" Thủ tướng al-Sarraj để duy trì sự kiểm soát đối với chính quyền Tripoli hiện tại.

Thứ hai, qua những tuyên bố của chính trị gia Abusahmain, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gửi một cho Moscow và các bên liên quan một thông điệp rằng Ankara không muốn tướng Khalifa Haftar - Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya tham gia vào tiến trình chính trị ở Libya do Liên hợp quốc bảo trợ.

Phía Ankara cho rằng, tướng Haftar là "một kẻ chà đạp mọi luật lệ" và là tội phạm chiến tranh khi thực hiện cuộc đảo chính chống lại chính quyền dân sự ở Tripoli.

Thứ ba, chính quyền Tripoli không hoan nghênh sự hiện diện của Nga ở Libya, nhất là khi Moscow đứng sau hỗ trợ cho Quân đội Quốc gia Libya.

Ông Abusahmain cho rằng, lực lượng lính đánh thuê Nga (PMC) đã phạm tội ác chiến tranh ở Libya khi tiếp tay cho tướng Haftar lật đổ chính phủ GNA và người dân Libya không muốn lính Nga xuất hiện trên đất nước của họ. Tuy nhiên, chính trị giá Libya lại không đưa ra bất cứ bằng chứng cụ thể nào cho tuyên bố của mình.

Trước đó, đặc phái viên của Tổng thống Erdogan trong một chuyến thăm đến Moscow từng tuyên bố rằng PMC đứng sau nhiều tội ác chiến tranh ở Libya đồng thời sẽ điều tra đến cùng để làm rõ ai đang đứng sau lực lượng này.

Nhìn chung, theo như lời của Abusahmain, GNA và cả người Thổ đang đề nghị Điện Kremlin ngưng hỗ trợ tướng Haftar, rút lực lượng PMC khỏi Libya và không can dự vào quá trình tái thiết quốc gia này sau chiến tranh. Nếu không Tripoli sẽ đưa vấn đề lính đánh thuê Nga phạm tội ác chiến tranh ra cộng động quốc tế.

Về phần mình, Moscow đã nhiều lần phủ nhận có liên quan đến các nhóm PMC đang hoạt động ở Libya, đồng thời cho rằng lệnh ngừng bắn hay thỏa thuận tái thiết sẽ đứng trước nguy cơ đổ vỡ nếu GNA đơn phương tổ chức bầu cử mà không có sự tham gia của LNA hay Quốc hội miền Đông Libya.

Dầu mỏ đang làm cuộc chiến ở Libya càng thêm tồi tệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại