Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) vừa có động thái thể hiện sự hết kiên nhẫn với Mỹ ở Syria khi tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Syria Bashar al-Assad . Cụ thể, ngày 16-12, khi được hỏi liệu TNK có hợp tác với ông Assad, ngoại trưởng nước này Mevlut Cavusoglu tuyên bố điều đó sẽ xảy ra nếu ông Assad thắng cuộc bầu cử dân chủ “đáng tin” sắp tới. Sau bảy năm nội chiến, với sự hỗ trợ của Nga và Iran, quân chính phủ Syria đã thắng thế trên phần lớn lãnh thổ, củng cố quyền lực của ông Assad.
Theo RT, phát ngôn của ông Cavusoglu là bước đảo ngược khi TNK ngay từ đầu ủng hộ Quân đội Tự do Syria (FSA) hay còn gọi phe nổi dậy Syria khi nội chiến Syria nổ ra năm 2011. Năm ngoái Tổng thống TNK Recep Tayyip Erdogan còn nói ông Assad là một kẻ khủng bố, rằng không thể tìm kiếm hòa bình cho Syria với ông Assad.
Nóng ran quan hệ Mỹ-Thổ
Chẳng những ủng hộ phe nổi dậy (FSA), hiện TNK có binh sĩ ở Đông Bắc Syria đánh lực lượng tay súng người Kurd (YPG) mà mình cho là cánh tay nối dài của tổ chức ly khai Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Nam nước mình. Chính FSA đã giúp TNK đánh đuổi YPG chiếm thị trấn Afrin, tỉnh Aleppo (Syria) trong chiến dịch Nhành ô liu hồi tháng 2.
Trong khi đó, dù cũng phản đối chính phủ ông Assad nhưng Mỹ lại chọn ủng hộ Các lực lượng dân chủ Syria (SDF - mà phần đông là lực lượng YPG) - đối tác chính của Mỹ trong cuộc truy quét IS ở Syria.
Hồi tháng 9 Mỹ tuyên bố sẽ giữ binh sĩ ở Syria lâu dài nhằm ủng hộ các lực lượng người Kurd ở Tây Bắc Syria, kiềm chế ảnh hưởng Iran. Chính sự ủng hộ này đã gây ra bất hòa lớn giữa hai đồng minh NATO: TNK và Mỹ.
Từ sau chiến dịch Nhành ô liu, TNK luôn phàn nàn chuyện Mỹ chậm thực hiện cam kết đưa YPG ra khỏi thị trấn Manbij, tỉnh Aleppo. Chẳng những không rút YPG khỏi Manbij, đầu tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis còn chỉ đạo binh sĩ Mỹ lập hàng loạt chốt quan sát ở biên giới Đông Bắc Syria với TNK.
Theo người phát ngôn Sean Ryan, số lượng và địa điểm xây dựng các chốt quan sát này sẽ còn thay đổi tùy diễn biến. Bộ trưởng Quốc phòng TNK Minister Hulusi đã bày tỏ sự bất an trước kế hoạch của Mỹ, yêu cầu Mỹ ngưng xây các chốt quan sát này.
2.000 binh sĩ Mỹ ở Syria đang có nguy cơ đối đầu với binh sĩ TNK một khi đồng minh NATO này mất hết kiên nhẫn.
Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch mới đánh người Kurd
Giữa tuần trước, Tổng thống Erdogan cho biết quân đội nước này sẽ mở một chiến dịch đánh YPG. Và ngày 14-12, TNK đã triển khai một số đơn vị đặc công đến biên giới Đông Bắc Syria, dẫn đến lo ngại sẽ khó tránh khỏi xung đột với quân Mỹ đang hoạt động tại đây.
Trong ngày này, ông Erdogan đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ lo ngại về hành động và sự hiện diện của YPG ở Đông Bắc Syria, một lần nữa yêu cầu Mỹ ngừng ủng hộ YPG. Ông Erdogan kêu gọi Mỹ đừng để các bất đồng trong chính sách về Syria cản trở sự hợp tác tương lai của hai nước. Phó Tổng thống TNK Fuat Oktay cũng kêu gọi Mỹ tôn trọng các chiến dịch của TKN nhắm vào các lực lượng người Kurd ở Syria.
Phần mình, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh cáo TNK không được đánh YPG vì sẽ đe dọa đến binh sĩ Mỹ và hủy hoại cuộc chiến chống IS. Còn YPG nói chuyện TNK đe dọa tấn công Bắc Syria là một “tuyên bố chiến tranh”, đề nghị cộng đồng thế giới can thiệp ngăn chặn.
Theo ông Cavusoglu ngày 16-12 thì ông Trump có nói với ông Erdogan rằng Mỹ có kế hoạch rút quân khỏi Syria. Chưa biết kế hoạch này sẽ thế nào khi đặc phái viên Mỹ về Syria James Jeffrey cuối tháng 11 từng nói chuyện rút quân Mỹ khỏi Syria là quá sớm, tạo điều kiện cho IS quay trở lại, đe dọa tới an ninh của Israel, Jordan và cả TNK.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua 120 chiếc F-35 từ Mỹ
Dù phản ứng với Mỹ nhưng TNK ngày 16-12 cũng khẳng định sẽ theo đuổi mua bằng được tiêm kích tàng hình đa năng F-35 Lightning II của nước này. Tổng thống Erdogan cho biết TNK vẫn sẽ theo đuổi mua 120 chiếc F-35 của Mỹ, một ngày sau khi trợ lý của ông nói rằng Mỹ có thể hủy chuyển giao F-35 nếu TNK mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Hồi tháng 6, Mỹ chuyển giao hai chiếc F-35 cho phía TNK tại một cơ sở của nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin ở TP Fort Worth, bang Texas (Mỹ). Theo kế hoạch, Mỹ sẽ chuyển giao tiếp hai chiếc F-35 nữa cho TNK vào tháng 3-2019. Tuy nhiên, hiện Mỹ vẫn chưa cho phép TNK mang F-35 ra khỏi đất Mỹ. Quốc hội Mỹ thông qua luật cho phép phong tỏa chuyển giao F-35 cho TNK.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói vẫn đang tiếp tục thuyết phục TNK mua hệ thống phòng thủ Patriot thay cho S-400. Phần mình, TNK nói mình không chê Patriot nhưng sự thật là Mỹ chưa bao giờ nghiêm túc tạo điều kiện cho họ mua Patriot. Nguyên do bế tắc là vì TNK đòi hỏi Mỹ một khi bán Patriot phải kèm luôn chuyển giao công nghệ, điều mà cả chính phủ Mỹ lẫn các nhà sản xuất Mỹ không đồng ý.
Không mua được Patriot, TNK chuyển sang thương lượng mua S-400 của Nga. Và lý lẽ của Mỹ đưa ra để phản đối TNK mua S-400 là vì hoạt động của hệ thống này không tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO, chẳng hạn F-35 được thiết kế để tránh các hệ thống phòng không như S-400. Nếu TNK có S-400 rồi có cả F-35 thì đó có thể được xem là một món quà công nghệ với Nga, Washington Post dẫn nhận định các nhà quan sát quân sự.